A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Kế tiếp kỳ án ở cao nguyên

07:07 | 20/10/2019

Sau khi thông tin bà Trần Thị Ngọc Ái Sa - Trưởng phòng Quản trị của Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk được hé lộ là một trường hợp giả mạo thân phận, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra.

Lần theo hành trình tiến thân kỳ lạ của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa ở xứ sở cao nguyên, ai cũng phải giật mình vì mê hồn trận “trộm long tráo phụng” được phô diễn hết sức lắt léo.

Bản tường trình của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa.

Tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Lắk đâu phải xa xôi gì nhau. Hai tỉnh giáp nhau về mặt địa lý và nối với nhau bằng Quốc lộ 27. Vậy mà, suốt 20 năm qua, bà Trần Thị Ngọc Thảo lại có thể dùng thân phận của chị ruột Trần Thị Ngọc Ái Sa đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng để chui sâu trèo cao tại các đơn vị công chức tỉnh Đắk Lắk. Nếu nói một mình bà Trần Thị Ngọc Thảo tự lên kịch bản và làm đạo diễn cho màn hoán đổi ngoạn mục này, thì thật khó tin.

Thành phố Đà Lạt và thành phố Ban Mê Thuột cách nhau chỉ 200 km. Thử vẽ lại đường đi của sự giả mạo Trần Thị Ngọc Ái Sa mà thấy giật mình. Chỉ 200 km mà suốt 20 năm không ai hay biết gì về nữ cán bộ có tên Trần Thị Ngọc Ái Sa chăng? Từ thành phố Đà Lạt đi qua các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng, rồi đi qua huyện Lắk, huyện Cư Kun của tỉnh Đắc Lắk là đến thành phố Ban Mê Thuột.

Vì sao bà Trần Thị Ngọc Ái Sa có mặt ở nơi quyền lực nhất của tỉnh Đắk Lắk? Vì một sự sắp đặt của duyên nợ. Ông LMS là con của một cán bộ tỉnh Đắk Lắk đã từ Ban Mê Thuột vượt 200 km sang học Đại học Đà Lạt. Tại thành phố sương mù, ông LMS đã quen biết và hẹn hò với bà Trần Thị Ngọc Thảo là dân bản xứ. Có bằng cử nhân, ông LMS trở lại quê nhà.

Đồng thời, ông LMS cũng rước bà Trần Thị Ngọc Thảo quay ngược 200 km để từ thành phố sương mù sang thành phố cà phê để làm dâu. Lấy chồng thì theo chồng là chuyện bình thường, nhưng không biết do ai mách nước, bà Trần Thị Ngọc Thảo quyết tâm lập nghiệp tại Đắk Lắk bằng thân phận chị ruột Trần Thị Ngọc Ái Sa.

Trong bản tự khai viết sai chính tả “sinh sống” và “xin sống”, bà Trần Thị Ngọc Thảo thú nhận: “Từ năm 1975-1997 tôi xin sống và học tập ở Lâm Đồng. Từ năm 1997-1999 tôi xin sống ở tại gia đình nhà chồng số nhà... đường....Buôn Ma Thuột. Từ 1999-2005 tôi làm nhân viên tại Xí nghiệp chế biến cà phê thuộc Cty 2/9, thời gian này tôi đã sử dụng bằng cấp 3 của chị gái là: Trần Thị Ngọc Ái Sa hiện đang làm lại bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng để học trung cấp kế toán rồi liên thông lên đại học và học thạc sỹ. Tôi biết việc làm của tôi là sai trái không đúng...”.

Chưa học hết cấp hai, mà vẫn có thể học trung cấp, rồi học đại học, rồi học luôn thạc sĩ thì đúng là điều vượt trí tưởng tượng của người bình thường. Phải chăng, những kiến thức bậc trung học phổ thông hoàn toàn vô dụng? Hay phương pháp đào tạo ở các trường trung cấp, đại học và sau đại học có vấn đề bất cập? Câu chuyện của bà Trần Thị Ngọc Thảo quả là thắc mắc lớn dành cho ngành giáo dục!

Bà Trần Thị Ngọc Thảo không còn che giấu việc mượn thân phận chị ruột Trần Thị Ngọc Ái Sa để từng bước thành Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng tỉnh ủy Đắk Lắk. Còn người chị ruột Trần Thị Ngọc Ái Sa phản ứng thế nào? Trong bản tường trình, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa viết: “Tên thật của em tôi là Trần Thị Ngọc Thêm, sinh năm 1975. Tôi không cho em tôi mượn bằng tốt nghiệp… Việc em tôi dùng bằng của mình để xin việc tại Đắk Lắk là tôi không biết. Về phần xác minh lý lịch Đảng của em tôi, bản thân tôi hoàn toàn không hay biết. Sau sự việc xảy ra, tôi đã tức tốc qua nhà mẹ đẻ lấy hết giấy tờ, bằng cấp của tôi đem về nhà”…

Vậy bà Trần Thị Ngọc Thảo cũng không phải tên thật của nữ cán bộ tỉnh Đắk Lắk chăng? Theo giải thích của bà Trần Thị Ngọc Thảo, vì thấy tên “Ngọc Thêm” không hay nên bà tự đổi thành “Ngọc Thảo” mà không cần đăng ký lại trên bất kỳ văn bản hành chính nào.

Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk - nơi khởi sự viên chức của Trần Thị Ngọc Ái Sa.

Nếu bà Trần Thị Ngọc Thảo vì yêu thích hoặc vì mến mộ chị ruột mà lấy cái tên Trần Thị Ngọc Ái Sa để giao tiếp hàng ngày thì không có gì đáng chê trách. Thế nhưng, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã dùng thân phận Trần Thị Ngọc Ái Sa để thành viên chứ, để kết nạp Đảng và để làm Trưởng phòng Quản trị thì lại là một hành vi lừa dối chấn động. 

Vào tháng 9/2012, Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã gửi công văn qua đường bưu điện cho Đảng ủy phường 4 (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đề nghị xác nhận giúp hồ sơ kết nạp Đảng của người mang họ tên Trần Thị Ngọc Ái Sa.

Theo ông Lâm Dũ Hùng - Bí thư Đảng ủy phường 4 thì hồ sơ này chỉ nhờ xác nhận thông tin về bà Trần Thị Ngọc Ánh (chị gái của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa) là đảng viên đang sinh hoạt tại địa phương: “Theo quy định, nếu trong gia đình có người đã vào Đảng thì coi như đã được làm kê khai, điều tra lý lịch. Trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa ở Đắk Lắk cũng vậy. Phía địa phương không lưu lại văn bản đã xác minh, mà chỉ xác minh cô Trần Thị Ngọc Ánh có phải là đảng viên, sinh hoạt tại địa phương hay không. Thực tế, bà Trần Thị Ngọc Ánh lúc đó là đảng viên, Phó bí thư Chi bộ Trường Mầm non Anh Đào, nên phường đã có xác nhận”.

Một cán bộ tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Quy trình kết nạp Đảng cũng có thiếu sót vì quá trình thẩm tra trước đây không thực hiện ở nơi cư trú (cũ) của chị này, mới dẫn đến sai sót và xảy ra sự cố hiện nay. Việc kỷ luật về mặt đảng và chính quyền là kỷ luật con người cụ thể, không phải kỷ luật cái tên…".

TÂM HUYỀN
(Kiến thức gia đình số 42)

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ