A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

"Kho báu" buôn Tring (kỳ 2)

10:45 | 22/02/2021

Lưu giữ vốn văn hóa truyền thống dân tộc

Mặc dù có sự giao thoa với văn hóa các dân tộc khác, song bà con buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) cơ bản vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê.

Truyền nhân nghề dệt ở buôn Tring

Trong các năm 2003 và 2006, buôn Tring 2 được chọn là nơi để mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của người Êđê theo chủ trương bảo tồn văn hóa truyền thống của tỉnh. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, bà H’Lil Mlô (SN 1941, thường gọi là Amí Y Thin) lúc bấy giờ là Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Tring 2 đã đứng ra truyền dạy nghề cho khoảng 50 học viên. Sau khi kết thúc khóa học, mỗi ngày, bà đều tranh thủ đến tận nhà học viên để “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, giai đoạn này tại buôn Tring 2 có khoảng 20 phụ nữ thành thạo nghề dệt thổ cẩm.

Một ngôi nhà dài nguyên bản của người dân buôn Tring 2.

Với phụ nữ ở buôn Tring 2 nói riêng và các buôn làng khác ở thị xã Buôn Hồ nói chung, Amí Y Thin chính là người thầy của nghề dệt truyền thống. Đam mê nghề dệt, bà không nhớ nổi mình đã dệt được bao nhiêu sản phẩm thổ cẩm để dùng và bán cho khách du lịch. Amí Y Thin chia sẻ, cách đây hơn 20 năm, khi mới nghỉ hưu, hễ rảnh lúc nào là bà lại dựng khung cửi, tỉ mẩn với từng sợi chỉ để dệt nên những sản phẩm thông dụng như chiếc khăn trải bàn, bộ khố của chàng trai, váy áo của cô gái Êđê... Vì đam mê nên tiền lương hằng tháng bà thường để dành một phần mua chỉ dệt vải, những sản phẩm tự làm ra được cất vào một chiếc tủ gỗ đặt ở vị trí trang trọng trong nhà dài truyền thống của gia đình.

Hiện nay, ở 3 buôn Tring vẫn còn lưu giữ được khoảng 30 nhà dài nguyên bản, trên 24 bộ chiêng, khoảng 40 người biết dệt thổ cẩm và đã thành lập 1 đội chiêng già, 1 đội chiêng tre (ching kram), 2 đội chiêng thiếu nhi...

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà vẫn luôn sẵn sàng truyền dạy nghề lại cho thế hệ trẻ nếu họ cần. Năm 2019, Amí Y Thin được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Không chỉ có những người già như Amí Y Thin và các bà, các mẹ mà hiện nay, lớp trẻ ở buôn Tring 1 và buôn Tring 2 cũng chịu khó học hỏi, biết về nghề dệt truyền thống của người Êđê. Đơn cử như  H’Duyệt Niê (buôn Tring 2) mới độ tuổi đôi mươi đã theo học và tự tay dệt được nhiều loại sản phẩm, từ những tấm khăn địu, khăn trải bàn đến váy áo. Cùng với đó, trong nhiều năm qua, tỉnh và địa phương cũng đã triển khai nhiều chương trình mở lớp dệt thổ cẩm với mục đích lưu giữ những nét văn hóa, ngành nghề truyền thống của đồng bào Êđê tại thị xã Buôn Hồ.

Giữ nét xưa giữa thời hiện đại

Dù ở ngay trung tâm thị xã Buôn Hồ, nhưng người Êđê ở buôn Tring 1, 2 và 3 vẫn lưu giữ nếp nhà dài truyền thống. Ngôi nhà dài của gia đình ông Aê Y Sô (63 tuổi ở buôn Tring 2) được làm từ đời cha mẹ ông, vật liệu chủ yếu bằng gỗ nên rất mát mẻ. Ở trong ngôi nhà dài lúc nào cũng có một bếp lửa truyền thống, phía trên bếp có một cái gác để các vật dụng sinh hoạt hay sản phẩm gia đình làm ra. Đây không chỉ là nơi nấu ăn, chế biến thực phẩm hằng ngày mà còn là nơi sum họp của các thành viên trong gia đình sau một ngày vất vả ngoài nương rẫy. Cứ mỗi chiều xuống, gia đình ông lại quây quần bên bếp lửa kể cho nhau nghe những câu chuyện trong sinh hoạt, cuộc sống, bàn chuyện dựng vợ, gả chồng cho con cái, cúng tuổi mới cho cháu chắt…

Ông Aê Y Sô giới thiệu những sản phẩm do tự tay mình đan lát.

Cạnh nhà ông Aê Y Sô là ngôi nhà dài truyền thống của nghệ nhân H’Lil Mlô, ở đó vẫn còn lưu giữ nhiều đồ dùng quý báu như trống da trâu, ghế Kpan và một tủ sản phẩm thổ cẩm do bà tự dệt trong nhiều năm qua. Nghệ nhân H’Lil Mlô chia sẻ, nhà dài là một báu vật vô giá của gia đình bà, do đó, khi điều kiện kinh tế khá giả bà xây một ngôi nhà mới ở cạnh chứ không phá bỏ ngôi nhà dài truyền thống và vẫn chọn nhà dài làm nơi ngủ nghỉ và tiếp khách­­­.

Theo ông Phạm Bá Minh, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Buôn Hồ, buôn Tring được xem như là một buôn cổ, hình thành chỉ sau Buôn Ma Thuột. Dù cuộc sống phát triển, văn hóa giao thoa nhưng người dân buôn Tring vẫn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc trưng như nhà dài, cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần và các nghi lễ như cúng bến nước, cúng lúa mới, mừng nhà mới, lễ thổi tai cho trẻ...

Nghệ nhân H'Lil Mlô tự hào "khoe" bộ trang phục truyền thống mình tự dệt.

Để bảo tồn "kho báu" văn hóa, lịch sử này, năm 2017 buôn Tring là một trong 10 buôn làng trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh đồng ý đầu tư xây dựng thành buôn du lịch cộng đồng. Đây sẽ là điểm đến thu hút du khách tham quan, trải nghiệm vốn văn hóa truyền thống về nhà dài, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát... Hiện nay, đã có 10 hộ dân đang được hỗ trợ kinh phí để phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch làm du lịch homestay, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2021. Bên cạnh đó, buôn Tring còn có 3,3 ha rừng thông nằm bên hồ Ea H’ră tạo cảnh quan thơ mộng, phù hợp cho loại hình du lịch sinh thái, picnic thư giãn cuối tuần. Khu rừng này đang được địa phương kêu gọi đầu tư làm du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng.

Có thể nói, với lợi thế là khu vực trung tâm của thị xã, được đầu tư xây dựng hạ tầng khang trang, có nguồn "tài nguyên" quý giá về lịch sử, văn hóa, cảnh quan như trên, buôn Tring sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của địa phương trong tương lai không xa.

Thúy Hồng - Hoàng Tuyết

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/9803/202102/kho-bau-buon-tring-ky-2-5724430/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ