A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ký ức Tây Nguyên

15:24 | 20/06/2023

Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quân sự, an ninh, là vùng giàu tiềm năng về văn hóa truyền thống Đông Nam Á…, được coi là 'nóc nhà' của bán đảo Đông Dương.

Hoa cà phê ở Tây Nguyên

Là một trong những khu vực phong phú và giàu có nhất của hệ sinh thái phổ tạp nhiệt đới, ở Tây nguyên có thảm thực vật nguyên sinh nhiều kiểu rừng được bảo tồn hàng triệu năm nhờ các khối núi cao và địa hình chia cắt mạnh.

Thống kê vào năm 1974 cho biết tại đây có khoảng 3.600 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loại rất quý bao gồm cả thân gỗ và nhiều loại dược liệu.

Với vị trí trung tâm của Đông dương, Tây Nguyên là nơi gặp gỡ của nhiều nhóm động vật có nguồn gốc khác nhau, phong phú và đa dạng về giống loài, hàng ngàn loài động vật nước ngọt, bò sát, chim và trên 100 loài thú trong đó có nhiều thú quý hiếm.

Điều kiện tự nhiên, khí hậu, môi trường cảnh quan Tây Nguyên là "cái nôi" cho cuộc sống và văn hóa của các tộc người nơi đây phát triển và bảo tồn qua hàng ngàn năm lịch sử.

Trước năm 1975, Tây Nguyên như là một vùng đất ngủ yên trong sự quên lãng về lịch sử, có chăng chỉ được nhắc nhớ trong vài tập khảo cứu về Nhân học của một số tác giả người Pháp, còn về khảo cổ học thì đây là "vùng đất trắng".

Lịch sử một vùng đất được đánh dấu bởi sự xuất hiện của con người, theo đó Tây Nguyên có lịch sử từ thời đá cũ cách đây chừng 300 ngàn năm. Đến nay ở Tây Nguyên phát hiện được trên 100 di chỉ khảo cổ học thời tiền sử và sơ sử.

Di chỉ Lung leng (huyện Sa Thầy, Kon Tum) được Viện Khảo cổ học khai quật là di chỉ tiền sử lớn nhất của Việt Nam, tìm thấy những thông tin rất mới về tiền sử Tây Nguyên và cả khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra còn khai quật có hơn 20 di tích lớn khác, phát hiện hàng chục ngàn công cụ đá, hàng triệu mảnh gốm chum, vò, hàng trăm công cụ kim loại và nhiều dấu tích cư trú, mộ táng, lò luyện kim...

Mười năm gần đây còn tìm thấy hàng chục trống đồng lớn nhỏ "kiểu Đông Sơn", những bộ đàn đá, đá kêu rất độc đáo... Đây là nguồn sử liệu cho phép chúng ta phác dựng bức tranh văn hóa và cảnh quan môi trường tiền sử Tây Nguyên.

Những sưu tập di vật khảo cổ học bằng các chất liệu ở Tây Nguyên cho biết mối quan hệ sâu sắc và bền chặt giữa “người và rừng” Tây Nguyên: từ bao đời rừng là sở hữu của cộng đồng, con người thuộc về cộng đồng buôn làng và thuộc về rừng, làng ở đâu cũng gần rừng, làng chuyển đi đất lại trở thành rừng, đốt rẫy làm nương rồi đi tìm rẫy mới đất bỏ hoang lại trở thành rừng...

Người Tây Nguyên "ăn rừng" vừa đủ, không ăn phí phạm, ăn biết dành lại cho người sau, không vừa ăn vừa phá. Sống với rừng, chết làm "ma" trong nhà mồ giữa rừng, sau lễ "bỏ ma" con người trở lại với rừng, thiên nhiên. Rừng là ký ức di truyền và luôn hiện hữu trong mỗi người Tây Nguyên. Có thể nói nếu người ở đồng bằng sống chết với đất vì đất thì người Tây Nguyên sống chết với rừng, vì rừng.

Đến Tây Nguyên, sống với người Tây Nguyên ta mới chiêm nghiệm được một điều vô cùng quan trọng mà cũng vô cùng giản dị: Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên càng bền chặt bao nhiêu thì lối sống, tâm thức con người càng hài hòa, hướng thiện bấy nhiêu. Bảo tồn sự đa dạng của môi trường cảnh quan, bảo tồn những loài động thực vật quý hiếm không chỉ là bảo vệ thiên nhiên, mà đó chính là bảo tồn sự đa dạng của văn hóa, sự giàu có của tài nguyên, và qua đó là bảo vệ sự đa dạng và giàu có của con người và văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Việt Nam.

Những năm trước tôi thường xuyên lên Tây Nguyên. Từ Đắk Lắk qua Gia Lai rồi lên Kon Tum, đoạn đường không dài lắm nhưng có nhiều cảnh đẹp hấp dẫn khách phương xa. Chưa ra khỏi thành phố Pleiku thì Biển Hồ đã hiện ra long lanh trong nắng sớm. Đường từ Pleiku lên Kon Tum không còn vẻ hoang vắng. Ven đường đã có nhiều ngôi nhà, khang trang có mà tạm bợ cũng có. Hầu hết xây dựng theo kiểu nhà phố, cũng giống hệt như những con đường khác trên đất nước này. Nếu là người ít đi lại có thể sẽ không biết con đường này đi đến đâu nếu những cột cây số không hiện ra báo rằng còn 30, 20 rồi 10km nữa là đến Kon Tum. Cố tìm một cái gì đó quen thuộc trên con đường này… và chỉ còn nhận ra “người quen” duy nhất là vài vạt dã quỳ nho nhỏ ven đường. Dạo xưa dã quỳ rực rỡ trải dài ngút ngát dọc đường đi. Có khi cả một triền hoa vàng đột ngột hiện ra hút mắt. Chỉ muốn được lao vào dang tay chạy giữa những bông dã quỳ vướng vít quấn quýt quanh mình.

Những lần lên Tây Nguyên, khi thì sưu tầm hiện vật bảo tàng, khi thì giám định cổ vật giúp một vài nhà sưu tập, khi thì điền dã ở các di tích khảo cổ hay các buôn làng… Nếu có đến Kon Tum thì có 2 nơi tôi thường xuyên thăm thú. Đó là Chủng viện Kon Tum và Nhà thờ Gỗ, tên gọi nôm na của Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum.

Chủng viện Kon Tum do vị giám mục đầu tiên của giáo phận Kon Tum xây dựng từ năm 1935 đến năm 1938, cũng có kiến trúc tương tự như nhà thờ nhưng quy mô lớn hơn. Bước qua cổng, du khách cảm thấy thư thái với hai hàng cây sứ lâu năm tỏa bóng mát, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào trong chủng viện. Trên tầng hai của chủng viện có một phòng truyền thống trưng bày chi tiết về lịch sử truyền giáo tại Kon Tum từ giữa thế kỷ XIX, gồm nhiều hiện vật, các bút tích... của những vị linh mục trên đường truyền đạo, các hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của giáo phận Kon Tum. Cũng có thể coi đây là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh này.

Đôi mắt trẻ thơ Tây Nguyên. Ảnh: Đặng Bá Tiến

Nhà thờ Gỗ Kon Tum do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, tọa lạc trên một diện tích rộng giữa trung tâm thị xã, có kiến trúc kết hợp giữa phong cách Roman với kiểu nhà sàn của người Ba Na. Công trình này hoàn toàn bằng gỗ, được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây dựng. Nhìn từ xa màu nâu ấm áp của tháp chuông nhà thờ nổi bật trên nền trời xanh. Được xây chủ yếu bằng gỗ cà chít, nhà thờ là một công trình khép kín gồm giáo đường, nhà khách, phòng trưng bày về phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, nhà rông. Trong khuôn viên nhà thờ còn có nhiều công trình khác nhưng sắp xếp hài hòa nên bố cục tổng thể của nhà thờ không bị phá vỡ, ngược lại thánh đường còn được tôn thêm vẻ đẹp trang nghiêm mà gần gũi.

Giáo đường không lớn lắm, hàng cột gỗ giờ ngả màu đen bóng. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu như ở các nhà rường cổ, nhưng chính những hoa văn có đường nét phóng khoáng như con người Tây Nguyên, hồn hậu và khỏe khoắn. Không dùng bê tông cốt thép, thậm chí không có cả gạch, vôi vữa, nét độc đáo của kiến trúc này còn ở chỗ tất cả các bức tường đều được xây bằng đất trộn rơm, và dù gần một thế kỷ trôi qua nhưng vẫn vững vàng, hầu như không có dấu hiệu hư hỏng.

Thánh đường còn có rất nhiều khung cửa kính màu vẽ các điển tích trong Kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng, vừa tạo thêm vẻ tráng lệ cho giáo đường. Những dãy ghế gỗ sắp thẳng tăm tắp bên trong cũng góp phần tạo thêm chiều sâu cho không gian trang nghiêm, mang đến cảm giác yên bình cho mỗi người khi dừng chân cầu nguyện và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của nhà thờ.

Lần nào trở lại Tây Nguyên tôi cũng muốn được đắm mình vào bầu trời xanh cao nguyên luôn tĩnh lặng, đắm mình vào những cánh rừng còn giấu bao điều bí ẩn, ngồi lặng bên bếp lửa nhà sàn, lâng lâng những ngụm rượu cần…

Ngồi đó và ngẫm ngợi nhiều điều. Hình như những gì đã qua dù may mắn hay rủi ro cũng đều có sự sắp đặt nào đấy gọi là “số phận”...  Nhưng ký ức về một Tây Nguyên đại ngàn thấm đẫm tình người, tình rừng... lẽ nào chỉ còn trong những tập khảo cứu người Pháp để lại từ trăm năm trước? Đất đai, văn hóa tộc người và tôn giáo là những vấn đề luôn tiềm ẩn mọi nguy cơ xung đột. Mà Tây nguyên thì có cả 3 yếu tố này. Làm sao để phát triển hài hòa kinh tế - văn hóa ở Tây Nguyên, đó là vấn đề luôn phải đặt ra và cần được giải quyết thấu đáo, công bằng.

Nguyễn Thị Hậu

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/ky-uc-tay-nguyen-d354273.html

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ