A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nghệ thuật là một phần cuộc sống

05:54 | 23/05/2013

Với Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Y Brơm, mỗi lần được gặp Bác là mỗi lần ông rưng rưng xúc động.

Đặc biệt, năm 1968, ông dựng vở "Múa trống Tây Nguyên" để biểu diễn cho khách quốc tế xem. Trước khi đi biểu diễn nước ngoài, Bác Hồ đã gọi Y Brơm đến bảo: "Cháu giỏi lắm, sau này về dạy lại cho bà con Tây Nguyên nhé!". Y Brơm xúc động muốn khóc và khắc ghi mãi lời Bác dạy trong suốt cuộc đời mình. Trong tâm tưởng của ông, tấm lòng yêu thương, tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Bác chính là ngọn lửa soi rọi cho sự hòa hợp dân tộc, sự gắn kết, tự cường vươn lên của cộng đồng các dân tộc thiểu số để cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khắc sâu lời Bác dạy

Sinh ra tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai trong một gia đình dân tộc Ba Na. Lên 7 tuổi, Y Brơm đã tập đánh chiêng, hễ ở đâu có tiếng chiêng là cậu bé Y Brơm tìm tới. Lên 11 tuổi, Y Brơm đã đòi cha mua cho một bộ đàn Kơ ní, đàn Goong và đàn T'rưng. Lớn hơn chút nữa, cậu bé Y Brơm được anh Mi Im dạy chữ. Tháng 10-1954, vào lúc lúa rẫy bắt đầu chín, Y Brơm nhận tin được ra Bắc tập kết. Tháng 9-1955, trong một buổi biểu diễn văn nghệ chung giữa đại biểu các dân tộc, thấy Y Brơm múa hay nên sau đó, ông được tuyển về làm diễn viên của Đoàn hát, kịch Tây Nguyên. Năm 1958, Y Brơm tốt nghiệp trường Múa. Từ đây, ông tập trung vào việc biểu diễn và tham gia đào tạo diễn viên múa cho Đoàn.

Sau giải phóng, về công tác ở quê hương, Y Brơm đã dành hết tình cảm, tâm huyết của mình cống hiến cho đồng bào Tây Nguyên yêu thương. Ông là tác giả của hàng chục tác phẩm múa đoạt giải cao trong nước và quốc tế. Y Brơm là 1 trong 3 nghệ sĩ múa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) đầu tiên ở Việt Nam năm 1984. Các tác phẩm xuất sắc của ông như "Múa trống Tây Nguyên", "Múa Khiêl", "Múa giã gạo đêm trăng", đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2002.

Kể về những lần được gặp Bác Hồ, Y Brơm thường nhắc đến lời Bác dạy năm ấy, rằng: "Các cháu phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau. Khi miền Nam thống nhất, các cháu sẽ là những người lãnh đạo, xây dựng quê hương, đất nước mình". Khi đó, những cán bộ người dân tộc thiểu số theo học lớp chính trị về đường lối cách mạng nước ta còn chưa thông thạo tiếng phổ thông nên không hiểu lắm từ "đoàn kết". Thế là Bác lấy ra một bó đũa để làm ví dụ. Bác nói, đây nhé, nếu không đoàn kết thì như từng cây đũa riêng lẻ này, bẻ gãy rất dễ dàng. Còn đoàn kết thì như cả bó đũa chụm lại, không thể bẻ gãy được.

Năm 1958, Y Brơm dựng tác phẩm đầu tay là vở múa "Kéo pháo" và được biểu diễn vào ngày 2-9-1958. Hôm đó, Bác Hồ đến xem, tặng hoa và khen ngợi. Tiếp đó, năm 1968, Y Brơm dựng vở "Múa trống Tây Nguyên" để biểu diễn cho khách quốc tế xem. Trước khi đi biểu diễn ở nước ngoài, Đoàn đã biểu diễn cho Bác Hồ xem. Xem xong vở diễn, Bác gọi Y Brơm đến bảo: "Cháu giỏi lắm, sau này về dạy lại cho bà con Tây Nguyên nhé!". Y Brơm xúc động muốn khóc và khắc ghi mãi lời Bác dạy trong suốt cuộc đời mình. Năm 2010, NSND Y Brơm ra dự Đại hội các dân tộc thiểu số lần thứ nhất. Khi vào Lăng viếng Bác, ông có cảm giác như nghe thấy tiếng Bác nói năm nào: "Các cháu là con em dân tộc, phải cố gắng học tập, cố gắng công tác để mai này thắng giặc trở về xây dựng quê hương, giúp bà con dân tộc mình mau chóng được no ấm, được học hành".

"Cây cổ thụ" của văn hóa cồng chiêng

Ở Tây Nguyên, mọi người thường nhắc đến NSND Y Brơm với sự tôn kính sâu sắc. Các nghệ nhân cồng chiêng nơi đây tôn vinh ông là "cây cổ thụ" về văn hóa cồng chiêng của đại ngàn. Gần như cả cuộc đời ông sống trọn nghĩa tình với những điệu xoang cùng tiếng ngân vang của cồng chiêng Tây Nguyên. 50 năm nay, từng là diễn viên múa, giảng viên, nhà biên đạo và nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa... nhưng dù công tác ở đâu, trong cương vị nào, Y Brơm luôn dành hết tâm huyết của mình để những điệu múa của các dân tộc Tây Nguyên được thăng hoa và vươn xa.

NSND Y Brơm chân thành bày tỏ: "Điều tôi sung sướng nhất là những tác phẩm mình sáng tác ra mang âm hưởng dân gian, đậm đà bản sắc dân tộc. Ví dụ như tác phẩm múa khiên nói lên cái kiên cường bất khuất dũng mãnh của Tây Nguyên; múa giã gạo nói lên cái sức lao động trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chính cái đó mới đi vào bản sắc, giữ gìn bản sắc, phát huy bản sắc". Trong suốt cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, Y Brơm luôn hành động với một phương châm là khôi phục, bảo tồn và phát triển. Với suy nghĩ như vậy nên Y Brơm luôn cố gắng truyền dạy những gì mình thu lượm và chắt lọc được cho các thế hệ sau.

Nhìn thấu suốt chặng đường nghệ thuật dài nửa thế kỷ của NSND Y Brơm, sẽ dễ dàng nhận thấy các tác phẩm múa do ông dàn dựng được chia thành hai đề tài, thứ nhất là động viên khích lệ đồng bào, chiến sỹ trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng hành cùng đề tài trên là những tác phẩm ca ngợi cái đẹp, cái mạnh mẽ, khỏe khoắn, phóng khoáng của con người trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Ở đề tài thứ hai, ý tưởng chủ đạo là ca ngợi nhân dân lao động, ca ngợi lễ hội xưa và mừng chiến thắng khi chống chọi với thiên nhiên, thú dữ, giặc ngoại xâm...

Nhạc sỹ Lê Xuân Hoan, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai đã nhắc đến NSND Y Brơm với những lời rất trọng thị: "Nghệ sỹ Y Brơm không những có khả năng sáng tác, mà còn có khả năng truyền dạy những kiến thức của mình, đặc biệt là những kiến thức về múa của các dân tộc Tây Nguyên. Chúng tôi đã mời nghệ sỹ giảng dạy môn múa dân gian, môn biên đạo múa ở trường và hiện nay, nhiều học sinh cũng đã trở thành những nghệ sỹ có tên tuổi".

Đã gần sang tuổi 74, mang trong mình nhiều căn bệnh, nhưng Y Brơm vẫn tha thiết cống hiến cho việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Ông vẫn lặn lội khắp nơi giúp lớp trẻ ở Tây Nguyên biết đánh chiêng, biết xoang và biết giữ gìn những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Ông bảo, đã là nghệ sĩ thì không có tuổi nghỉ hưu, phải luôn bám sát cuộc sống, bám sát tâm tư, suy nghĩ của đồng bào thì tác phẩm của mình mới sống mãi với thời gian.

Đông Lâm

    Theo Báo Biên phòng

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ