A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Để tiếng cồng chiêng mãi vang xa

08:05 | 03/12/2015

Tháng 11 năm nay là vừa tròn 10 năm Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Cồng chiêng Tây Nguyên là sự kết tinh của nhiều thế hệ.

 

Vừa qua, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, tỉnh Kon Tum đã tổ chức sơ kết 10 năm Di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO vinh danh. Để tiếng Cồng, tiếng Chiêng của bà con Tây Nguyên tiếp tục vang xa thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Hiện tại, tỉnh Kon Tum đang gặp một số khó khăn như: thiếu kinh phí để tổ chức truyền dạy; một số lớp trẻ thì chưa hiểu đầy đủ giá trị văn hóa, không gian cồng chiêng nên ít yêu thích, quan tâm…

Hơn 300 đội nghệ nhân cồng chiêng

Theo các nhà nghiên cứu, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Về cội nguồn, các nhà nghiên cứu cho rằng, cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,...)

Tính đến tháng 9-2015, toàn tỉnh Kon Tum có gần 600 thôn làng dân tộc thiểu số với hơn 300 đội nghệ nhân cồng chiêng, có gần 2.000 bộ cồng chiêng, trong đó, hơn 30 loại chiêng cổ, tiêu biểu cho các dân tộc như Chiêng Tha (dân tộc B’Râu), chiêng Pom, chiêng Pát (dân tộc Gia Rai nhánh A Ráp), chiêng Tơnơl (dân tộc Ba Na)...

Tỉnh Kon Tum cũng cho biết, đã thành lập Phòng Di sản văn hóa và Ngân hàng văn hóa phi vật thể để lưu trữ, tổ chức giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên điạ bàn tỉnh. Trong đó, có di sản văn hóa cồng chiêng cho cộng đồng và khách tham quan trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Đồng thời, tỉnh tổ chức mở 26 lớp truyền dạy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian cho gần 600 người tham gia học tập. Hiện có 2/3 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng trên địa bàn đang ở độ tuổi thanh niên, trong đó có nhiều thiếu niên 13, 14 tuổi.  

Tuy vậy, vẫn tồn tại một số tác nhân gây ảnh hưởng đến bảo tồn di sản như:  Không gian văn hóa cồng chiêng bị biến đổi hoặc thay thế bằng nhà xây kiên cố, giếng khoan; việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế dẫn đến sự suy giảm sinh hoạt cộng đồng…

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được đưa lên tem thư.

 

Nỗ lực bảo tồn

Năm 2008, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tiếp tục được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại điều đó càng chứng tỏ giá trị của di sản này.

GS Trần Văn Khê sinh thời đã nhấn mạnh, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là tiếng cồng, tiếng chiêng mà còn bao gồm cả: văn hóa ẩm thực, dệt thổ cẩm, đời sống lao động, tâm linh... của người Tây Nguyên. Chính vì vậy, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của cồng chiêng Tây Nguyên, đồng thời luôn giữ được mạch nguồn, không bị đứt đoạn là một điều cần thực hiện một cách bền bỉ và khoa học. 

Ý thức được điều ấy, trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn từ hồi tháng 4 vừa qua, Bộ VHTT&DL đã có nhiều gợi ý. Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, các địa phương có di sản Cồng chiêng cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Trước mắt, các Sở VHTT&DL các tỉnh có di sản này cần khẩn trương kiện toàn bộ máy quản lý di sản trong đó có di sản văn hóa phi vật thể (như Phòng Di sản văn hóa hoặc Phòng Nghiệp vụ văn hóa) - là đơn vị có trách nhiệm tham mưu giúp lãnh đạo Sở thực hiện quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các Sở tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách nghiệp vụ dành cho việc bảo tồn di sản Cồng chiêng Tây Nguyên, hàng năm tổ chức liên hoan cồng chiêng. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo mở chuyên mục dạy cồng chiêng trên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh.

Ngoài ra, cũng cần phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT của tỉnh để biên tập giáo trình giảng dạy trong các trường phổ thông cho phù hợp với địa phương. Thành lập 1 CLB di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên với nhiệm kỳ 3 năm, kể từ năm 2015, nhiệm kỳ đầu tiên sẽ do Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đăk Lăk làm chủ nhiệm. 

Một vấn đề khác không kém quan trọng đó là các nghệ nhân cồng chiêng - những người thổi hồn cho tiếng Cồng, tiếng Chiêng vang xa. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên lưu ý, cần có chính sách quản lý và đãi ngộ phù hợp với đội ngũ nghệ nhân. Cụ thể, bảo tồn thông qua đào tạo ở các trường phổ thông trường chuyên nghiệp theo hướng bảo tồn tích cực, làm hồi sinh sức sống của di sản cồng chiêng; có chế độ đào tạo cử tuyển. Bảo tồn tại cộng đồng nhằm trả lại không gian và môi trường diễn xướng vốn có của di sản.
Được biết, hiện nay, Bộ VHTT&DL cũng đã giao Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk tham mưu cho UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên xin chủ trương và triển khai xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020, báo cáo lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo thống kê, đến nay, ngành VHTT&DL Kon Tum đã phục dựng được 22 nghi lễ - lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số như: Lễ hội mừng lúa mới; Lễ hội ăn trâu; Lễ mừng nhà rông mới; Lễ bỏ mả; Lễ hội Cưới truyền thống của các dân tộc Ba Na, Xê Đăng, Brâu... 

Không để “chảy máu”

Trong những cuộc họp hay hội nghị về cồng chiêng Tây Nguyên, khi được hỏi, hầu hết lãnh đạo các Sở VHTT&DL Tây Nguyên đều chung suy nghĩ: Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ. Di sản cồng chiêng Tây Nguyên là vô cùng độc đáo, giá trị vì thế phải quyết tâm, bằng mọi giá không để di sản cồng chiêng mai một. 

Tuy vậy, theo ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VHTT&DL Gia Lai, trước đời sống xã hội phát triển như hiện nay, cần có những biện pháp ngăn chặn đừng để cồng chiêng bị “chảy máu”. Trong thực tế, có một gia đình do mắc bệnh hiểm nghèo, kinh tế khó khăn đã phải bán lại bộ chiêng quý cho thôn, bản làng, gia đình có ý thức là không bán cho tư nhân,  nhưng đáng tiếc bản làng lại không có tiền mua… Đây là một trong những trường hợp “chảy máu” cần được lãnh đạo tỉnh quan tâm xử lý kịp thời.

Một vấn đề nữa cũng đáng lưu tâm là sau gần 10 năm được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, đến nay vẫn chưa có trang web chung về cồng chiêng Tây Nguyên để quảng bá, giới thiệu, thậm chí kêu gọi cộng đồng chung tay phát huy di sản. Có như vậy, tiếng cồng chiêng Tây Nguyên mới tiếp tục vang xa...
  

 Bùi Vân Phương

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ