A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Qua miền lễ hội

15:10 | 24/01/2014

Trong một năm, huyện Cư M’gar có đến 5 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được tổ chức, vì thế nhiều người nói rằng vùng đất này là miền lễ hội của Dak Lak.

Và có trực tiếp tham gia những ngày hội ấy với các tộc người bản xứ, bạn mới cảm nhận sâu sắc được mối dây cộng cảm sâu đậm, bền chặt trong đời sống mỗi cộng đồng…

Cộng đồng và cộng cảm

Lễ hội mừng lúa mới của người Xê Đăng (buôn Kon Hring, xã Ea Đing, huyện Cư M’gar) vừa được tổ chức vào đầu năm 2014. Từ rất sớm, trên những ngả đường dẫn vào buôn Kon Hring được quét dọn sạch sẽ và phong quang. Giữa sân nhà văn hóa cộng đồng, cây nêu đã được dựng lên từ hôm trước, chung quanh là những liếp tre nứa kết nối lại để vừa làm bàn ăn, vừa cột rượu cần đã được bày biện sẵn. Trưởng buôn A Nít thông báo: Mười bốn giờ chiều mới bắt đầu khai hội và suốt đêm nay chắc cả làng đều thức.

Già làng A Manh thay mặt bà con  buôn Kon Hring khai hội.
Già làng A Manh thay mặt bà con buôn Kon Hring khai hội.

Trong khi chờ đợi thời khắc ấy mở ra, tôi tranh thủ ghé thăm vài người quen trong buôn để xem bà con chuẩn bị cho ngày hội thế nào. Già A Vít tất bật đón khách từ trên tỉnh và huyện về trong ngôi nhà sàn của mình. Bữa cơm trưa chỉ có canh cà đắng, đọt môn nấu với gạo và tất nhiên có vài ché rượu cần được ủ vài tháng trước đó, nhưng thật ấm cúng và thân mật. Già bảo: “Huyện cho 3 triệu đồng để chi phí cho ngày hội, còn lại là đóng góp của hơn 170 hộ trong buôn. Ngoài 28 ché rượu cần của 4 tổ liên gia góp vào thì gia đình nào có gì góp nấy. Người con gà, kẻ con cá, rau dưa, măng, nấm… và đặc biệt là cơm lam được làm từ những hạt gạo mới được đem đến đãi khách”. Anh A Wau cho biết thêm: Đó là “lệ” của làng mỗi khi lễ hội mở ra. Bên cạnh những sản vật tự tay mình làm được, một số thanh niên trai tráng trong buôn còn săn bắt chuột đồng và chuột rừng để góp vui với cộng đồng.

A Wau mời tôi về nhà để đãi thịt chuột. Những con chuột bằng nắm tay được nướng lên vàng ươm chấm với muối ớt là một trong những đặc sản mà người Sê đăng thường dùng đãi khách quý mỗi dịp hội hè. Ngôi nhà A Wau bé tý, chỉ đủ chỗ cho 7-8 người ngồi, nhưng cái bụng của anh thì rộng rãi lắm. Cả nhóm đi vào rừng Ea Súp 3 ngày mới bắt được hơn 40 con chuột, anh đem đến cho trưởng buôn A Nít 30 con để mời khách, còn lại đem ra mời tôi và những người bạn từ nơi khác đến. Sau vài lần vít cần thưởng thức vị thơm ngọt của rượu cần mùa lúa mới, mọi người đã cảm thấy ngất ngây. Tiếng chiêng lúc này đã bắt đầu rộn lên trước nhà A Wau, toàn những nghệ nhân trẻ cả và tôi hỏi ra mới biết anh là đội trưởng của đội chiêng trẻ này. Họ đến đây sớm hơn mọi người để tập dợt trước, chuẩn bị cho giờ khai hội.

Già làng A Vít giới thiệu văn hóa cồng chiêng Xê Đăng trong ngày hội.
Già làng A Vít giới thiệu văn hóa cồng chiêng Xê Đăng trong ngày hội.

Lễ hội mừng lúa mới của buôn Kon Hring thật sự bắt đầu khi bóng trưa đã xế. Trên những chiếc bàn “dã chiến” được kết lại bằng tre nứa, rượu cần đã đổ đầy nước và thức ăn mà mọi người mang tới đã bày ra. Cứ thế trong dập dìu chiêng trống, khách lẫn chủ cứ tự nhiên ăn uống và giao hòa thỏa thích. Amí Sơk trông như là người phụ trách “hậu cần” của ngày hội giục giã: Đừng sợ thiếu, rượu cần và cơm mới vẫn còn để vui thâu đêm, hết thì lại về nhà làm nữa rồi mang ra đãi khách. Khách đến tham gia lễ hội năm nay khá nhiều, cánh nhà báo, quan chức địa phương và cả quân nhân (là bộ đội quân y-Bộ chỉ huy Quân sự Dak Lak)- đơn vị kết nghĩa với buôn Kon Hring cũng về dự. Và quả thật cho đến tối hôm ấy, rượu không hề vơi và thức ăn vẫn đầy bàn. Nhiều người khen quả là nguồn lực của cả cộng đồng có khác, dồi dào và hình như không hề cạn.

Trong lễ hội, qua câu chuyện của bà con người Xê Đăng ở đây, tôi nhận ra đời sống của họ dù chưa khá giả lắm, nhưng không còn khó khăn như trước. Hơn 80 ha cà phê, gần 30 ha lúa và vài chục ha cao su liên kết cũng giúp hơn 170 hộ gia đình buôn Kon Hring cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, có một điều khiến ai cũng đều quan tâm: ấy là lực lượng lao động không có việc làm thường xuyên còn  nhiều, trong đó có các bạn thanh niên. Ngoài thời gian nương rẫy ra, họ chẳng có nghề gì làm thêm để góp phần nâng cao thu nhập. Anh A Thăk, tâm sự: "Đã nhiều lần nghĩ đến thành lập tổ hợp tác sản xuất, phân phối rượu cần, hay dệt thổ cẩm cũng như đồ mỹ nghệ để bán, nhưng nhìn đầu ra bấp bênh quá, đành thôi". Ước gì Nhà nước, mà trực tiếp là chính quyền địa phương tìm ra biện pháp giúp cho ý tưởng của bà con buôn Kon Hring trở thành sự thật, lúc ấy tin chắc cuộc sống sẽ khấm khá hơn nhiều…

Sao tiềm năng chưa được đánh thức?

Tôi đem những tâm sự trên trao đổi với chị H Bai Wô-Phó chủ tịch xã Ea Đing và bà Trần Thị Loan-Trưởng Ban dân vận huyện Cư M’gar cả hai người cho rằng phải tìm cách để đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi chính đáng này, nhưng cụ thể bằng cách gì thì chưa có câu trả lời!

Với buôn Kon Hring, tôi đã nhiều lần về đây cùng “ăn nằm”, chia sẻ với bà con, nên biết trong đời sống cộng đồng của dân tộc này còn chứa đựng nhiều thế mạnh tiềm tàng lắm. Ví như việc tổ chức Lễ hội mừng lúa mới hằng năm. Tôi tự hỏi: sao các cấp, ngành liên quan không hỗ trợ, giúp đỡ và tư vấn cho họ xây dựng một lễ hội có chiều sâu văn hóa và có “đẳng cấp” hơn để thu hút du khách tìm về buôn Kon Hring như một điểm đến thật sự. Cùng với đó là hoạt động diễn xướng cồng chiêng, biểu diễn nhạc cụ tre trúc, dệt thổ cẩm và múa hát dân gian của nhiều thế hệ nghệ nhân để phục vụ du khách thưởng thức nhằm kích cầu phát triển du lịch. Những sản phẩm văn hóa đặc sắc và độc đáo ấy, nếu được kết hợp thường xuyên, nhuần nhuyễn với hoạt động du lịch trong vùng sẽ là “chìa khóa” mở ra cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân; không những riêng buôn Kon Hring mà cả nhiều địa phương khác như: xã Ea Kuêh với Lễ hội cầu mưa, Ea Tul với Lễ hội cúng bến nước, Cư M’gar với Lễ hội Lùng Tùng của người Tày và Cư Dliê M’nông với Lễ hội cồng chiêng được tổ chức  vào nhiều thời điểm trong năm. Có thể nói, những vùng đất của lễ hội này nếu được tổ chức và khai thác có hiệu quả để gắn kết với du lịch văn hóa-sinh thái thì sẽ là thế mạnh giúp kinh tế - xã hội ở đây phát triển, dần thoát khỏi thế độc canh cây công nghiệp để tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ và du lịch cho địa phương.

Phương Đình


,

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ