A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những nghệ sĩ của đại ngàn

15:12 | 28/05/2024

Đắk Lắk - vùng đất đỏ bazan trù phú, vùng đất huyền thoại, vùng đất của những kho tàng sử thi vô giá - đã sản sinh ra những tấm gương hoạt động nghệ thuật không mệt mỏi,...

... cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên...

Kết tinh vẻ đẹp văn hóa Tây Nguyên

Nhiều nghệ sĩ đã có những đóng góp nổi bật cho văn hóa nghệ thuật của tỉnh và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT).

Có những nghệ sĩ sinh ra, lớn lên và được nuôi dưỡng bởi chính mảnh đất Tây Nguyên - Đắk Lắk, nhưng cũng có nghệ sĩ, chỉ khi đến Tây Nguyên, vẻ đẹp, mạch nguồn âm nhạc, văn hóa nơi đây đã quyến rũ nên ở lại và trở thành một trong những người con ưu tú của nơi này.

NSƯT Vũ Lân vốn được đào tạo chuyên ngành múa, biên đạo ở Hà Nội, nhưng khi vào Đắk Lắk, ông đã bị âm nhạc Tây Nguyên cuốn hút và khai mở những điều mới mẻ trong chính bản thân mình. Ông sáng tác nhiều ca khúc, viết hòa tấu, độc tấu nhạc; cải tiến, chế tác, chỉnh lý và hoàn thiện thành công hơn 20 nhạc cụ của các dân tộc Êđê, M’nông, Gia Jai, Xê đăng... Đặc biệt, ông còn phục hồi lại một số nhạc cụ đã bị mai một.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân cùng ca sĩ Y Vôl Ênuôl (bìa trái) giao lưu với khán giả tại chương trình

NSND Y San Aliô là một người con của buôn làng Tây Nguyên. Đam mê nghệ thuật, ông đến với nghiệp diễn viên múa từ rất sớm và đã giành được tấm Huy chương Vàng toàn quốc đầu tiên khi mới 17 tuổi. Trong hơn 40 năm lao động và cống hiến miệt mài cho nghệ thuật, ông đã mang về nhiều thành tích và sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên.

Cố NSND Y Moan Ênuôl, bằng cả tâm huyết và những khát khao cháy bỏng của mình, đã gửi gắm hình ảnh của đại ngàn Tây Nguyên vào trong từng lời ca, tiếng hát để giới thiệu đến bạn bè khắp nơi trên thế giới. Tiếp nối sự nghiệp của cha, hai người con trai của cố nghệ sĩ hiện cũng đang là những ca sĩ rất thành công với dòng nhạc Tây Nguyên.

Còn rất nhiều những nghệ sĩ khác nữa, dù là sáng tác hay biểu diễn đều đã dành hết tâm huyết, tình yêu và sự sáng tạo, tạo nên những tác phẩm hay, phản ánh sinh động thực tiễn đổi mới của đất nước, bản sắc văn hóa Tây Nguyên, nuôi dưỡng tâm hồn, hướng con người đến các giá trị tốt đẹp chân - thiện - mỹ.

Giữ cho mạch nguồn chảy mãi

Chương trình nghệ thuật “Những người con ưu tú của đại ngàn” chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk vừa qua là dịp tri ân các nghệ sĩ đã có đóng góp to lớn cho văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk, được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT là: Cố NSND Y Moan Ênuôl, NSND Y San Aliô, NSƯT Vũ Lân, NSƯT Quang Dũng, NSƯT Y Phôn Ksơr, NSƯT Y Joel Knul.

Nghệ sĩ Ưu tú Y Joel Knul thể hiện giọng hát cùng đồng nghiệp tại chương trình

Tại chương trình, khán giả đã được thưởng thức những tiết mục mang đậm dấu ấn của các nghệ sĩ được tôn vinh, như ca khúc “Lên cao nguyên đi anh”, thơ của tác giả Yên Ninh do NSƯT Quang Dũng phổ nhạc; Múa “Ding Tăk Tar” do NSND Y San Aliô biên đạo; ca khúc “Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời” do NSƯT Y Phôn Ksơr sáng tác, thể hiện qua giọng ca của NSƯT Y Joel Knul cùng đồng nghiệp…

Đặc biệt là ca sĩ Y Vôl Ênuôl, con trai cố NSND Y Moan Ênuôl đã gửi đến công chúng những ca khúc mà trước đây cha mình đã thể hiện rất thành công. Sự hạnh phúc, nỗi niềm nhớ nhung với cha được ca sĩ Y Vôl chuyển tải thành cảm xúc trong từng lời hát. Tình yêu dành cho âm nhạc, sự đam mê cháy bỏng khi đứng trên sân khấu của Y Vôl đã làm lay động trái tim của bao người.

Một điểm đặc biệt là 6 nghệ sĩ được tôn vinh trong chương trình đều từng công tác và có thời gian dài gắn bó với Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk. Chương trình nghệ thuật cũng do các thế hệ diễn viên của Đoàn được chính các nghệ sĩ góp phần đào tạo, bồi dưỡng biểu diễn. Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, dù đã nghỉ hưu nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn dành thời gian để đào tạo chuyên môn, truyền dạy nghệ thuật cho các thế hệ trẻ; luôn nhiệt thành cống hiến tình yêu nghệ thuật, kinh nghiệm của mình cho sự phát triển của Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk nói riêng và văn hóa, nghệ thuật Tây Nguyên nói chung.

Tại chương trình, bên cạnh gửi đến công chúng những tiết mục, những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, các nghệ sĩ còn gửi gắm tâm tư, tình cảm và nỗi niềm mong ước của mình đến với thế hệ trẻ.

Tiết mục múa “Ding Tăk Tar” do Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aliô biên đạo

NSƯT Vũ Lân xúc động chia sẻ: “Khi đến với Đắk Lắk tôi từ ngỡ ngàng đến trân quý vốn nghệ thuật dân gian của vùng đất này. Tôi được gặp nhiều nghệ nhân các dân tộc thiểu số, chính họ đã truyền dạy cho những kiến thức văn hóa dân gian các dân tộc. Tôi luôn ghi nhớ và tri ân đến các nghệ nhân. Đến nay, dù đã nghỉ hưu 20 năm nhưng tôi vẫn làm công việc mà các nghệ nhân đã truyền dạy cho tôi là truyền dạy cho các thế hệ trẻ, những người kế tục sự nghiệp văn hóa nghệ thuật trên vùng đất Tây Nguyên, làm cho vốn văn nghệ dân gian đó tỏa sáng và phát triển rực rỡ hơn nữa”.

NSƯT Y Phôn Ksơr chân tình gửi gắm đến thế hệ trẻ: “Nghệ thuật là tâm hồn, là cảm nhận, là sự đam mê; cho dù khó khăn đến mức độ nào, các con các cháu khi bước chân vào con đường nghệ thuật phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để thành công”. Còn NSƯT Y Joel Knul gửi lời biết ơn đến gia đình, người thân, bạn bè và lời cảm ơn chân thành đến khán giả vì đã luôn ủng hộ trong thời gian qua, đó sẽ là động lực để nghệ sĩ tiếp tục phấn đấu, cống hiến ở chặng đường sắp tới…

Mai Sao

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202405/nhung-nghe-si-cua-dai-ngan-2f415f9/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ