A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cây Kơ nia bên hồ Lắk

08:34 | 05/06/2024

Xe đến hồ Lắk bỗng xôn xao hẳn lên khi nghe chị Buôn Krông - người dẫn đoàn chúng tôi chợt nhìn qua cửa kính, thốt lên: “Cây Kơ nia đấy”.

Ngỡ tưởng chỉ là câu giới thiệu bình thường nhưng sự nổi tiếng của cây Kơ nia lại là điều khiến nhiều người tò mò.

Vẻ đẹp yên bình của hồ Lắk.

Chúng tôi thăm hồ Lắk vào một sáng tháng 5. Mùa này trời Tây Nguyên nắng lên cao, nền trời xanh ngắt, thỉnh thoảng có đám mây trắng bồng bềnh trôi chầm chậm. Đám mây in bóng xuống mặt hồ khiến ai cũng có cảm tưởng như nơi đây đất trời hòa làm một.

Lại nói về cây Kơ nia, khi nghe chị Buôn Krông nói vậy thì liên tục vang lên câu hỏi: “Đâu? Đâu?”.

Có lẽ vì đã quá quen thuộc nên chị Buôn Krông trả lời nhẹ nhàng: “Đấy những cây có thân thẳng dáng cao đó”. Thực tình lúc đó tôi có may mắn là được ngồi sát cửa kính bên phải xe nhưng cũng khó để nhận biết được cây nào là cây Kơ nia khi mà bên hồ Lắk có cơ man là những cây vừa cao vừa thân thẳng. Buồn nhất là những người ngồi hàng ghế bên trái xe, nhất là những người đang thiu thiu ngủ thì cứ xuýt xoa tiếc rẻ.

Chị Buôn Krông an ủi: “Chốc nữa khi lên thăm biệt thự Bảo Đại thì các anh chị sẽ không chỉ được ngắm cây Kơ nia mà còn được đứng tạo dáng để check-in nữa”.

Nói về sự nổi tiếng của cây Kơ nia thì không thể không nhắc tới nhà thơ Ngọc Anh, người đã phỏng dịch dân ca Hrê, bài thơ “Bóng cây Kơ nia” được viết trong những năm 1957 - 1958 in trong tập thơ “Tiếng hát miền Nam” (1959).

Bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến là hai ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Thanh Nam.

Nhưng ca khúc hay được hát là bài do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Ông còn sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên tạo nên một ca khúc sâu lắng, trữ tình lúc tha thiết nhớ nhung, lúc thôi thúc dồn dập, lúc vang vọng nhắn nhủ làm rung động biết bao người nghe. Phải nói rằng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã chắp cánh cho bài thơ trở thành ca khúc đi cùng năm tháng.

Tôi nhớ từ thời còn học cấp 2 tức là cách đây hơn nửa thế kỷ, chúng tôi đã được học bài thơ này. Sau này khi bài hát phổ biến chúng tôi được nghe nhiều hơn, nhất là được nghe ca sĩ Măng Thị Hội hát. Được biết ca sĩ Măng Thị Hội là người dân tộc Bana Chăm, chị có lần đã tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã được mẹ ru bằng những bài ca cách mạng cũng như được hòa mình trong những tiếng cồng chiêng dưới tán cây Kơ nia”.

Cây Kơ nia.

Năm 1973, Măng Thị Hội tốt nghiệp khoa Thanh nhạc, Trường Âm nhạc Việt Nam. Và bài hát “Bóng cây Kơ nia” là bài hát mà cô giáo Thúy Huyền (vợ NSND Trần Hiếu) chọn cho chị làm bài thi tốt nghiệp.

Ca khúc như được viết riêng cho Măng Thị Hội, giúp cô ca sĩ trẻ nhận được điểm cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp năm ấy. Măng Thị Hội nhớ lại một lần trường tổ chức đi biểu diễn ở Thái Nguyên: “Buổi tối hát ở sân vận động Thái Nguyên tôi thấy cả sân như vỡ ra bởi những tràng pháo tay của khán giả".

Năm 1974, Trưởng đoàn Ca múa nhân dân Tây Nguyên đến Trường Âm nhạc Việt Nam mời Măng Thị Hội về đoàn cộng tác. Đến năm 1978, ca sĩ Măng Thị Hội chuyển vào Nam và chính thức về giảng dạy tại khoa Thanh nhạc - Nhạc viện TPHCM.

Lúc biểu diễn trước công chúng, lúc dạy cho học trò, khi hát với bạn bè, ở đâu, khi nào chất giọng Soprano với âm vực rộng, trong sáng của Hội vẫn luôn cuốn hút lòng người. Và bài hát “Bóng cây Kơ nia” luôn song hành cùng chị.

Lời bài hát “Bóng cây Kơ nia” có những đoạn chân thật và rất Tây Nguyên như:

“Trời sáng em lên rẫy

Thấy bóng cây Kơ nia

Bóng ngả che ngực em

Về nhớ anh, không ngủ

Buổi chiều mẹ lên rẫy

Thấy bóng cây Kơ nia

Bóng tròn che lưng mẹ

Về nhớ anh mẹ khóc”.

Tôi hỏi Buôn Krông: “Cây Kơ nia là loại cây gì mà nghe lời ca tôi có cảm tưởng như đó là một loại cây rất quan trọng với đời sống tinh thần của người Tây Nguyên?”.

Chị Buôn Krông tranh thủ lúc cả xe đã hết xôn xao quay hẳn người xuống dưới cho biết: “Kơ nia là loài thực vật thân gỗ lớn, cao 15 - 30 m, đường kính 40 - 60 cm. Lá đơn hình trái xoan mọc chụm ở đầu cành.

Hoa màu trắng, có từ 4 - 5 cánh, mọc thành chùm ở kẽ lá, trổ vào thời gian từ tháng 5 đến tháng 6. Quả hình trái xoan dài 3 - 4 cm, có màu vàng nhạt khi chín và thường xuất hiện vào khoảng tháng 10 - 11. Hạt có chứa tinh dầu mùi thơm có thể dùng làm thực phẩm. Cây tập trung nhiều ở Tây Nguyên nhưng một số địa phương khác như Trung bộ, Nam bộ, ngoài đảo Phú Quốc và Côn Đảo cũng có cây Kơ nia”.

Thế là cả xe cũng bàn luận về chủ đề cây Kơ nia và ai cũng mong ngóng sớm tới được biệt thự Bảo Đại để mục sở thị loài cây này. Chị Buôn Krông cho biết thêm: “Tán cây thường có hình trứng, sậm rất đặc trưng xanh quanh năm và có sức sống mãnh liệt, chịu hạn tốt, rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ tỏa ngang nên ít bị đổ do mưa, bão”.

Tôi hỏi thêm: “Nghe nói quả của cây Kơ nia ăn được?”.

Chị Buôn Krông gật đầu nhưng giảng giải thêm: “Để ăn được người ta phải kê quả lên trên một tảng đá theo chiều mở của vỏ, đập nhẹ quả sẽ nứt làm đôi. Hạt Kơ nia chỉ cần ăn sống tức là ăn luôn chứ không cần qua chế biến, ăn thấy rất thơm và bùi không khác gì hạt điều đã qua chế biến”. Nghe giảng giải thế chẳng hiểu thế nào mà chợt như trong miệng tôi đang tận hưởng thứ hạt vừa thơm vừa bùi ấy.

Cuối cùng đến gần trưa thì chúng tôi mới tới biệt thự Bảo Đại sau khi dành gần trọn buổi sáng cho “hồ Lắk. Được biết hầu hết các các biệt thự Bảo Đại hoặc là nằm ở trung tâm du lịch hoặc khu đô thị, thì biệt thự này là duy nhất dược xây dựng bên hồ Lắk, một hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên.

Nơi đây xưa vốn hoang sơ, yên ả. Biệt thự Bảo Đại xây dựng năm 1951, nằm trên một ngọn đồi cao 422 m so với mực nước biển, cách trung tâm TP Buôn Mê Thuột hơn 40 km. Công trình tọa lạc trong khuôn viên nhiều cây xanh, có tầm nhìn bao quát khắp hồ Lắk. Nơi này hiện vẫn được những cánh rừng nguyên sinh bao bọc. Chính bởi thế nên ngoài những cây khác thì cây Kơ nia cũng vươn cao tỏa bóng.

Chị Buôn Krông dĩ nhiên là không quên dẫn chúng tôi đi tìm cây Kơ nia như đã hứa. Nhìn chung thì cây Kơ nia gần như mọc độc lập chứ không mọc kiểu quần tự.

Cây Kơ nia không “tỏ ý phân biệt” mà mọc cùng và sống chung với các loại cây khác. Tôi tự hỏi: “Phải chăng đặc tính này đã mang đến cho cây Kơ nia tính chan hòa, đồng điệu nên được người dân Tây Nguyên ca ngợi?”.

Chị Buôn Krông đứng ngay dưới gốc cây Kơ nia giảng giải: “Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Người Tây Nguyên coi chúng là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất nên rất ít khi họ đụng chạm đến cây Kơ nia.

Vì vậy trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây Kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát. Người ở nơi khác đến Tây Nguyên làm ăn sinh sống khi làm rẫy cũng chừa lại cây Kơ nia làm bóng mát”. Nói rồi chị Buôn Krông mỉm cười: “Không phải vì lý do tâm linh mà vì gỗ cây này quá cứng nên rất phí công đốn hạ nó”.

Riêng tôi thì tôi lại có suy nghĩ: “Đó là vì bài hát “Bóng cây Kơ nia” đã đi vào tiềm thức cũng như tâm thức của mọi người nên có lẽ việc đốn hạ cây Kơ nia gần như đã được “kiêng cữ”, được người dân chung tay bảo vệ, chăm sóc. Cũng vì sự nổi tiếng mà du khách khi đến với các tỉnh Tây Nguyên thường kiếm tìm, xem thử tận mắt cây Kơ nia.

NGUYỄN TRỌNG VĂN

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/cay-ko-nia-ben-ho-lak-10282581.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ