A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Niềm vui ngày trở về

14:01 | 25/09/2015

“Đêm cuối cùng ở trong trại giam, niềm mong đợi đoàn tụ với gia đình cùng những kế hoạch xây dựng cuộc sống mới sau khi hoàn lương...

khiến chúng tôi cứ trằn trọc không ngủ được…”- đó là tâm sự của hầu hết các phạm nhân được ân xá trong dịp Quốc khánh 2-9 vừa qua tại Trại giam Đắk Tân.

Niềm vui trong ngày đặc xá

Sáng 31-8, không khí sinh hoạt tại Trại giam Đắk Tân (Bộ Công an), đóng trên địa bàn xã Ea Pil, huyện M’Đrắk thật đặc biệt. Ngay từ sáng sớm, ở phía cổng trại đã có rất nhiều người thân của các phạm nhân được đặc xá đến chờ đón. Họ cùng nhau chuyện trò vui vẻ. Trên khuôn mặt ai cũng rạng rỡ niềm vui khi chỉ ít phút nữa thôi là sẽ đón người thân trở về sau nhiều năm xa cách. Bên trong khu vực trại giam, niềm hân hoan hiện rõ trên gương mặt những phạm nhân được đặc xá trong dịp này. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm và ngập tràn hy vọng khi Đại tá Lương Xuân Ngợi, Giám thị Trại giam Đắk Tân công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho 255 phạm nhân. Những phạm nhân được cầm trên tay “Giấy chứng nhận đặc xá” vỡ òa niềm vui...

Đại tá Lương Xuân Ngợi, Giám thị Trại giam Đắk Tân  động viên phạm nhân được đặc xá.

 Đại tá Lương Xuân Ngợi, Giám thị Trại giam Đắk Tân động viên phạm nhân được đặc xá.

Trong cảm giác đặc biệt của ngày trở về, anh Nguyễn Văn Tướng (49 tuổi, trú thôn 2, xã Cư Knia, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) không giấu được niềm vui sướng. Trong một lần làm ăn với đối tác, anh đã vô tình tiếp tay cho những kẻ lừa đảo và dính vào vòng lao lý với mức án hơn 7 năm tù. Tâm sự với chúng tôi, anh Tướng xúc động: “Quá trình học tập cải tạo ở đây chúng tôi luôn biết ơn Ban giám thị, các cán bộ của trại đã mở rộng tấm lòng bao dung nhân ái, giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân chúng tôi có cơ hội phấn đấu rèn luyện, từng bước gột rửa lỗi lầm mà mình đã gây ra. Từ hôm nay, tôi sẽ sống và làm việc theo pháp luật Nhà nước, tu dưỡng rèn luyện để giữ gìn bản thân mình không tái phạm tội, làm ăn lương thiện sớm ổn định cuộc sống”.

Trong niềm vui đoàn tụ, nhiều phạm nhân vẫn không thể quên được tội lỗi mình đã gây ra, mà cái giá phải trả không chỉ là tù tội mà còn là sự chia ly, tan vỡ.  Phạm nhân Phạm Văn Tuyên (51 tuổi, trú xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những trường hợp như thế. Đang có một gia đình yên ấm, cuộc sống ổn định, trong một lần nhậu nhẹt say sưa với người bạn, do nảy sinh mâu thuẫn, Tuyên đã chém chết bạn nhậu và chịu mức án 18 năm tù giam. Thi hành án tại Trại giam Đắk Tân, Tuyên luôn day dứt và ân hận bởi tội lỗi mà mình đã gây ra. Được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các cán bộ quản giáo trại giam, Tuyên quyết tâm phấn đấu cải tạo thật tốt. Nâng niu tờ giấy chứng nhận đặc xá trên tay, anh tâm sự: “Tôi đã chấp hành án được 11 năm. Nhờ sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước nên hôm nay tôi có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình. 11 năm trong trại giam là khoảng thời gian rất dài, giúp tôi có cơ hội nhìn lại lỗi lầm trong một phút bốc đồng của bản thân. Từ ngày tôi vào tù, vợ tôi đã bỏ đi nơi khác sinh sống, không rõ tung tích. Hai đứa con ngày nào còn nhỏ dại nay đã khôn lớn. Đứa con gái đã có tổ ấm riêng và lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, còn con trai cũng đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Mỗi lần đi thăm tôi nó cứ nhắc mãi “bố cố gắng cải tạo tốt, ra tù sớm còn tổ chức đám cưới cho con, con chờ bố về mới cưới vợ”…

Rộng mở cánh cửa hoàn lương

Trại giam Đắk Tân hiện đang quản lý hơn 2.000 phạm nhân với đủ các tội danh như: giết người, hiếp dâm, cướp tài sản, tham ô… Do vậy, để làm tốt công tác lựa chọn đối tượng đề nghị đặc xá lần này, Trại giam Đắk Tân đã phải huy động hơn 200 cán bộ chiến sĩ tham gia các hoạt động liên quan. Quá trình bình xét được tổ chức công khai, minh bạch nên tất cả các phạm nhân, gồm những người được đề nghị đặc xá và những người chưa được đặc xá, đều rất hài lòng với cách làm của Ban giám thị.

Cán bộ Trại giam Đắk Tân làm thủ tục ra trại  cho các phạm nhân được đặc xá.

 Cán bộ Trại giam Đắk Tân làm thủ tục ra trại cho các phạm nhân được đặc xá.

Sau khi được tổ thẩm định xem xét, đơn vị cũng đã thành lập tổ giáo viên để mở lớp học tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời phối hợp với Hội Luật gia tỉnh, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, các Trung tâm dạy nghề và một số phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh đến đơn vị để giáo dục, tư vấn việc làm, cấp chứng minh nhân dân cho các phạm nhân được đặc xá.

Để ngày trở về họ không bơ vơ, lạc lõng, đơn vị đã phối hợp với các bộ phận như quản giáo, tài vụ hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe, tiền tái hòa nhập cộng đồng, mua quần áo mới cấp cho phạm nhân không có thân nhân đến đón. Ngoài ra, Trại giam cũng đã tổ chức thuê xe ô tô để chở số người không có thân nhân đón đến các bến xe để họ có thể sớm đoàn tụ với gia đình, người thân, trở về con đường hoàn lương sau bao ngày tháng cải tạo tốt” – Đại tá Lương Xuân Ngợi chia sẻ.

Hồng Chuyên

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ