A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Chuyện bi hài của những gia đình đẻ nhiều

14:04 | 26/09/2015

Đói nghèo, không có điều kiện chăm sóc con cái là tình cảnh thường thấy ở nhiều gia đình đông con tại các buôn làng vùng sâu vùng xa.

Quan niệm lạc hậu, nhận thức chưa đầy đủ về dân số - kế hoạch hóa gia đình khiến họ cứ mãi trong vòng luẩn quẩn đông con – đói nghèo...

Vòng quay đói nghèo

Ngôi nhà rộng chưa đầy 20 m2  ở buôn H’Mông, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) được ghép bởi những tấm ván cong queo là nơi ở của 6 người trong gia đình anh Dương Văn Lùng (SN 1976) và chị Hoàng Thị Nhâm (SN 1984). Chị Nhâm xách hơn 2 kg cá trên tay với vẻ mặt vui mừng, khoe: “Cá vừa mới bắt được ở suối, tí nữa sẽ đem ra chợ Ea Kiết luôn, bằng này đổi được 6-7 kg gạo để cả nhà ăn được vài ngày. Hôm nay như vậy là may mắn, có hôm chỉ được vài con”. Chị vừa đổ cá ra chậu, 4 đứa con quần áo lấm lem bụi đất ngồi vây quanh dán mắt vào chậu cá. Cô con gái thứ 3 là Dương Thị Thủy (SN 2008) và bé út chưa đầy 4 tuổi chạy vào nhà bốc một nắm cơm ra ngồi cạnh mẹ ăn ngấu nghiến.

Bốn đứa con anh Dương Văn Lùng, buôn H'Mông, xã Ea Kiết (huyện Cư M'gar).

Bốn đứa con anh Dương Văn Lùng, buôn H'Mông, xã Ea

Cách đó không xa là một ngôi nhà xiêu vẹo phải lấy cây chống chằng chịt. Chị Mã Thị Si mới 23 tuổi nhưng đã có đến 5 mặt con, kể: “Sáng nào tôi cũng nấu một nồi cơm mang theo đi rẫy, phần còn lại để lũ trẻ ở nhà đói lúc nào thì ăn. Vợ chồng tôi làm rẫy tận bìa rừng, ngày nào cũng tối mịt mới về nhà.  Mấy đứa con ở nhà hầu như chẳng đứa nào mặc quần áo”. Trong ngôi nhà trống hoác từng đợt gió lùa vào qua các kẽ hở, ai cũng chạnh lòng khi chứng kiến cảnh đứa con thứ 3 của chị Si cầm bát cơm với một ít muối trắng thêm một ly nước lạnh  đổ vào làm canh ngồi xúc ăn ngon lành.

Ông Hoàng Chứ Páo, trưởng buôn H’Mông cho biết: “Buôn có 104 hộ thì có tới 46 hộ thuộc diện hộ nghèo, đất sản xuất ít. Nhà nào cũng sinh từ 4-6, thậm chí 8 đứa con nên rất nghèo, nhiều hộ phải độn khoai, độn bắp nhưng vẫn thiếu đói. Con cái nhiều đứa không được đi học. Số gia đình sinh 2-3 con trong buôn chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Những chuyện cười ra... nước mắt

Mặc dù sống trong nghèo đói song nhiều gia đình còn quan niệm rất lạc hậu, cổ hủ như “trời sinh voi, sinh cỏ” hoặc phải có con trai/con gái để nối dõi, đẻ nhiều để có người lao động. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân gặp rất nhiều khó khăn dù các cán bộ, cộng tác viên dân số chịu khó “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, kiên trì đến gặp đối tượng nhiều lần để thuyết phục mà vẫn… chịu thua. Không ít người còn gặp những tình huống… cười ra nước mắt.

Bà H’Lê Niê, Trưởng Phòng Dân số - KHHGĐ của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh kể chuyện tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình: “Nhiều cán bộ dân số gặp những tình huống dở khóc dở cười. Như chị Thanh, một cán bộ dân số giờ đã về hưu từng nổi tiếng với câu chuyện… làm chết 2 con chim. Chuyện là, lần đó chị Thanh vào tuyên truyền hướng dẫn bà con ở huyện Ea Kar biện pháp tránh thai an toàn bằng cách sử dụng bao cao su. Mấy tuần sau chị trở lại, gia đình anh nọ trách móc: “Nhà tôi có 2 con chim bắt được trong rừng về nuôi được hơn tháng. Sau khi làm theo hướng dẫn của cán bộ, vợ chồng tôi đeo bao cao su vào cho nó, không ngờ nó lại chết, giờ bắt đền mỗi con 50 nghìn đồng và buộc phải nuôi 1 đứa con cho vợ chồng tôi”. Hay, nghe chuyện nhà chị Sùng Thị Pha, thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp), ai cũng cười ra nước mắt. Chị Pha cười bẽn lẽn kể: “Vì không biết chữ, thấy mọi người xung quanh ai cũng sinh nhiều nên nhà tôi cũng đẻ, cuộc sống khổ rồi lại càng khó khăn hơn. Có lần cán bộ ở huyện vào hướng dẫn bà con cách kế hoạch hóa gia đình, cán bộ đưa một tấm hình to có nhiều trẻ con và 2 người lớn quần áo rách rưới, sau đó cho xem tấm có 2 đứa trẻ, 2 vợ chồng ăn mặc đẹp, rồi phát cho mỗi hộ 10 cái bao cao su để tránh thai. Cán bộ giơ 1 ngón tay lên sau đó xỏ cái bao vào. Đi làm, chồng tôi cứ đeo cái bao đó vào tay nhưng mà trơn quá, lại vướng không cuốc đất, vác phân được đành cởi ra. Rồi 2 đứa con của tôi lại ra đời. Giờ thì tôi đã biết không phải đeo vào tay”. Không ít gia đình thấy cán bộ dân số đến là đuổi như đuổi… tà. Như chị H’Hoa Ađrơng (huyện Ea Súp) cứ thấy cán bộ dân số đến nhà là tỏ vẻ khó chịu: “Các anh chị đến khuyên bảo không được đẻ nữa à? Tôi không dừng đâu, như thế là bắt ép. Gia đình tôi có 6 đứa con ngay từ nhỏ chúng đã tự đi theo làm nương rẫy, chúng nó đã tự nuôi nó được rồi chứ bố mẹ có phải nuôi đâu, nhà đông con thì làm được nhiều”.

Bác sĩ H’Lê Niê cho biết: “Tỷ lệ sinh con thứ 3 của tỉnh hiện nay có giảm nhưng không đáng kể (năm 2009, toàn tỉnh có tỷ lệ sinh từ con thứ 3 trở lên là 25 %, hiện nay đã giảm xuống còn 15 %). Ở những vùng sâu vùng sâu vùng xa, tỷ lệ sinh từ con thứ 3 trở lên chiếm trên 70%. Cán bộ, cộng tác viên dân số chủ yếu vẫn tuyên truyền nâng cao nhận thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình, vận động bà con sử dụng các biện pháp tránh thai bằng truyền thông trực tiếp song gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vùng chủ yếu là dân di cư tự do từ ngoài Bắc vào nên bất đồng ngôn ngữ, đường đi lại rất khó khăn mà đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số ít, hay biến động. Tìm được cộng tác viên dân số ở địa bàn cũng là một điều khó”.

                                        Trung Hải – Nguyễn Thảo

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ