A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Cách trung tâm huyện 4 km vẫn thiếu điện

14:00 | 02/10/2015

Xã Cư Huê cách trung tâm huyện Ea Kar chừng 4 km, gồm có 18 thôn, buôn; trong đó, tỷ lệ người dân được sử dụng điện đạt 95%. Hệ thống lưới điện trên địa bàn do 2 đơn vị quản lý, ...

... vận hành là HTX điện nước Ea Kar (11 thôn, buôn) và Điện lực Ea Kar (7 thôn, buôn).

Theo đánh giá của địa phương, đường điện do Điện lực Ea Kar quản lý có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn, trong khi lưới điện của Hợp tác xã do đầu tư đã nhiều năm nên xuống cấp, mất an toàn và tỷ lệ thất thoát điện năng cao. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 3 khu vực người dân phải tự kéo điện và phải dùng đồng hồ tổng nên tiền điện phải trả lớn hơn so với số lượng dùng thực tế gồm thôn Cư Nghĩa, Tứ Xuân và Ea Kung, trong đó, riêng thôn Ea Kung cách trung tâm xã 7 km vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Cụ thể, thôn Cư Nghĩa có 159 hộ dân, tất cả các cụm dân cư đã có điện, nhưng đường điện người dân tự kéo từ đường trục chính về khu dân cư vừa yếu lại hay xảy ra sự cố do đường dây đi qua vườn rẫy, dây, cột không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Ông Phạm Lại, Trưởng thôn Cư Nghĩa cho biết, thôn có diện tích đất trồng tiêu lớn, nhu cầu sử dụng điện để tưới cây nhiều, nhưng vào mùa khô, điện rất yếu, không đáp ứng đủ nhu cầu, bà con phải chờ đến đêm khuya hoặc gần sáng mới tưới nhưng cũng chỉ được một lúc. Trong khi đó, thôn Tứ Xuân có 140 hộ, hiện 100% hộ dân đã có điện, tuy nhiên, ngoài đường điện dài 1 km chạy dọc đường chính của thôn có chất lượng tốt thì 2 tổ dân cư với hơn 60 hộ phải tự kéo điện về dùng, trong đó, nơi xa nhất cách đường dây chính hơn 1 km. Tổ của anh Bùi Văn Tân có 42 hộ phải đầu tư 2 triệu đồng/hộ mua dây, cột điện để kéo điện từ năm 2000 (thời điểm đó mới có 20 hộ). Tuy nhiên, lâu nay điện vẫn chập chờn, lúc yếu lúc mạnh, hao phí điện trên đường dây lớn nên người dân phải trả tiền điện cao hơn 35-40% so với số lượng dùng thực tế, tương đương với giá điện 2.500 đồng kWh.

Ông Phạm Huy Nhường, Chủ tịch UBND xã Cư Huê cho biết, đến thời điểm này, địa phương chưa đạt tiêu chí điện trong chương trình nông thôn mới, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị Nhà nước đầu tư xây dựng lưới điện bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, trong đó ưu tiên đầu tư cho thôn Ea Kung nhưng hiện vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, ông Trần Văn Công, Giám đốc HTX điện nước Ea Kar thừa nhận, lưới điện do HTX quản lý hiện đã quá tải, đường dây hạ áp 0,4 kV xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Năm 2012, đơn vị cũng đã tiến hành cải tạo, thay thế đường dây tại các xã nhưng chỉ được triển khai đối với một số đường trục chính, do thiếu kinh phí nên việc đầu tư kéo điện đến tận các khu dân cư rất khó thực hiện. Từ năm 2016, Hợp tác xã sẽ xem xét cùng người dân đầu tư cải tạo theo hình thức huy động vốn 50-50. Tuy nhiên, người dùng điện lại cho rằng, với những hộ điều kiện khó khăn thì không có khả năng thực hiện theo giải pháp này.

Trên thực tế, mặc dù cách trung tâm huyện không xa, nhưng do đã có điện, nên một số khu vực trên địa bàn xã Cư Huê không thuộc danh mục đầu tư của các dự án điện do Nhà nước và ngành điện đầu tư (trừ thôn Ea Kung). Bởi vậy, thiết nghĩ trong bối cảnh không có kinh phí đầu tư, Hợp tác xã nên bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn về cho ngành điện để được đầu tư nâng cấp, cải tạo bảo đảm chất lượng, an toàn nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng điện sản xuất, sinh hoạt của người dân. Có như vậy, người dân ở đây mới không bị thiệt thòi do sử dụng điện qua trung gian và chịu phần hao tổn điện năng trên đường dây.

Minh Thông

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ