A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cảnh báo tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (KỳII)

15:08 | 09/12/2015

Kỳ II: Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước

Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ có nguy cơ gây  tác hại với người trực tiếp sử dụng sản phẩm mà còn với cả cộng đồng. Nhằm giảm thiểu tình trạng này cũng như những hệ lụy của nó, cần quyết liệt triển khai những giải pháp tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Tăng cường kiểm tra

Thuốc BVTV là tên gọi chung để chỉ các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp nhằm diệt sâu, bệnh, cỏ dại, các loại côn trùng gây hại để bảo vệ cây trồng, các kho lương thực hàng hóa… Việc sử dụng chúng đã trở thành một trong những phương tiện hữu hiệu nhất trong công tác phòng trừ dịch hại và bảo quản nông sản, đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, việc sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV ngày càng phát triển. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 600 cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV với đủ chủng loại, mẫu mã, phân bổ rộng khắp từ khu vực trung tâm đến tận các thôn buôn. Theo quy định thì kinh doanh mặt hàng thuốc BVTV phải đáp ứng nhiều điều kiện nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn, nhưng thực tế thì nhiều cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện này. 

Mô hình thu gom chai, lọ thuốc BVTV ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar.

Thời gian qua, Chi cục BVTV tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định quản lý và quy trình sử dụng thuốc BVTV nhằm kịp thời  phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm, tuy nhiên việc vi phạm vẫn xảy ra khá nhiều. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2015, qua kiểm tra đơn vị đã phát hiện 44 cửa hàng, đại lý thuốc BVTV vi phạm. Trong đó, hành vi vi phạm chủ yếu là: kho chứa, quầy bán hàng không đảm bảo; buôn bán thuốc BVTV không có giấy chứng nhận; buôn bán thuốc hết hạn sử dụng; để thuốc BVTV chung với lương thực, thực phẩm; thuốc có nhãn mác không phù hợp; nhân viên trực tiếp bán hàng không có trình độ chuyên môn… Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 42 trường hợp với tổng số tiền trên 145 triệu đồng. Ngoài ra, Chi cục đã kiểm tra quy trình sử dụng thuốc BVTV đối với 30 hộ nông dân, phát hiện 5 hộ vi phạm về sử dụng thuốc không có tên trong danh mục được sử dụng trên cây rau. “Việc lạm dụng thuốc BVTV không những ô nhiễm môi trường mà còn làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất an toàn thực phẩm, giảm hiệu quả và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Biết vậy, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm bởi mức xử phạt các cửa hàng, đại lý kinh doanh vi phạm quá ít nên chưa đủ sức răn đe; các hộ trồng trọt, sản xuất thì vì lợi ích trước mắt mà bất chấp quy định an toàn, trong khi đó cơ quan chức năng lại không thể thường xuyên kiểm tra do hạn chế về nguồn nhân lực. Do vậy, để kiểm soát cũng như giảm thiểu tình trạng này chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng cách để bảo vệ bản thân và cộng đồng” - ông Lê Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết.

Đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng thuốc “4 đúng”

Trong khi nhận thức, hiểu biết của người sử dụng còn hạn chế thì thuốc BVTV lại được buôn bán rộng rãi, nông dân chủ yếu dựa vào tư vấn của người bán nên không lường hết  sự độc hại của những loại thuốc thường xuyên phun cho cây trồng, nhất là các loại rau. Đã vậy, nhiều nông dân vẫn còn khá chủ quan, tuỳ tiện trong sử dụng thuốc vào sản xuất và thao tác kỹ thuật; thiếu ý thức cộng đồng, trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân và xã hội, hầu như không ai áp dụng nguyên tắc sử dụng thuốc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng lúc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng cách).

Từ thực tế cho thấy, bên cạnh việc kiểm tra chặt chẽ khâu sản xuất, kinh doanh thì việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng phải được đặc biệt chú trọng. Hằng năm Chi cục BVTV tỉnh tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho những hộ kinh doanh thuốc BVTV và các hộ nông dân nhằm nhắc nhở việc tuân thủ quy định, cảnh báo mức độ nguy hiểm của các loại thuốc BVTV khi sử dụng trong sản xuất; khuyến khích nông dân sử dụng các loại thuốc, phân bón sinh học; triển khai các mô hình trình diễn sản xuất bền vững; chuyển giao ứng dụng quy trình sản xuất an toàn…

Nhằm hạn chế những nguy hiểm khôn lường từ việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, tùy tiện, hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện dịch vụ phun thuốc BVTV, nhưng mới ở quy mô hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ nên người phun thuốc thuê cũng chưa trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Chính vì thế, theo ông Thành, cần khuyến khích, tạo điều kiện để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia thành lập tổ dịch vụ phun thuốc BVTV với trang thiết bị phù hợp để kịp thời phát hiện dịch hại, phun thuốc đúng bệnh và đúng nguyên tắc. Bên cạnh đó, trước nhu cầu sử dụng thuốc BVTV ngày càng tăng, chai lọ, bao bì vứt bừa bãi ngày càng nhiều khiến việc tập trung xử lý rác thải độc hại từ thuốc BVTV trở thành vấn đề cấp thiết, một số địa phương triển khai thực hiện mô hình bể thu gom chai lọ thuốc BVTV qua sử dụng nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cán bộ Chi cục BVTV tỉnh, việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng đòi hỏi phải làm tốt tất cả các công đoạn từ thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý nếu không sẽ càng nguy hại, đặc biệt là ở các điểm lưu chứa.

Có thể thấy, nếu triển khai đồng bộ các giải pháp trên, áp dụng tốt nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV, phối hợp với các biện pháp phòng trừ khác sẽ là một “vũ khí” lợi hại không thể thiếu trong một nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, đem lại lợi ích cho nông dân cũng như cả cộng đồng.

Theo Thông tư số 03/2015/TT-BNNPTNT ngày 29-1-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay có 1771 hoạt chất được phép sử dụng trong danh mục thuốc BVTV ở Việt Nam; 29 hoạt chất cấm sử dụng gồm: 21 hoạt chất thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản, 6 hoạt chất thuốc trừ bệnh, 1 hoạt chất thuốc trừ chuột và 1 hoạt chất thuốc trừ cỏ.

Thúy Hồng

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ