A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhiều khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS

07:57 | 10/12/2015

Những năm qua, mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, song tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi,...

... cộng với số người nhiễm mới không ngừng tăng lên hằng năm khiến cho công tác này đã và đang gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến tháng 11-2015, Đắk Lắk có 2.096 người nhiễm HIV, trong đó có 915 trường hợp đã chuyển sang AIDS, 417 trường hợp tử vong do AIDS. Số người nhiễm HIV được ghi nhận tại tất cả 15/15 huyện, thị xã, thành phố và 162/184 xã, phường, thị trấn với số ca nhiễm mới được phát hiện mỗi năm trên 100 trường hợp.  Trong khi số người nhiễm mới HIV vẫn tăng lên qua từng năm, thì công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ở nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu vùng xa còn diễn ra khá nặng nề khiến họ khó tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các nguồn viện trợ từ nước ngoài cho phòng chống HIV/AIDS (80% kinh phí cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta là từ nguồn viện trợ nước ngoài) đang dần kết thúc, các dự án trong nước thì bị cắt giảm chi phí cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động này, nhất là việc điều trị ARV cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Bắt đầu từ năm 2016 các dự án đều kết thúc và kinh phí của Trung ương không hỗ trợ, bắt buộc địa phương phải đảm bảo nguồn tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, đến thời điểm này Đề án bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng chống HIV AIDS giai đoạn 2015-2020 của tỉnh Đắk Lắk mới dừng ở UBND tỉnh phê duyệt, chưa thông qua HĐND tỉnh”.

Tư vấn chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

Khó khăn là vậy, nhưng đội ngũ những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh vẫn đang nỗ lực để thực hiện được các mục tiêu đề ra. Trước mắt là thực hiện có hiệu quả Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS với khẩu hiệu “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam” (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người nhiễm HIV sẽ được điều trị ARV liên tục và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định). Bác sĩ Phượng cho biết thêm: để đạt được mục tiêu 90-90-90 này, chúng tôi sẽ phải bám sát tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch phù hợp. Đồng thời có lộ trình xây dựng mạng lưới tư vấn xét nghiệm tự nguyện, điều trị ARV, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con bao phủ ở tuyến huyện. Ngoài ra sẽ mở rộng diện bao phủ điều trị bằng Methadone đối với những huyện có số người sử dụng ma túy cao. Song song với đó phải đẩy mạnh công tác truyền thông để giảm các hành vi nguy cơ và giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng. 

Có thể thấy, đã có một thời nhắc đến HIV/AIDS người ta nghĩ ngay đến cụm từ “căn bệnh thế kỷ”, rồi những hình ảnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của căn bệnh này khiến nhiều người sợ hãi và sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh cũng vì thế mà không giảm. Chính vì vậy, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức, có một chiến lược tuyên truyền phù hợp và đặc biệt là cần có sự đầu tư thỏa đáng để công tác phòng - chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.

Kim Oanh

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ