Sau khi cưới nhau, năm 2008, vợ chồng anh Vũ Văn Quyết ở thôn Ninh Thanh 1 (xã Ea Kmút) ra ở riêng, tài sản duy nhất là 1 sào đất được bố mẹ chia cho. Không có nghề nghiệp, vốn liếng, 2 vợ chồng phải đi làm thuê, trồng rau xanh, nuôi gà kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Năm 2010 và 2011, gia đình anh được vay 20 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo đầu tư chăn nuôi 4 heo nái, số heo giống đẻ ra đều để lại nuôi nhằm phát triển đàn. Anh Quyết vui mừng: “Cũng nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi hộ nghèo mà vợ chồng tôi có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, xây dựng được nhà ở khang trang, không còn lo cảnh dột nát như trước”.
Chồng mất sớm, hơn 20 năm nay, bà Phạm Thị Phận (chị dâu của liệt sỹ Đặng Văn Lợi) một mình gồng gánh nuôi các con, đến khi già yếu thì sống chung với gia đình con trai út ở thôn 6B, xã Ea Pal. Gia cảnh của con cũng khó khăn, hai vợ chồng không có việc làm ổn định, 3 sào cà phê năm được, năm mất nên phải tranh thủ làm thuê để nuôi mẹ già và lo cho 2 con ăn học, không có điều kiện sửa chữa lại căn nhà gỗ xập xệ. Năm 2014, gia đình bà được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện, đóng góp thêm 10 triệu đồng xây dựng căn nhà tình nghĩa rộng 50 m2, có nơi ở ổn định, khang trang.
Cán bộ LĐTBXH huyện Ea Kar và xã Ea Kmút thăm hỏi vợ chồng bà Nguyễn Thị Sửu.
Để chăm lo, nâng cao đời sống người dân, những năm qua, huyện Ea Kar đã nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội và huy động thêm các nguồn lực trợ giúp hộ nghèo, gia đình chính sách vươn lên ổn định cuộc sống. Kể từ khi thành lập huyện (năm 1986) đến nay, toàn huyện đã giới thiệu, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho gần 30.000 người; giải quyết chế độ hưởng trợ cấp 1 lần cho trên 6.000 đối tượng chính sách có công với tổng số tiền hơn 17,5 tỷ đồng, chi trả trợ cấp 1 lần cho 1.225 người. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, huyện đã vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 10,2 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho 550 hộ và hỗ trợ phát triển sản xuất, khó khăn đột xuất cho 1.200 lượt người có công với cách mạng. Để giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên, từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn vận động và nhân dân đóng góp, huyện đã hỗ trợ xây dựng hơn 3.300 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167, 67; cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số…, hỗ trợ sản xuất cho trên 25.000 lượt hộ; tín chấp cho hộ nghèo vay vốn với số tiền hơn 278 tỷ đồng. Nhờ vậy, các hộ nghèo đã có vốn mở rộng sản xuất, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Hộ nghèo còn được chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện địa phương, trợ giúp pháp lý… Cùng chung tay, chia sẻ khó khăn với người nghèo còn có sự vào cuộc của Mặt trận tổ quốc và các hội, đoàn thể địa phương bằng những chương trình, hoạt động thiết thực như xây dựng tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, hũ gạo tình thương, giúp nhau vốn, ngày công, cây, con giống, tổ chức thăm, tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí, tu sửa đường giao thông, hỗ trợ xây dựng nhà ở… tạo thành “đòn bẩy” trợ giúp người nghèo vươn lên.
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện đánh giá: “Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội nên đời sống của đại bộ phận nhân dân và người có công với cách mạng trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến cuối năm 2015, toàn huyện chỉ còn 1.576 hộ nghèo (theo chuẩn cũ), chiếm 4,38%; hộ cận nghèo còn 1.606 hộ, chiếm 4,46%”.
Nguyễn Xuân
BÌNH LUẬN