A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đăk Lăk nở rộ phong trào phát triển chăn nuôi bò hàng hóa

09:58 | 10/09/2016

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đăk Lăk, hiện tổng số đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh có khoảng 216.030 con (trong đó có 35.223 con trâu và 180.807 con bò),tốc độ tăng đàn hàng năm từ 8 - 11%...

Chị H’Blo H’Môk thu nhập cao từ nuôi bò hàng hóa

Từ việc chăn nuôi trâu, bò theo hình thức truyền thống là để sử dụng sức kéo, giải quyết thời gian nông nhàn, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở tỉnh Đăk Lăk đã chú trọng phát triển đàn vật nuôi theo hướng hàng hóa thương phẩm, tạo nguồn thu nhập khá…

Lợi nhuận lớn

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Đăk Lăk, hiện tổng số đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh có khoảng 216.030 con (trong đó có 35.223 con trâu và 180.807 con bò), tốc độ tăng đàn hàng năm từ 8 - 11%, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Krông Bông (28.134 con), Krông Pắc (27.775 con), Ea Kar (21.825 con)... Việc phát triển đàn trâu, bò đã đem lại nguồn lợi nhuận khá cao cho người nông dân.

Hiện nay, chăn nuôi trâu, bò không chỉ dừng lại ở việc nuôi một vài con để kéo cày, giải quyết thời gian nông nhàn mà nhiều hộ còn nuôi với số lượng lớn hàng chục con/hộ, thậm chí có gia đình nuôi trên 100 con. Nếu tính bình quân mỗi con trâu, bò trưởng thành có giá trị trên thị trường khoảng 20 - 40 triệu đồng thì quả thực đây là khối tài sản không hề nhỏ.

Gia đình chị H’Uyên Ktla ở buôn Tul B, xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) hiện đang nuôi 15 con bò và 30 con trâu, trong đó có trên một nửa số lượng đàn đang ở độ tuổi sinh sản. Chị cho biết, gia đình đã duy trì đàn trâu, bò này từ năm 2010. Nhằm bảo đảm việc chăn nuôi ổn định, đáp ứng nhu cầu thức ăn cho đàn vật nuôi, chị đã dành 3ha đất rẫy cho cỏ mọc tự nhiên để hằng ngày có nơi chăn thả, đồng thời tích trữ rơm, cỏ khô và một số loại lá cây làm nguồn thức ăn thêm. Nhờ chăn nuôi với số lượng lớn, mỗi tháng gia đình chị có nguồn thu nhập khoảng 10 - 15 triệu đồng từ việc bán phân gia súc. Ngoài ra, mỗi năm chị còn xuất bán con giống hoặc bò thịt cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Trước đây, kinh tế gia đình chị H’Blo H’Môk ở buôn H’Đất, xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) rất khó khăn, quanh năm chỉ biết nhờ vào mấy sào ruộng rẫy trồng ngô, sắn. Năm 2000, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống. Ngoài thời gian chăn thả ngoài đồng, chị còn trồng thêm các loại cỏ giàu dinh dưỡng cho bò ăn. Mỗi năm bò sinh sản chị đều để lại nuôi. Từ 1 con bò mẹ ban đầu, đến nay chị H’Blo đã có đàn bò với số lượng 25 con (trong đó có 15 bò mẹ). Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm chị bán 3 - 4 đợt bò giống và bò thịt, mỗi đợt 2 - 4 con.

Chị H’Blo H’Môk cho biết, việc nuôi bò số lượng lớn cũng khá đơn giản, chủ yếu là khâu phòng ngừa dịch bệnh và xây dựng chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ, tiêm phòng ngừa dịch bệnh chu đáo, hạn chế chăn thả chung với đàn bò khác để tránh phát sinh và lây lan bệnh. Từ một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhờ chăn nuôi bò sinh sản, đến nay gia đình chị H’Blo H’Môk đã vươn lên khá giả với thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Hay như mô hình nuôi bò nhốt tập trung của gia đình chị Phạm Thị Ngọc Tú ở thôn 2, xã Yang Yeh (huyện Krông Bông) cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2000, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi với quy mô rộng 1.000m2 và thay thế cách chăn nuôi bò thả rông truyền thống sang nuôi nhốt tập trung.

Chị Tú cho biết, nuôi bò nhốt tập trung không khó mà hiệu quả kinh tế lại cao. Ngoài cho bò ăn thức ăn truyền thống (cỏ, rơm…) chị còn bổ sung thêm các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao như cỏ VA06, lá ngô, cám... đàn bò sinh trưởng nhanh, kháng bệnh tốt, nên hiệu quả tăng rõ rệt. Trong chuồng nhà chị hiện đã có 60 con bò, trong đó có 50 bò mẹ, thu nhập bình quân mỗi năm trên 300 triệu đồng.

Chú trọng phòng ngừa dịch bệnh

Hiện việc chăn nuôi trâu, bò của người dân phần lớn vẫn theo hình thức thả rông, điều này tiềm ẩn nguy cơ đàn vật nuôi bị lây lan dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y Đăk Lăk cho biết, có 2 loại dịch bệnh khiến trâu bò chết nhiều trong thời gian qua là bệnh lở mồm long móng (LMLM) và tụ huyết trùng (bình quân mỗi năm có trên 10 con trâu, bò bị chết do bệnh tụ huyết trùng).

Hiện nay, việc tiêm chủng vacxin LMLM được ngành thú y tỉnh triển khai 2 đợt mỗi năm và 1 đợt tiêm vacxin tụ huyết trùng. Thế nhưng, theo số liệu thống kê thì mỗi năm chỉ có 150.000 con trâu, bò được tiêm vacxin LMLM và khoảng 90.000 con trâu, bò được tiêm vacxin tụ huyết trùng. Rõ ràng số lượng trâu, bò được tiêm phòng vacxin là khá ít, không bảo đảm hiệu giá miễn dịch cho vật nuôi; cộng với tình trạng môi trường chăn nuôi, bãi chăn thả chung dễ tồn tại mầm bệnh lây nhiễm và tái diễn trong nhiều năm.

Theo bà Bình, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do ý thức phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi của người dân chưa cao, nhận thức về việc tiêm phòng vacxin còn hạn chế. Nhiều người dân còn cho rằng việc tiêm vacxin phòng bệnh sẽ làm cho trâu, bò chậm lớn, gầy còm.

Có hộ chăn nuôi cả trăm con trâu, bò nhưng chủ quan từ chối tiêm phòng. Nhiều trường hợp khi trâu, bò bị dịch bệnh bà con mới cuống cuồng điều trị thì đã muộn, bởi các loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu.

Bà Bình khuyến cáo, để nâng cao hiệu quả việc chăn nuôi trâu, bò số lượng lớn, đem lại nguồn lợi nhuận kinh tế cao và ổn định, người dân nên thay đổi dần thói quen chăn nuôi thả rông, chuyển sang nuôi nhốt tập trung để bảo đảm công tác quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi.

"Cần làm tốt khâu chọn giống, khẩu phần thức ăn, xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, thoáng mát, sạch sẽ và đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Khi phát hiện trâu bò bị bệnh cần báo ngay cho chính quyền địa phương và trạm thú y gần nhất để có biện pháp phòng ngừa, khoanh vùng xử lý, tránh lây lan ra diện rộng…", bà Nguyễn Thị Bình.

 

ĐÔNG HẢI

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ