A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nâng cao chất lượng cuộc sống từ dự án giảm nghèo

13:50 | 04/01/2017

Sau 2 năm thực hiện Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (GNKVTN) cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở xã Đắk Nuê (huyện Lắk) đã có nhiều đổi thay.

Tiếp sức cho người nghèo

Hiện trên địa bàn xã Đắk Nuê có 13 nhóm với 220 hộ dân đang được hưởng lợi từ Dự án GNKVTN thông qua các hoạt động sinh kế. Với đối tượng hướng đến chủ yếu là người nghèo, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2015, Ban phát triển dự án xã Đắk Nuê (gọi tắt là Ban PTX) bắt đầu triển khai thí điểm ở 4 buôn là Kdiê 1, Kdiê 2, Dhăm và Yơl gồm 13 nhóm Cải thiện sinh kế (LEG).

Trước đây, người dân sử dụng giống cũ và sạ lúa với mật độ dày nên chi phí cao mà hiệu quả thấp. Từ khi được Ban PTX hỗ trợ vốn, giống lúa mới, vật tư nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật sản xuất, cách quản lý sâu bệnh hại tổng hợp và đưa giống mới vào gieo sạ, năng suất lúa tăng gấp đôi (đạt từ 7-8 tạ/sào). Với tổng diện tích dự án gieo trồng là 39 ha, sản lượng đạt gần 293 tấn, bình quân mỗi hộ 1,5 tấn lúa, đem lại niềm vui cho người dân. Việc xây dựng nhóm LEG sản xuất lúa lai đã tạo điều kiện để các thành viên nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa thông qua các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm.

Hướng dẫn viên cộng đồng xã Đắk Nuê hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng lúa.

Là một trong những người được thụ hưởng dự án, chị H’Vel Pang Sưr (buôn Kdiê 2) vui mừng khi giống lúa Nhị Ưu 838 cho năng suất cao. Trước đây với 2 sào ruộng chỉ thu được 8 tạ lúa mỗi vụ, gia đình chị thường không đủ gạo ăn trong mấy tháng giáp hạt, từ khi được hỗ trợ giống lúa và kỹ thuật trồng mới năng suất lúa tăng lên gấp đôi. “Nay, nhà tôi không chỉ đủ ăn mà còn có lúa bán lấy tiền mua heo về nuôi, nếu dự án nhân rộng thêm nữa nơi đây sẽ không còn người nghèo”, chị H’Vel chia sẻ.

Đa dạng hóa thu nhập

Từ thành công bước đầu, năm 2016, dự án tiếp tục phân bổ 1 tỷ đồng để tiếp tục triển khai mô hình sản xuất lúa lai kết hợp trồng rau xanh và các hoạt động dinh dưỡng. Người dân ở đây có thói quen ăn uống đơn giản không chú trọng đến thành phần dinh dưỡng, bữa ăn thường là cơm trắng, cá khô và rau hái trên rừng, nhưng sau khi được hướng dẫn viên cộng đồng (CF) tư vấn về chế độ dinh dưỡng, họ đã biết nuôi gà đẻ trứng, trồng rau để cải thiện bữa ăn. Sau khi được dự án hỗ trợ giống, lưới rào, đến nay đã có 130 hộ tham gia trồng rau xanh cho thu hoạch mỗi năm từ 2-3 lứa rau.

Dự án GNKVTN được triển khai trong 5 năm (2014-2019) tại 130 xã thuộc 26 huyện nghèo nhất 6 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum), với tổng vốn đầu tư là 165 triệu USD.

Cách đây 1 năm, diện tích đất trước nhà ở các hộ gia đình hầu hết đều bị bỏ không nhưng nay đã phủ kín một màu xanh của rau. Từ tháng 7-2016 đến tháng 12-2016, cứ đều đặn mỗi tháng 1 lần, Ban PTX lại tiến hành đo chiều cao, cân nặng, vòng tay cho trẻ em dưới 5 tuổi, là con em của các thành viên trong nhóm LEG để biết được tỷ lệ suy dinh dưỡng, sự phát triển của trẻ, từ đó tư vấn, hướng dẫn thực hành cách nấu ăn, chế độ dinh dưỡng cho các bà mẹ đang mang thai và cho con bú. Theo chị H’Thanh Ông (buôn Kdiê 1) được cán bộ CF hướng dẫn, đã biết cách nấu cháo và cho con ăn như thế nào là tốt, ngoài chất đạm cần phải bổ sung thêm các loại rau, củ quả, dầu ăn cũng như thay đổi khẩu phần ăn mỗi ngày, đảm bảo cung cấp đủ chất, giúp con khỏe mạnh, tăng cân.

Nhằm đa dạng hóa thu nhập, trong 2 tháng cuối năm 2016, có 5 nhóm LEG sản xuất lúa lai, bên cạnh việc trồng lúa còn kết hợp nuôi dê và trồng khoai lang. Theo đó, có 30 hộ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê, trồng cỏ, hỗ trợ giống (mỗi hộ 2 con dê Bách Thảo). Sau 2 tháng triển khai, nửa số dê đã mang thai, 2 hộ đã có dê đẻ, theo ước tính sau khi dê sinh sản, mỗi hộ sẽ tăng thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng/năm so với trước đây. Với 60 hộ trồng khoai lang cũng đã hoàn thành thủ tục việc đề xuất ứng vốn. Nhận thấy hiệu quả của dự án này sau 2 năm triển khai, các thành viên của 13 nhóm LEG tự nguyện đóng vào quỹ tái sản xuất của nhóm để tiếp tục triển khai trồng lúa lai và rau xanh mà không cần đến sự hỗ trợ từ dự án.

Anh Cao Quang Phương, cán bộ CF xã Đắk Nuê cho biết: Dự án GNKVTN đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu ăn cũng như cải thiện bữa ăn dinh dưỡng cho các hộ tham gia. Năm 2017, Ban PTX sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng thêm 5 nhóm LEG khác và 12 nhóm đa dạng hóa thu nhập bằng cách kết hợp nhiều mô hình như chăn nuôi heo, dê; trồng khoai, đinh lăng, nghệ… ở các buôn: Mih, Triết, Pai Bi, Dlei, Đắk Sar.

Tuyết Mai

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ