A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thăm nơi làm nên thương hiệu nức tiếng giống cây trồng Ea Kmat

09:46 | 13/04/2017

Để giúp nông dân hiểu rõ nơi thực sự sản xuất giống cây trồng Ea Kmat đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, uy tín, chúng tôi đã đến Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat, thuộc Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi).

Đây được xem là nơi làm nên thương hiệu nức tiếng giống cây trồng Ea Kmat. Và, cũng tại đây có những nhà khoa học, kỹ sư với sự nỗ lực không ngừng trong công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, đưa vào sản xuất những giống cây trồng mới, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng giúp nông dân Tây Nguyên “hái” trái ngọt.

Cùng với đó, trung tâm còn là đơn vị chủ lực trong việc chuyển giao các tiến bộ KHKT từ khâu giống mới đến quy trình kỹ thuật thâm canh.  

Trăm nghe không bằng một thấy

Để cho ra đời nhiều loại giống cây trồng chất lượng tốt phục vụ bà con nông dân, từ năm 2006, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat đã tiến hành nghiên cứu nhiều công trình về quy trình sản xuất giống cà phê vối bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào...

Sản xuất cà phê giống bằng nuôi cấy mô tại trung tâm

TS Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Wasi chia sẻ, đầu tiên là lựa chọn cây mẹ có chất lượng tốt nhất, sau đó là một loạt quy trình được tiến hành trong phòng thí nghiệm, như vào mẫu lá, vô trùng lá; bỏ vào máy lắc để tăng hệ số nhân, tái sinh thành phôi trong hệ thống biorater... Mỗi quy trình từ lá cho ra cây con phải mất từ 21 - 22 tháng. Từ một mẫu lá có thể nhân lên 2.000 cây con có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn, loại bỏ được những khuyết điểm tồn tại trên cây mẹ...

Bên cạnh các giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, trong các năm qua, Wasi đã tập trung nguồn lực lai tạo, tuyển chọn được các dòng cà phê vô tính như: 4/55,1/20, TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13 được Bộ NN-PTNT công nhận đưa vào sản xuất đại trà thay thế cho các giống cà phê vối cũ, thoái hóa.

Theo TS Trương Hồng, đây là các giống cà phê vối có tiềm năng năng suất rất cao, có khả năng đạt từ 4,5 - 7,3 tấn/ha (cà phê nhân), đặc biệt là kích cỡ hạt được cải thiện đáng kể. Một trong những ưu điểm nổi bật của các dòng vô tính chọn lọc nữa là khả năng kháng bệnh rỉ sắt.

“Trung bình hàng năm, chúng tôi cung cấp cho các địa phương có sản xuất cà phê, nhất là các tỉnh vùng Tây Nguyên từ 3 - 4 triệu cây giống và trên 200 ngàn chồi ghép của các giống chọn lọc và 20 tấn hạt lai đa dòng để từng bước thay thế dần các giống cà phê cũ đã thoái hoá. Đặc biệt, từ năm 2011 - 2015 trong điều kiện biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã chọn được 2 dòng cà phê vối (TR14, TR15) chín muộn, chất lượng cao, có khả năng tiết kiệm được lượng nước tưới nhờ đặc tính sinh lý của giống.

Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat cung cấp hàng triệu cây giống mỗi năm

Về giống cây hồ tiêu, TS Trương Hồng cho biết thêm, Wasi đã nghiên cứu và đang trình Bộ NN-PTNT công nhận giống tiêu Vĩnh Linh là dòng có nhiều ưu việt từ năng suất, khả năng kháng bệnh và có nhiều ưu điểm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó chúng tôi đã nghiên cứu, chọn lọc được nhiều giống điều, ca cao, giống bơ, sầu riêng, dâu tằm, dâu tây, mắc ca có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với từng vùng sinh thái Tây Nguyên. Hiện Wasi đã làm chủ công nghệ nhân giống cà phê nuôi cấy mô và cung cấp cho sản xuất đại trà...”, ông Hồng chia sẻ.  

Hái trái ngọt

Không chỉ quan tâm nghiên cứu, lai tạo cho ra các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat còn chú tâm nghiên cứu quy trình sản xuất và chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo vườn cà phê vối kém hiệu quả bằng các dòng vô tính chọn lọc, giúp giảm chi phí đầu tư hàng chục lần so với trồng mới. Hiện kỹ thuật này còn được áp dụng để cải tạo cây giống xấu trong các vườn cà phê kinh doanh nhỏ tuổi đang khai thác.

Gia đình ông Trần Văn Ngoạn ở thôn 12, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột có gần 5 sào cà phê già cỗi trồng hơn 20 năm cho năng suất thấp. Sau khi tìm hiểu về quy trình tái canh cà phê và được sự hướng dẫn của cán bộ trung tâm, ông Ngoạn đã tiến hành nhổ bỏ vườn cây và mua các loại giống TR4, TR9 về trồng. Nhờ vậy vườn cà phê của gia đình ông phát triển tốt, không xảy ra hiện tượng vàng lá thối rễ, tỷ lệ sống đạt 98%, năng suất cao, ổn định trên 2,1 tấn/5 sào.

Cty TNHH MTV Cà phê 15 (đứng chân tại xã Cư Dlê M’nông, huyện Cư M’gar) sau nhiều năm kinh doanh phần lớn diện tích cà phê cũng bắt đầu già cỗi. Để “trẻ hóa vườn” nhưng vẫn bảo đảm chất lượng diện tích cà phê tái canh, Cty đã lấy 16 bộ giống cà phê mới, có khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao của trung tâm về trồng. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, áp dụng nhiều biện pháp kéo dài chu kỳ kinh doanh của vườn cây nên năng suất cà phê của Cty vẫn thuộc tốp đầu vùng Tây Nguyên.

Vườn ươm cây giống chất lượng cao của Wasi

Theo Đại tá Phạm Xuân Thảnh, GĐ Cty TNHH MTV Cà phê 15, niên vụ 2015 - 2016, năng suất bình quân đạt 15 tấn quả tươi (tương đương 3,75 tấn nhân/ha) cao gấp 1,7 lần năng suất bình quân vùng Tây Nguyên.

TS Trương Hồng đánh giá, việc thay thế các cây giống xấu và các cây bị rỉ sắt nặng trong vườn cà phê kinh doanh bằng biện pháp cưa rồi ghép các dòng chọn lọc sẽ giúp vườn cây đồng đều hơn về hình dạng, về chất lượng quả hạt, làm tăng thêm năng suất, chất lượng vườn cà phê, nhất là nhân cà phê được cải thiện làm tăng chất lượng cà phê nhân xuất khẩu, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân. Nhờ chất lượng giống tốt, nhiều người dân khắp các tỉnh Tây Nguyên tìm đến trung tâm mua giống và học tập quy trình canh tác.

+ Là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu, cà phê lớn của tỉnh Đăk Lăk, Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin luôn tuyên truyền vận động bà con đến Trung tâm Ea Kmat mua giống và học tập kỹ thuật.

Ông Y Tong Bkrông, Phó phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin chia sẻ: Để hỗ trợ người dân tái canh cà phê và canh tác các loại cây trồng khác, chúng tôi luôn khuyến cáo bà con tới các cơ sở kinh doanh giống cây trồng của Wasi để mua giống chất lượng cao và được tư vấn cụ thể quy trình sản xuất. Hiện trên địa bàn có tới hơn 80% người dân thường xuyên tới đây mua giống về trồng.

+ Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat hiện có 121 cán bộ có trình độ chuyên môn và nhiệt tình công tác. Trung tâm có 1 xưởng chế biến cà phê quả khô, cà phê quả tươi công suất 4 - 5 tấn/ngày, diện tích 800m2; 1 xưởng phối trộn phân bón để làm giá thể vườn ươm, công suất 50m3/ngày, diện tích 1.000m2. Vườn cây, vườn ươm 134,3ha.

Trong đó cà phê 89ha, cao su 27,7ha, ca cao 2,3ha, bơ 5,8ha, mắc ca 4ha, vườn nhân chồi cà phê, ca cao; vườn ươm 5,5ha. Ngoài ra, trung tâm còn có vườn sản xuất hạt lai đa dòng với diện tích 4ha, cung ứng 15 - 20 tấn hạt cà phê giống/năm.

NHÓM PV MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ