A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đắk Lắk: Muốn nhận bò phải đóng tiền

10:26 | 14/04/2017

Được hỗ trợ bò giống từ Chương trình 135, các hộ nghèo xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lắk) rất vui mừng, bởi từ nguồn hỗ trợ này sẽ góp phần giúp gia đình sớm vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. ...

...Thế nhưng niềm vui không mấy trọn vẹn khi bò giống nhận về thường xuyên bị bệnh, gầy còm ốm yếu, khiến cho người dân phải tốn kém chạy chữa.

Đặc biệt, để nhận được bò hỗ trợ, các hộ nghèo nơi đây phải đóng thêm số tiền từ 2 đến 5 triệu đồng cho chính quyền xã mới được nhận bò về nuôi.

Sau khi nhận bò hỗ trợ anh Y Thoen phải tiêm 2 liều thuốc bổ cho bò.

Anh Y Thoen Ê ban, buôn Cuôr, xã Ea M’droh phản ánh, ngày 5/12/2016, gia đình anh được xã Ea M’droh mời lên nhận bò theo Chương trình 135 về phát triển sản xuất.

Để nhận được con bò này, xã yêu cầu gia đình anh phải đóng thêm 2 triệu đồng. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã, có con nhỏ bị tật nguyền nên để có 2 triệu đồng đóng cho chính quyền xã, vợ chồng anh đã phải đi vay nóng người trong buôn. Thế nhưng, khi nhận bò, vợ chồng anh rất thất vọng vì con bò quá nhỏ.

Anh Y Thoen chia sẻ: “Nghe cán bộ xã thông báo, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò, nhưng phải đóng vào thêm 2 triệu mới được nhận bò. Thế nhưng khi lên nhận bò, tôi thấy không ưng cái bụng vì nếu như con bò này ở ngoài thị trường chỉ có giá 7 đến 8 triệu đồng. Chưa hết, bò xã mua khi tôi dắt về nuôi, thì bò lại không ăn cỏ, gia đình tôi phải tiêm 2 liều thuốc bổ trị giá gần 100 ngàn đồng để trợ sức cho bò”.  

Ông Y Hlắc Niê, buôn Ea Mdróh cho biết, khi gia đình có danh sách được nhận bò theo Chương trình 135, xã yêu cầu phải đóng thêm 3 triệu đồng.

Vì hoàn cảnh khó khăn (ông Y Hlắc năm nay đã ngoài 70 tuổi bị liệt phải nằm một chỗ nhiều năm nay), gia đình đã phải bán cà phê non gom góp tiền, nhưng vẫn không đủ.

Ông bà đành vay lãi ngày hơn 2 triệu đồng mới lấy bò về nuôi. Ông Y Hlắc thở dài: “Tiền đi vay đó gia đình tôi chưa biết đến bao giờ mới trả hết nợ cho người ta”.

Trong số những gia đình được nhận bò tại xã Ea M’droh, gia đình bà H’Miếu Kbuôr (buôn Cuôr) phải đóng nhiều tiền nhất với 5 triệu đồng.

Bà H’Miếu thông tin, gia đình bà mới thoát nghèo được 1 năm nay, nên số tiền 5 triệu là rất cao. Để có được tiền, bà phải đi vay lãi 4 ngàn/1 triệu/ngày, nhưng người ta chỉ cho vay 4 triệu đồng.

Trong khi đó con bò của gia đình bà mới đưa về nuôi đã bị đi cầu ra máu rất yếu, bà phải vay mượn thêm mua thuốc hết hơn 300 ngàn đồng chữa trị mà con bò chưa khỏi bệnh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyết- Phó chủ tịch UBND xã Ea M’droh cho biết, ngày 29/11/2016, UBND huyện Cư M’Gar đã ra Quyết định số 1004/QĐ- UBND về việc phê duyệt dự án hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 năm 2016 của UBND xã Ea M’droh.

Theo quyết định này, trên địa bàn xã có 22 hộ (trong đó 21 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo) tham gia dự án hỗ trợ giống vật nuôi để phát triển sản xuất theo Chương trình 135.

Tổng kinh phí thực hiện dự án này là 319.061.000 đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 220.539.000 đồng tiền mua bò và 4.461.000 đồng tiền tập huấn, các hộ dân đóng góp là 94.061.000 đồng. Trung bình mỗi người dân đóng góp hơn 40% số vốn (4,2 triệu đồng). 

Mặc dù mọi đóng góp và số kinh phí được hỗ trợ đều được UBND xã Ea M’droh lập danh sách cụ thể, nhưng việc bắt người dân đóng góp, phần lớn là hộ nghèo và cận nghèo khiến dư luận đặt câu hỏi có hợp lý hay không?

Vì theo Thông tư liên tịch 05, ngày 18/11/2013 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn quy định nguốn vốn đầu tư gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương trực tiếp cho Chương trình 135.

Nguồn vốn huy động đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; không huy động đóng góp bằng tiền mặt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tại Quyết định số 4237/UBND-VHXH UBND tỉnh Đắk Lắk, ngày 20-6-2014 cũng quy định: “Hỗ trợ 100% giá trị giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, nhưng tối đa là 12 triệu đồng đối với hộ nghèo và 8 triệu đồng với hộ cận nghèo”. 

Không chỉ huy động hộ nghèo, cận nghèo đóng góp tiền mà chất lượng con giống khiến các hộ dân không yên tâm. Cụ thể, theo QĐ 1004, giá tiền mua bò được phê duyệt là 110.000/kg.

Thực tế Nhà nước chi 10 triệu đồng và người dân đóng góp khoảng 2 triệu đồng tương đương 12 triệu đồng/ con bò, theo đơn giá này một con bò được cấp phải trên 100 kg. Tuy nhiên, bằng mắt thường cũng thấy con bò mà các hộ dân được nhận nhỏ hơn trọng lượng này?

Thêm nữa bò mua về lại không ăn cỏ. Người dân đang phải tiêm thuốc bổ, tự bỏ tiền túi ra mua thuốc mà chưa biết bò có sống được không? 

Trước những uẩn khúc của nhân dân thiết nghĩ các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ để trả lời người dân.     

Hiếu Anh-Tuấn Anh

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ