A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những nữ "thủ lĩnh" trên thương trường

10:18 | 27/03/2014

Là những nữ lãnh đạo doanh nghiệp (DN) trong những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau, nhưng điểm chung trên con đường đi đến thành công của họ là sự năng động, tự tin, sáng tạo và quyết đoán.

Người tạo nên thương hiệu cơ khí uy tín

Cơ khí chế tạo là lĩnh vực công nghiệp mà Dak Lak có thế mạnh, với nhiều thương hiệu uy tín, chất lượng cao như Đăng Phong, Đắc Hải, Bắc Trường…, nhưng nổi bật trong đó cần phải kể đến là thương hiệu Viết Hiền, với người tạo dựng ra nó là nữ “thủ lĩnh” năng động Nguyễn Thị Huệ.

Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) thành lập năm 2005, tiền thân là DN tư nhân, quy mô nhỏ, vốn ban đầu hạn hẹp, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất lạc hậu, sản phẩm đơn điệu. Để phát triển sản xuất các loại máy móc thiết bị từ đơn giản đến tinh xảo, đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của khách hàng, chị Huệ đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ thế hệ mới hiện đại của Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan; cải tiến khâu sản xuất hợp lý, cùng với đầu tư bổ sung vật tư thiết bị để giảm tiêu hao năng lượng, sức lao động trên từng loại sản phẩm làm ra…, nhờ đó, sản phẩm của công ty đã hạn chế được sai sót, giảm giá thành để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, DN đã sản xuất được các loại máy móc thiết bị chế biến cà phê ướt, cà phê khô, thiết bị phụ trợ nhà máy như máy sấy trống, máy tách quả, sàng phân loại cà phê... phục vụ chế biến cà phê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Các sản phẩm này được nhà đầu tư trong nước và quốc tế tin tưởng nhờ ưu thế bền, đẹp, linh hoạt, tiết kiệm không gian nhà xưởng, năng lượng và số lượng công nhân vận hành. 

Chị Huệ hướng dẫn nông dân huyện Krông Ana dân sử dụng máy móc, thiết bị.

Bên cạnh đó, đơn vị còn chế tạo các loại thiết bị chế biến cà phê quy mô nông hộ giúp người trồng giảm tổn thất sau thu hoạch như máy sấy tiêu, cà phê, bắp, đậu…. Với những thành công trên thương trường, chị Nguyễn Thị Huệ vinh dự là một trong số 100 nữ doanh nhân tiêu biểu trên toàn quốc được trao tặng danh hiệu "Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" - Cúp “Bông hồng vàng” năm 2013, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội, đầu tháng 3-2014 vừa qua. Chia sẻ về bí quyết thành công, chị Huệ cho biết: điều quan trọng nhất là tạo ra sản phẩm chất lượng cao để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hấp dẫn, thu hút người mua, tăng uy tín, hình ảnh DN trên thương trường. Để đạt được điều đó, người làm kinh doanh cũng cần có sự cần cù, chịu khó, quyết đoán và đôi khi cũng cần có sự mạo hiểm, quyết đoán trong công việc.

Tạo dựng thương hiệu từ hai bàn tay trắng

Nhìn người phụ nữ trẻ có dáng người nhỏ nhắn ít ai biết chị là người tạo nên thương hiệu giày, dép giữ vị trí độc tôn trên thị trường Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đó là chị Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất – thương mại – dịch vụ Việt Thắng (trụ sở tại Cụm công nghiệp Ea Dar – huyện Ea Kar) chuyên sản xuất, kinh doanh giày dép, ủng nhựa, túi xách và bao bì nilon.

Chị Dung kiểm tra sản phẩm trước khi cho xuất xưởng.

Sinh ra trong một gia đình nông dân quê lúa Thái Bình, năm 1986 chị cùng gia đình vào Dak Lak sinh sống. Học xong phổ thông, cô gái tuổi 18 không tiếp tục học lên mà chọn con đường tự lập bằng buôn bán. Ban đầu, chị bán hàng nhỏ lẻ trong chợ huyện, rồi tích góp, vay mượn người thân được gần 10 triệu đồng làm vốn lấy hàng giày dép trong nước và hàng Trung Quốc về bỏ mối cho các cửa hàng, đại lý trong và ngoài tỉnh. Việc buôn bán thuận lợi, lãi ngày càng nhiều, chị Dung mở xưởng sản xuất nhỏ chuyên sản xuất dép tại nhà. Khi số vốn nhiều hơn, chị bắt đầu tính đến chuyện làm ăn lớn bằng việc thành lập công ty của riêng mình vào năm 2004. Không được đào tạo bài bản về kinh doanh, chị Dung phải tìm tòi tài liệu trên mạng Internet, tự học về Luật kinh tế, cách quản lý doanh nghiệp để xây dựng công ty vững vàng.

Xuất phát điểm từ một xưởng sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ đơn giản, đến nay, xưởng sản xuất của chị đã phát triển thành nhà máy có quy mô gần 10.000 m2, công suất đạt hơn 1000 sản phẩm/ngày, với dây chuyền thiết bị công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất đều đã được hiện đại hóa, đội ngũ kỹ thuật trong các phân xưởng cũng được cử đi đào tạo tay nghề ở nước ngoài để đáp ứng công việc. Sản phẩm của công ty có ưu thế là bền, đẹp, thị trường ngày càng được mở rộng không chỉ ở trong nước mà còn sang các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc. Để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, bên cạnh nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, chị Dung còn chú trọng đến việc tạo uy tín doanh nghiệp trong kinh doanh, tôn trọng các đối tác và khách hàng của mình. Vì vậy, hình ảnh thương hiệu của công ty ngày càng được nâng lên, quy mô sản xuất được mở rộng, tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, với thu nhập ổn định 3 – 5 triệu đồng/tháng/người.

Kinh doanh bằng cái tâm

Đó là quan điểm của chị Phùng Thị Thêm, Giám đốc Công ty TNHH tin học Hữu Nghị (đường Phan Châu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột), người nữ doanh nhân đã vượt qua nhiều khó khăn để gặt hái thành công trên thương trường.

Nữ thủ lĩnh doanh nghiệp Phùng Thị Thêm.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng và đang công tác suôn sẻ tại một cơ quan Nhà nước, nhưng vốn đam mê kinh doanh, chị Thêm đã quyết định rẽ qua con đường kinh doanh mặt hàng máy tính, điện tử. Năm 2000, chị mở của hàng nhỏ bán máy tính và lặn lội xuống TP. Hồ Chí Minh thu mua các loại máy cũ từ nước ngoài nhập về để bán lẻ. Làm việc trong lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, vốn kinh doanh ít nên chị gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự cần cù, chịu khó và có kiến thức về kinh tế, việc kinh doanh dần ổn định, phát triển, thị trường tiêu thụ được mở rộng, vốn ngày càng nhiều thêm. Sau hai năm, chị quyết định mở rộng quy mô sản xuất, thành lập công ty chuyên cung cấp, lắp đặt các loại máy tính đời mới. Lúc này, thị trường máy tính ở Dak Lak chưa phải cạnh tranh nhiều nên công ty làm ăn hiệu quả, nhiều đơn đặt hàng quy mô lớn liên tục đến với công ty. Những năm gần đây, rất nhiều đơn vị kinh doanh sản phẩm máy tính, điện tử ra đời nên áp lực cạnh tranh trên thị trường rất lớn, nhiều DN thua lỗ, phá sản, công ty của chị cũng lao đao, các đơn hàng lớn ít dần, nhiều hợp đồng không thu được tiền phải ôm nợ. Trước tình hình này, chị quyết định thay đổi phương pháp kinh doanh từ sản phẩm chủ lực là máy tính sang máy photocopy, và công ty của chị đã thành công nhờ “chớp” thời cơ đúng lúc. Hiện doanh nghiệp của chị là một trong số ít đại lý cấp 1 trong cả nước chuyên cung cấp máy photocopy nhãn hiệu Sharp của Nhật Bản ở các tỉnh: Dak Lak, Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, Bình Dương… Nhờ năng động, nắm bắt được xu thế thị trường, công ty của chị đã vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động ổn định và là đơn vị duy nhất trong số hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực máy tính, điện tử được Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trao thưởng “Doanh nhân – doanh nghiệp Việt Nam Vàng” năm 2009. Là nữ doanh nhân quyết đoán, tự tin, nhưng theo chị Thêm, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công trong kinh doanh và xây dựng thương hiệu không phải là lợi nhuận mà là chữ tâm, sự chu đáo, uy tín đối với mọi đối tượng khách hàng.

Minh Thông

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ