A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuyện buồn quanh bàn nhậu sinh viên

07:58 | 26/06/2014

Nhậu đang trở thành chuyện “cơm bữa” trong đời sống sinh viên (SV), vui cũng nhậu mà buồn cũng nhậu. Xung quanh bàn nhậu “chén chú, chén anh” này đã để lại những hệ lụy đáng buồn cho nhiều bạn trẻ...

1001 lý do để ... nhậu!

Nhiều quán nhậu ở dọc các con đường Y Wang, Nguyễn An Ninh (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) trở thành điểm đến quen thuộc của sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên. Nhận “lương” bố mẹ gửi xong, dựa vào muôn kiểu “lý do”: thất tình, có bạn gái, thi rớt, làm không được bài, bị mất trộm… là các chàng, các nàng lại rủ nhau “ngồi bàn nhậu”.  Hôm nào nhiều tiền thì dùng Heniken, bia lon Sài Gòn, đi kèm mồi “xịn”; hôm “cạn lương” thì chỉ cần gói lạc rang, ít rau xào, thêm chai rượu Vodka là… ô kê…

Sau buổi đánh bóng chuyền, N.V (SV năm 3, Trường Đại học Tây Nguyên) cùng 3 bạn trong nhóm tổ chức “kèo” nhậu ăn mừng. Thấy còn thiếu “chân” (bạn nhậu), N.V điện thêm 1 người nữa, đến ngay quán L.C (đường Nguyễn An Ninh) để cùng chúc mừng chiến thắng với nhóm bạn. Mở màn cho buổi “hội ngộ”, SV N.Q tuyên bố: mùa thi thì càng phải nhậu nhiều hơn những ngày thường, bởi chỉ có bia rượu mới giúp chúng ta tập trung ôn bài được! Nghe “nhóm trưởng” cất giọng, 4 sinh viên khác cùng cười khoái chí, rồi nâng ly bia lên: “zô mừng câu nói hay nhất trong ngày”…

Hầu như các quán nhậu gần trường Đại học Tây Nguyên luôn đông khách là SV. Mới 19 giờ, quán nhậu L.C, rộng chừng 40 mét vuông, kê khoảng 16 chiếc bàn, loại 4 ghế ngồi đã kín chỗ. Vừa ngồi xuống bàn, N.Q đã gọi to: “cho một ca bia hơi, 2 bánh tráng, 1 đậu khuôn chiên”; và chàng cho biết: “đó là các món khai vị rất cần thiết, vừa nhanh, giá rẻ, đẹp da lại hợp túi tiền sinh viên!”. Mừng mồi mới ra, cả bàn nâng ly lên uống cạn. Hết ly bia, SV V.H nhăn mặt: “đời trai luôn phải chịu nhiều đắng cay thế này đây, mà bạn gái có bao giờ biết”. Như hiểu nỗi lòng của đứa bạn đang cảnh thất tình, cả nhóm lại nâng ly. Chỉ trong chốc lát, các khuôn mặt thư sinh trở nên đỏ tía vì men bia.

Vào khoảng 20 giờ, quán nhậu sinh viên không còn bàn trống.
Vào khoảng 20 giờ, quán nhậu sinh viên không còn bàn trống.

Bên bàn nhậu cạnh đó, một nhóm SV khoảng 20 người đang hò hét, tổ chức sinh nhật. “1 - 2 - 3 zô, 2 – 3 zô, 2 – 3 sướng!” tiếng hô của 20 “cái loa” khiến cả quán ồn ào như vỡ chợ. Ngó bàn bên, N.V nói kháy: “thời trẻ trâu đó của bọn mình trôi qua lâu rồi, giờ chỉ cần cụng ly một cái là cả nhóm hiểu được lòng nhau, đâu cần gì ồn ào, nhỉ?” Dứt lời, cả nhóm lại cạn ly. Chừng 30 phút đẩy đưa bia bọt, thì H.V - một SV của làng đại học Thủ Đức vừa bỏ học cũng có mặt, uống liền 5 ly bia, trong đó 2 ly “chào bàn”, 3 ly “phạt tội đến chậm”.

Trên bàn nhậu, nhóm SV “bàn bạc” chuyện thi cử, rồi quay sang “chém gió”, dạy nhau cách “cưa đổ” gái chỉ trong 1 tuần… “Sát phạt” nhau đến lúc mỗi thành viên “hứng” trong người được gần 4 lít bia hơi, cả nhóm mới họp bàn chuyển sang tăng chơi mới, đó là lên làm “lai – sâu” (live show) ở quán N. (trên đường Y Wang), vì theo họ quán đó giá rẻ, hát hay, phục vụ lại chu đáo.

Hệ lụy sau bàn nhậu

Nhậu đã trở thành một vấn nạn đối với SV - đối tượng đang phụ thuộc kinh tế gia đình. Sau mỗi cuộc nhậu, N.V trở về nhà trong trạng thái lừ đừ Việc bỏ tiết, bỏ môn học là chuyện cơm bữa đối với anh chàng. Dù đang SV năm 3 nhưng N.V không nhớ được mình bị rớt bao nhiêu môn học. Thậm chí, đến ngày thi, “cây rượu quý” của nhóm lên phòng mà không biết hôm đó thi môn gì. Thấy cảnh đứa con ngoan, học giỏi ngày nào giờ nợ nần môn học, trốn môn liên tục, bố mẹ N.V không khỏi đắng lòng, cố khuyên con nhiều lần nhưng N.V vẫn “ngựa quen đường cũ”. Kỳ thi năm nay chưa kết thúc nhưng anh chàng đã biết chắc mình có thể rớt khoảng vài môn, trong đó có nhiều môn đăng ký học mà cậu ta không hề biết mặt người giảng dạy!

Tương tự như N.V, N.Q cũng vài lần bị chủ trọ đuổi khỏi phòng vì ham nhậu, làm ồn ào cả xóm trọ. Ngày trước, N.Q thường rủ “bạn đẹp” về phòng rồi tự thiết kế mồi nhậu cho đỡ tốn chi phí. Những cuộc ăn nhậu không xem ngày đếm tháng khiến N.Q luôn lâm vào cảnh túng thiếu. Chữa cháy cho những tháng ngày đói cơm, anh chàng cố hài hước: “Sinh viên mà, đầu tháng ăn cơm gà cuối tháng cơm mắm, cơm muối là chuyện thường”… Không biết, đó có còn là “chuyện thường” không khi quá nhiều lần, Q.V phải ôm bụng đói lên giảng đường.

“Rượu vào, lời ra” nhiều SV lao vào ẩu đả có khi chỉ từ những câu nói vu vơ. Ông chủ quán L.C (đường Nguyễn An Ninh) cho biết: Đã vài lần, nhóm SV nhậu say xảy ra xô xát ngay tại quán. Có lần cả nhóm N.Q đang ăn nhậu vui vẻ, một đứa trong nhóm buông lời chọc cô bạn ngồi bên. Thấy người yêu bị bạn nhậu “bắt nạt”, cậu ta đứng lên đòi ném chai bia vào mặt bạn mình. Rất may cả nhóm đã can thiệp kịp thời…

Chứng kiến không ít cuộc nhậu trở thành cuộc chiến của nhiều nhóm SV, anh Hùng Nguyễn (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) xót xa: “Là sinh viên, đôi khi cũng có vài lần nhậu nhẹt, nhưng phải biết điểm dừng. Nhiều bạn ăn chơi sa đà, bê tha, bỏ bê việc học hành, được bao nhiêu tiền bố mẹ ở quê gửi đều rót vào bàn nhậu. Không biết những SV này chạnh lòng nghĩ đến cảnh gia đình đang gồng lưng, nặng gánh bán từng mớ cà; cuốc thuê từng đám rẫy để các bạn được yên tâm việc đèn sách. Liệu đã có lúc nào các bạn nghĩ đến sự kỳ vọng của bố mẹ, niềm mong ước của gia đình khi gồng gánh mọi gian khổ để các bạn được đến trường học hành không?.

Song Quỳnh

    Nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ