A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Để người dân không phải đi “cửa sau”

14:44 | 19/12/2014

Đó là vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm "tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 18-12. Nhiều ý kiến cho rằng, người dân biết quyền, lợi ích của mình đến đâu, ...

... trách nhiệm của cơ quan công quyền như thế nào sẽ giảm bớt việc tiếp cận "cửa sau”, hạn chế được nhũng nhiễu, tham nhũng.

 
Tranh minh họa
 
Chính sách hợp lý dân sẽ tự nguyện thực hiện thay vì phải hối lộ 
 
Kết quả khảo sát cho thấy, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân ngày càng cao, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Dân sự, Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên  phương pháp tuyên truyền nếu không được lồng ghép linh động, sáng tạo, không thể có tác dụng thiết thực, hữu ích trong việc giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi, vi phạm pháp luật. 
 
Nhiều ý kiến cho rằng, một chính sách pháp luật tốt, hợp lý sẽ làm cho người dân tự nguyện thực hiện thay vì phải hối lộ cho cán bộ công quyền để trốn tránh trách nhiệm. Các trình tự, thủ tục hành chính, tư pháp công khai và minh bạch, dễ tiếp cận, sẽ làm cho người dân biết được quyền và lợi ích của mình đến đâu, trách nhiệm của cơ quan công quyền như thế nào và điều đó làm cho người dân giảm bớt việc tiếp cận "cửa sau”, hạn chế nhũng nhiễu, gây khó dễ cũng như khả năng tham nhũng của những người "khoác áo” công quyền nhưng vì quyền lợi của mình.
 
TS. Đặng Vũ Huân, Phó Tổng biên tập tạp chí Dân chủ và Pháp luật cho rằng, nếu văn bản pháp luật không phù hợp với thực tiễn, có thể dẫn tới những khó khăn trong quá trình thực thi làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật. Do vậy tiêu chí đánh giá phải trên cơ sở tính chủ động, tích cực của người dân tham gia góp ý kiến xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước, đấu tranh chống vi phạm pháp luật, cũng như tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo ông Huân, khi người dân được tạo điều kiện, chủ động tham gia góp ý vào đường lối, chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước chứng tỏ ý thức pháp luật trong nhân dân đã có chuyển biến tích cực. Bản thân người dân hiểu rõ sự chi phối của chính sách, pháp luật đến quyền lợi của mình. Từ đó, tích cực tham vấn giúp cho chính sách pháp luật đi vào cuộc sống một cách thuận lợi, dễ dàng hơn.
 
Không hiểu văn bản pháp luật thì thực hiện thế nào
 
Chính Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng thừa nhận rằng, hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn thấp, chưa khắc phục triệt để tình trạng hình thức. Một trong những nguyên nhân là do chưa có tiêu chí rõ ràng để có những giải pháp khắc phục hiệu quả, sát thực tế. Theo GS.TS Hoàng Thị Kim Quế (Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội), hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật xét trên từng mục đích cơ bản như nhận thức, thái độ, tình cảm, niềm tin pháp luật và hành vi hợp pháp luật. Có như vậy mới thực sự khách quan, toàn diện và công bằng đối với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
 
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để công khai, minh bạch các trình tự, thủ tục hành chính, tư pháp để người dân có thể dễ tiếp cận, biết được quyền và lợi ích của mình đến đâu, trách nhiệm của cơ quan công quyền như thế nào để cho người dân giảm bớt việc phải đi "cửa sau”. Trao đổi với ĐĐK, Luật gia Đặng Quang Thắng (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, về cơ sở pháp luật tất cả những quy định mang tính công khai, minh bạch đều là nền tảng cho chống tham nhũng. Đó là nguyên tắc xương sống, do vậy các cơ quan nhà nước đều phải thành lập trang web để người dân hỏi. Theo ông Thắng, mỗi cơ quan tư pháp như Tòa án, Viện Kiểm sát đều phải công khai các thủ tục hành chính lên trang web để người tra có thể biết, công khai đường dây nóng để người dân có thể phản ánh những khúc mắc. "Tiến tới ngay cả kê khai tài sản thu nhập khi người dân hỏi thì phải trả lời ngay chứ không phải úp mở”-ông Thắng cho hay.
 
Trong khi đó, theo ĐBQH Phạm Trường Dân (Quảng Nam), việc công khai minh bạch các quy định của Nhà nước liên quan trực tiếp đến người dân như thủ tục đất đai, nhà cửa, đăng ký, các hoạt động sản xuất kinh doanh, đấu thầu không chỉ để người dân hiểu mà còn chấp hành theo đúng quy định của pháp luật. Ông Dân cũng đặt vấn đề: "Cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân dễ thực hiện, bởi có quá nhiều thủ tục hành chính lòng vòng người dân đọc xong văn bản rồi nhưng không thể hiểu hết được. Cho nên làm sao đơn giản hóa thủ tục hành chính cộng với việc công khai, minh bạch để dân biết và thực hiện cho tốt hơn”.
 
H.Vũ

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ