A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người chinh phục con nước

08:52 | 05/01/2015

Gắn bó mấy chục năm trời trong ngành thủy lợi, thủy điện, kỹ sư Nguyễn Quyền (đường Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột) đã để lại những dấu ấn đậm nét với nhiều công trình thủy lợi, thủy điện đang phát huy hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh.

Bắt nước phục vụ con người

Quê ở Nghệ Tĩnh (cũ), kỹ sư Nguyễn Quyền là sinh viên ngành Thủy lợi, thủy điện, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 1958 – 1963. Cơ duyên đã cho chàng sinh viên nghèo hồi ấy có cơ hội được gặp Bác Hồ trong một lần Người đến thăm trường. Từ những lần gặp Bác, chàng sinh viên đã được nghe những lời dạy ân cần với cái nhìn sâu sắc về vai trò của thủy lợi: “Nếu có nước, kênh mương, điều hòa tốt sẽ đem lại đời sống ấm no cho nhân dân. Có đất lại có nước thì dân giàu nước mạnh. Nước có thể làm lợi, nhưng cũng có thể làm hại. Nhiều nước quá thì úng lụt, ít nước quá thì hạn hán. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất và nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống nhân dân”. Những lời dạy ấy đã gieo vào lòng chàng trai trẻ niềm vinh hạnh, đam mê với ngành thủy lợi.

Kỹ sư Nguyễn Quyền trong một lần đến thăm công trình  thủy lợi Krông Buk hạ.

Kỹ sư Nguyễn Quyền trong một lần đến thăm công trình thủy lợi Krông Buk hạ.

Sau ngày đất nước thống nhất, kỹ sư Nguyễn Quyền vào Dak Lak và công tác tại Công ty khảo sát, thiết kế thủy lợi, thủy điện (thuộc Sở Thủy lợi Dak Lak cũ). Thời kỳ này, địa phương tập trung khai hoang, cải tạo đồng ruộng đẩy mạnh trồng lúa; bởi vậy, nhiệm vụ cấp nước càng trở nên cấp thiết. Hàng loạt công trình thủy lợi liên tục được xây dựng ở các huyện mà phần nhiều trong đó do ông Quyền trực tiếp thiết kế và chỉ đạo thi công như: đập Krông Buk Hạ, Ea Súp, Ea Kao, Ea Tiêu, Buôn Triết… Bên cạnh đó, ông còn được điều động sang tỉnh Mondulkiri (Campuchia) giúp nước bạn xây dựng 2 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhớ lại một thời mở đất gian khó, người kỹ sư kể, hồi đó, Dak Lak còn nghèo, máy móc phương tiện hạn chế nên thi công các công trình hồ, đập đều phải làm thủ công, những công trình lớn phải huy động hàng nghìn người đào đất, đắp đập, thậm chí có đoạn kênh dẫn nước dài 20 km cũng phải làm bằng tay. Không những thế, ăn ở tại công trường quanh năm suốt tháng, ông đã gặp nhiều hiểm nguy, thậm chí chạm tới lằn ranh của sự sống chết trước nguy cơ bị tấn công của thú dữ và những thế lực phản động Pônpôt, Fulro. Lật những tấm ảnh cũ đã sờn vì thời gian ghi lại cảnh người dân dầm mình dưới con nước hì hục đào, khuân từng khối đất, ông càng trân trọng những gì thế hệ của mình đã làm được, đặc biệt những công trình ấy đã đưa nước về ruộng cho đồng bào trồng lúa, điều tiết nước tưới cho hàng vạn ha lúa ở Dak Lak góp phần đưa địa phương gia nhập câu lạc bộ 1 triệu tấn lương thực/năm.

Người đầu tiên làm thủy điện tư nhân

Bước sang đầu những năm 1980, vấn để thủy lợi đã tạm ổn, những cánh đồng lúa đã hình thành khắp toàn tỉnh như Ea Lê (huyện Ea Súp), Buôn Triết (huyện Lak), Buôn Trấp (huyện Krông Ana)… nhưng lưới điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt còn hạn chế, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Từ đó, kỹ sư Nguyễn Quyền bắt tay vào việc thiết kế, thi công các trạm thủy điện nhỏ ở các vùng. Những trạm phát điện 100 – 200 KW được ông thiết kế cho các nông, lâm trường, trại giam ở Lak, Ea H’leo, Tuy Đức và nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Nam.

Không chỉ thiết kế, thi công các công trình thủy lợi, thủy điện, kỹ sư Nguyễn Quyền còn là người đầu tiên bỏ tiền xây dựng nhà máy thủy điện nhỏ ở Việt Nam với phương châm an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường, đó là thủy điện Krông Hin tại xã Ea M’đoan, huyện M’Drak. Từ cuối năm 2003, một mình ông lặn lội trèo đèo, lội suối nghiên cứu đặc điểm địa hình, lượng nước để chọn vị trí đặt tua-bin và xây dựng dự án, thiết kế hợp lý nhất. Sau nhiều lần thay đổi, bổ sung thiết kế để có phương án vừa ý, ông và anh em công nhân bắt tay vào xây dựng công trình đã ấp ủ bao lâu nay. Để tiết kiệm chi phí, ông Quyền tự mua thép về sản xuất ống xi phông để lắp ráp theo từng đoạn thay vì xuống TP. Hồ Chí Minh mua ống làm sẵn. Vất vả suốt 3 năm trời, đến tháng 7 – 2006, nhà máy thủy điện Krông Hin nằm trên thượng nguồn suối Krông Hin với tổng mức đầu tư hơn 102 tỷ đồng chính thức phát điện. Công trình  gồm 2 tổ máy, công suất 5 MW, đường ống xi-phông dẫn nước, kênh dẫn nước và đường ống áp lực dài hơn 5000m. Nhớ lại những ngày làm nhà máy này, ông Quyền chia sẻ: “Hồi đó, trên cả nước chưa có ai bỏ tiền làm thủy điện, nên nhiều người cho rằng tôi là người liều lĩnh. Khó khăn lớn nhất không phải là bệnh sốt rét, thú dữ nơi rừng sâu mà là làm thế nào giảm được chi phí đầu tư và giảm được những tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, việc khảo sát, thiết kế và xây dựng công trình được tính toán rất kỹ càng”. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm Thủy điện Krông Hin hòa vào lưới điện quốc gia gần 30 triệu kWh. Không những làm ăn có lãi, công trình này cũng rất thân thiện với môi trường. Cụ thể, từ khi đi vào vận hành đến nay, thủy điện Krông Hin đã thực hiện trồng hơn 32 ha rừng, bên cạnh đó, nhờ nguồn nước của nhà máy, hàng trăm ha cây trồng của người dân xã Ea M’đoan và Cư Króa được cung cấp nước tưới.

Minh Thông

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ