A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

“Đổi tiền lẻ” tung hoành

14:32 | 29/01/2015

Gần Tết và cũng là lại gần một mùa lễ hội mới, nhưng nỗi lo cũ vẫn ngổn ngang. Trong đó có câu chuyện đổi tiền lẻ với tỉ giá "trên giời”, ...

... bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản siết hoạt động đổi tiền lẻ, với mức phạt hành chính cao nhất lên tới 40 triệu đồng. 

 
Dịch vụ đổi tiền lẻ: Có cung ắt có cầu 
 
Những đồng tiền lẻ mệnh giá nhỏ, nhưng được rải khắp ở các lễ hội, cộng lại sẽ là số tiền khổng lồ. Từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý và chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền Việt Nam có mệnh giá nhỏ trên địa bàn, đặc biệt là tại các công trình tín ngưỡng, lễ hội. NHNN cũng cho hay, sau khi khảo sát ở ba tỉnh, thành phố có nhiều đền chùa là: Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh vào năm 2013, có một thực tế là khi không đưa tiền 500 đồng vào lưu thông đã tiết kiệm được khoảng 94 tỉ đồng (chi phí in ấn, chi phí vận chuyển, bốc vác, bảo quản, kiểm đếm trong quá trình lưu thông); năm 2014, NHNN không in mới tiền mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng đã tiết kiệm được 314 tỉ đồng và nếu cộng dồn với việc không in ấn và lưu thông tiền lẻ mệnh giá 500 đồng thì năm 2014 đã tiết kiệm được hơn 400 tỉ đồng.  
 
Như vậy, trong vòng 2 năm qua, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích, lễ hội bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, hiện tượng đặt tiền lễ tại các ban thờ, ném tiền, thả tiền... đã giảm so với các năm trước; hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch phần nào đã được chấn chỉnh. Và theo như tính toán của NHNN, năm 2015 nếu không in và đưa thêm tiền mệnh giá 5.000 đồng mới vào lưu thông thì sẽ tiết kiệm được khoảng 171 tỉ đồng, nếu cộng dồn cả 3 mệnh giá và sau 3 năm thực hiện thì NHNN đã tiết kiệm được số tiền rất lớn... Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, số tiền tiết kiệm này sẽ được sử dụng vào nhiều mục tiêu khác có ý nghĩa hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
 
Những mặt được của việc không in ấn thêm và lưu thông tiền lẻ đã được nhìn thấy rõ. Nhưng nghịch lý đổi tiền lẻ vẫn đang tồn tại ở hầu hết các di tích tâm linh, kể cả những điểm... đổi tiền tại các thành phố. NHNN không in thêm tiền lẻ, vậy thì tiền lẻ ở đâu ra? Tại sao người ta vẫn bất chấp những qui định của Nhà nước để đổi tiền? 
 
Ghi nhận tại Thủ đô Hà Nội, ở một số địa điểm như phố Chùa Hà, Phủ Tây Hồ, chùa Bà Đá, chùa Hương… dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn hoạt động rất nhộn nhịp. Do nắm được thông tin NHNN không in tiền lẻ dịp Tết nên các chủ quầy đổi tiền vin lý do khan tiền, mặc sức đẩy giá chênh lệch các loại tiền mệnh giá thấp lên cao chót vót….Tỉ lệ ăn chênh lệch rất cao, với tiền mệnh giá 200 đồng là 50% (100.000 đồng chỉ đổi được 50.000 đồng); tiền mệnh giá 500 đồng có mức phí chênh lệch 40%; tiền mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng phí chênh lệch ở mức 20-30%.
 
Cả nhà quản lý và những đại lý đổi tiền lẻ đều lý giải rằng, tiền lẻ đang có hiện là tiền lẻ được in từ những năm cũ, chứ không phải được in mới. Biết là có qui định cấm, nhưng chính các đại lý đổi tiền lẻ cũng cho hay, từ trước tới nay, mới chỉ thấy nói mà chưa thấy ai bị xử phạt do kinh doanh tiền lẻ. Có chăng bị nhắc nhở. Một món hàng kinh doanh "một vốn mấy chục lời” mà chỉ bị xử phạt vài chục triệu, thì cũng không bõ bèn gì so với lợi nhuận khủng thu về sau mỗi mùa đổi tiền. Theo bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL), hai năm qua  dù có nhiều chuyển biến song việc quản lý sử dụng, lưu thông tiền lẻ vẫn còn không ít gian nan, âu cũng bởi sự thái quá trong niềm tin tín ngưỡng của nhân dân, tìm mọi cách để cầu lộc, cầu tài. Còn theo Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Phạm Xuân Phúc, việc "bắt tại trận” cũng rất khó, khi lực lượng thanh tra đến thì những người kinh doanh tiền lẻ thường giải tán rất êm.Và khi lực lượng thanh tra đi khỏi thì họ lại xuất hiện, đổi chác như thường. 
 
Như vậy, mùa lễ hội 2015 cũng chưa có cơ sở để khẳng định tình trạng này không sẽ không tái diễn. 
 
Thực sự thì câu chuyện tiền lẻ, biến tướng lễ hội chỉ hình thành và phát triển vào những năm gần đây và đang ngày càng biến tướng rất dữ.  Từ việc tiền lẻ găm vào tay tượng đến nhét vào các gốc cây, kẽ đá ở nơi thờ tự, di tích tâm linh; rồi tiền lẻ bay tứ tán dọc đường theo các xe đám hiếu, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng đó là việc không hề nhỏ. Bởi ở đó, cái sự thật giả đang lẫn lộn: đốt vàng mã, đốt tiền đô la của ngân hàng địa phủ, nhưng lại kèm theo cả tiền thật của Ngân hàng Nhà nước. Đó là điều thật khó chấp nhận.
 
Hương Lê 

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ