A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hàng Việt, Tết Việt và… xa hơn

14:37 | 12/02/2015

Mới đây 522 doanh nghiệp Việt đã vinh dự nhận chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Lễ trao tặng diễn ra ngay trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã như một cánh én báo tin xuân đối với các DN Việt.

Một năm mới hy vọng ngập tràn những tin tức mới và đáng nhớ của hàng Việt. Và, trong những ngày này khi Tết đã cận kề lắm rồi, người tiêu dùng Việt ra chợ, đi siêu thị luôn thường trực trong đầu ý nghĩ: Làm sao chọn được hàng chất lượng, giá lại phải chăng thì càng tốt. Mong ước ấy của người tiêu dùng có gì là không đúng, khi với số tiền thưởng Tết chưa hơn được năm trước mà những mối lo về chi tiêu ngày Tết lại nhiều.
 
Hàng Việt vẫn là sự lựa chọn số 1
 của những người tiêu dùng có thu nhập bậc trung
 
Tết này, hàng Việt lại có dịp lên ngôi vì người tiêu dùng đã dần chuộng đồ nội hơn là sính ngoại. Tết năm nay, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh đã kịp thời tung ra thị trường các giỏ hàng Tết đậm hương sắc Việt từ bao bì, mẫu mã đến "nội dung” bên trong và xem ra… hàng Việt vẫn là sự lựa chọn số 1 của những người tiêu dùng có thu nhập bậc trung. Vấn đề còn lại mà kể cả nhà quản lý khuyến cáo và người tiêu dùng băn khoăn đó là: Làm sao tiền ít mà vẫn mua được hàng có chất lượng. Bởi, theo ông Phạm Hữu Cát, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng hàng hoá miền Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ thì, Tết là thời điểm mà nhiều mặt hàng kém chất lượng, hàng hết đát thường tìm cách len lỏi lên các kệ hàng, "đánh” vào tâm lý muốn mua sắm nhanh của người tiêu dùng. Trong cái biển hàng hoá ấy, hàng Việt muốn chen chân ra thị trường, đương nhiên sẽ phải giữ chữ tín làm đầu. Mà, giờ cũng qua rồi, cái thời "trăm người bán, vạn người mua” . Và chinh phục thị trường hàng Tết có lẽ sẽ phải là bước đi trong chiến lược "sâu rễ, bền gốc” nơi "sân nhà” để tìm đường vươn ra biển lớn, nhất là trong bối cảnh, cuối năm 2015 chúng ta sẽ bước vào  một thị trường chung ASEAN với một Cộng đồng kinh tế chung. 
 
Năm 2014, về cơ bản, chúng ta đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan và gần như kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với cộng đồng chung Châu Âu, đang hướng đến đích là TPP.  Cơ hội lớn, thách thức rồi cũng sẽ nhiều; nhưng không ra biển, không chủ động bước vào các sân chơi lớn với các đối tác mạnh thì DN và nền kinh tế sẽ khó mà lớn mạnh. 
 
Vì thế, chinh phục thị trường 600 triệu dân giờ không thể chỉ là mơ ước mà còn phải trở thành một quyết tâm- quyết tâm thực hiện bằng được để DN Việt chẳng "thua chị, kém em” mà còn để DN góp phần hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội và muốn thế buộc phải đứng vững trong sóng to gió lớn của thương trường. Bên cạnh việc loại bỏ tư tưởng làm ăn chụp giựt thì còn nhiều điều để DN Việt phải nỗ lực hơn nữa. 
 
Và, chí ít, trong cuộc "chạy đua” vào thị trường chung ASEAN, giờ DN đã có sự cam kết hậu thuẫn từ Chính phủ mà đại diện là Bộ Khoa học và Công nghệ. "DN Việt Nam không có đổi mới sáng tạo, không có sản phẩm có sức cạnh tranh, chắc chắn khó có thể đứng trong thị trường rộng lớn này. Vì vậy, Chính phủ đặc biệt coi trọng việc đổi mới sáng tạo trong các DN và Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao nhiệm vụ này” - Bộ trưởng Nguyễn Quân đã nói với các DN như thế trong một buổi giao lưu cách đây ít hôm tại TP.Hồ Chí Minh. Ngài Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, DN hưởng ứng chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ do ông quản lý để đổi mới sáng tạo của DN. 
 
Đổi mới sáng tạo- bốn chữ ấy nếu ở vào thời bao cấp nghe có vẻ xa lạ nhưng ở vào thời hội nhập thì lại là cẩm nang để DN phát triển và phát triển bền vững. Tại sao lại không, khi mà xã hội và người dân Việt đã chuyển dần từ việc cốt sao chỉ được ăn no mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp của ngày hôm nay.  Còn, với thị trường 600 triệu dân, trong đó có phần đông quốc gia đã cắm rễ sâu trong nền kinh tế thị trường thì rõ ràng, tiêu chí đẹp - rẻ - bền đã ăn vào tiềm thức của người tiêu dùng. Vậy là, đã thừa đủ lý do để DN Việt đổi mới sáng tạo mà cạnh tranh hoặc chuẩn bị cạnh tranh. Nói đổi mới sáng tạo đối với DN Việt cũng không phải không có lý, bởi, nhiều năm nay, tiền đầu tư cho khoa học - công nghệ đối với DNNN thì chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp. Còn theo Luật Khoa học - Công nghệ năm 2013, các DNNN bắt buộc phải thành lập Quỹ phát triển khoa học - công nghệ với mức đầu tư tối thiểu là 3%, tối đa là 10% với mục tiêu có một nguồn đầu tư đủ lớn để đổi mới công nghệ trong chính DN của mình; từ đó mới mong đổi mới sáng tạo thành công. 
 
Sự bắt buộc trích lập Quỹ phát triển khoa học - công nghệ cũng cho thấy một thực tế, hoặc là chưa đủ tự giác, hoặc là DN còn mải chạy theo lợi nhuận mà quên đi khâu đổi mới sáng tạo- yếu tố sống còn để phát triển bền vững. Đó là nói các DNNN chứ còn, với DN tư nhân, mọi chuyện chắc sẽ còn khó khăn hơn nhiều khi phải tự trang trải toàn bộ các chi phí và hạn chế được tiếp cận các hỗ trợ từ Nhà nước. Nhưng, không đổi mới sáng tạo làm sao hướng đến chinh phục thị trường 600 triệu dân? Và, chẳng lẽ DN Việt lại chịu thua trong cuộc chơi này!?
 
Hoàng Mai

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ