A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chàng thanh niên đam mê sáng tạo

08:40 | 10/03/2015

Nhận thấy việc bóc vỏ sắn bằng tay thường chậm, vừa tốn công lại tốn sức, chàng thanh niên trẻ Mai Văn Quân (thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) ...

... luôn nung nấu ý định sẽ chế tạo cỗ máy bóc vỏ sắn để giải phóng sức lao động. Sau một thời gian mày mò, nghiên cứu, Quân đã cho ra lò chiếc máy bóc vỏ sắn với hiệu suất gấp 10 người làm.

Đến nhà Quân vào buổi trưa nắng, chúng tôi gặp một nhóm người đang tụ tập ngay tại gara sửa chữa xe máy, cơ khí của anh để đặt hàng. Ông Ngô Văn Dinh (thôn Noh Prông) hì hục vác chiếc máy bóc vỏ sắn mà ông vừa đặt hàng Quân để cột lên xe chở về nhà. Chiếc máy này có cấu tạo gồm một chiếc lồng sắt với đường kính 70cm, chiều dài 1,2m. Tâm chiếc lồng sắt được gắn vào một trục quay có giá đỡ, hai bên trục có gắn 2 tay quay. Chiếc máy hoạt động theo phương thức khi người dùng tay quay sẽ làm chiếc lồng sắt quay tròn, kéo theo những củ sắn bên trong lồng di chuyển, va chạm vào thành lồng làm vỏ ngoài bị bong tróc. “Nhà tôi trồng 1 ha sắn. Hồi chưa có máy, cứ đến mùa thu hoạch thì cả gia đình phải hì hục ngày đêm để bóc vỏ sắn rồi mới bán cho thương lái. Do làm bằng tay nên hiệu suất rất chậm, lại đau lưng. Mấy năm qua, thấy Quân chế tạo thành công máy bóc vỏ sắn cũng muốn mua một cái về sử dụng nhưng vì không có tiền nên tôi chỉ mượn của người dân trong thôn để “dùng ké”.

Năm nay, để chủ động hơn trong công việc, sau khi bán lứa heo con, hai vợ chồng tôi quyết định mua chiếc máy với giá 2,5 triệu đồng, ông Dinh khoe. Mùa này Quân đã cho ra lò gần 30 chiếc máy bóc vỏ sắn thủ công tương tự theo “đơn đặt hàng” của nông dân trên địa bàn. Theo Quân, chiếc máy bóc vỏ sắn thủ công này có điểm hạn chế là khi sử dụng phải có người tác động vào tay quay để lồng sắt quay. Để khắc phục, anh đã cải tiến bằng cách thiết kế thêm một động cơ, tất cả được gắn trên chiếc xe độ chế giúp dễ dàng di chuyển trên đường. Máy bóc vỏ sắn bằng động cơ hoạt động theo phương thức khi động cơ nổ làm các bánh răng quay, kéo trục lồng sắt quay tròn. Theo tính toán của Quân, mỗi lít xăng quay được 4 lồng, mỗi lồng chứa khoảng hơn 1 tạ sắn. Máy có hiệu suất gấp 15 người làm liên tục. “Chiếc máy này có giá 10 triệu đồng, mình chỉ chế tạo 1 chiếc, khi rảnh đưa đi bóc vỏ sắn thuê cho người dân, mỗi mùa thu nhập thêm một khoản kha khá”, Quân kể.

Anh Mai Văn Quân bên chiếc máy bóc vỏ sắn bằng động cơ.

 Anh Mai Văn Quân bên chiếc máy bóc vỏ sắn bằng động cơ.

Lý do khiến Quân quyết tâm chế tạo máy bóc vỏ sắn xuất phát từ cảnh gia đình “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trong lao động, sản xuất. Chuyện bắt đầu từ khoảng 5 năm về trước, Quân lập gia đình, 2 vợ chồng trồng mấy sào sắn mưu sinh. Do thương lái chỉ mua sắn đã bóc vỏ nên cứ đến mùa, vợ chồng anh mất ăn mất ngủ thức trắng đêm để cạo vỏ sắn. Có bữa bóc xong thì thương lái đã rời khỏi địa phương nên không bán được hàng. Nhiều đêm liền, Quân không chợp mắt, tự nhủ với mình phải chế tạo cho được cỗ máy bóc vỏ sắn để giải phóng sức lao động. “Có lần thu hoạch, vợ chồng mình cột sắn trong bao rồi chất trên đồi để mang xe chở về nhà. Hàng chục bao sắn bị gió cuốn đẩy lăn nhào từ trên đồi xuống đất. Mở bao ra xem thấy củ sắn bên trong bị tróc vỏ ra, mình nghĩ sắn tự bóc vỏ do có sự tương tác với thành bao, từ đó nảy sinh ý tưởng sẽ chế tạo chiếc máy bóc vỏ sắn dựa trên nguyên lý sự tương tác giữa vật thể (củ sắn) và vật chứa (bao tải) ”, Quân kể. “Vật chứa” mà Quân định chế tạo là chiếc lồng sắt. Để thực hiện, Quân gom hết tiền bạc trong nhà và vay mượn thêm để mua sắt, máy hàn về chế tạo. Kết quả, Quân sáng chế  thành công máy bóc vỏ sắn thủ công, sau đó nâng cấp thành chiếc máy bóc vỏ sắn bằng động cơ như bây giờ.

Vân Anh

 

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ