A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Có nên viết mới hoàn toàn?

09:35 | 21/11/2014

Đó là vấn đề mà nhiều ĐBQH băn khoăn khi Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 20-11 về Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Dẫu đồng tình về việc đổi mới chương trình, SGK song nhiều ĐB đề nghị SGK phải có tính kế thừa, chọn lọc tinh hoa của dân tộc Việt Nam chứ không thể viết mới hoàn toàn. Việc kế thừa cũng giúp tiết kiệm làm giảm kinh phí thực hiện Đề án.
 
 
Không có lợi ích nhóm
 
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải trình về đề xuất giao cho Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ sách, nhưng đồng thời khuyến khích các tổ chức và cá nhân biên soạn SGK khác. Ông Luận cho rằng, việc biên soạn chương trình và SGK là khó khăn, tỉ mỉ. Rồi chính ông đưa ra 3 lý do: Thứ nhất thực tiễn của các lần làm sách trước đây cho thấy lực lượng tham gia biên soạn chương trình và SGK không nhiều do yêu cầu rất cao về mặt khoa học. Thứ hai, thời gian tập trung cho việc viết sách rất dài, nhiều người cũng không có điều kiện tham gia. Thứ ba đãi ngộ cho người viết SGK và chương trình cũng chưa thoả đáng.
 
Theo ông Luận dự báo, lực lượng làm SGK lần này còn ít hơn các lần trước, vì lần này làm sách theo cách mới, theo cách tiếp cận phát triển năng lực chứ không chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh như những lần trước. "Chúng tôi dự báo 2 khả năng có thể xảy ra. Khả năng thứ nhất là với cơ chế xã hội hoá, sẽ giải phóng được sức sản xuất của xã hội. Nhiều nhóm, tập thể sẽ biên soạn. Sách biên soạn ra sẽ tốt, đa dạng, giúp cơ sở giáo dục lựa chọn được sách phù hợp nhất để sử dụng. Khả năng thứ hai, chưa có nhiều người sẵn sàng tham gia viết sách, sách viết ra không đáp ứng yêu cầu, không kịp thời gian và có thể có những mảng sách không ai viết cả. Chúng tôi rất mong khả năng thứ nhất xảy ra, nhưng kinh nghiệm lịch sử của những lần làm sách vừa rồi cảnh báo khả năng thứ hai cũng có thể xảy ra”-ông Luận cho biết.
 
Từ phân tích trên, ông Luận cho rằng, phương án Chính phủ đề xuất giao Bộ GD-ĐT chủ động biên soạn 1 bộ sách, đồng thời khuyến khích các tổ chức cá nhân biên soạn các bộ sách khác là để Chính phủ chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra. Ở đây không có lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm bởi phương án xã hội hoá SGK chính là do Bộ GD-ĐT đề xuất, Chính phủ thảo luận quyết định và trình Quốc hội”.
 
Trước lo ngại về việc Bộ GD-ĐT viết 1 bộ sách, sau đó thẩm định liệu có dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ông Luận cho biết: Việc tổ chức biên soạn chương trình, viết SGK là do các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia tham gia. Còn Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện lựa chọn nhân sự. Việc thẩm định sách do một Hội đồng Thẩm định bao gồm các nhà giáo, chuyên gia am hiểu lĩnh vực này nhưng không tham gia vào việc viết sách. "Đây là Hội đồng độc lập, không phải  hội đồng gồm đội ngũ cán bộ của Bộ để thẩm định bộ SGK do Bộ viết ra. Hội đồng hoạt động theo quy chế riêng, đảm bảo tính khách quan và độc lập. Bộ GD-ĐT căn cứ vào quyết định của Hội đồng quốc gia này để cho phép lưu hành những bộ SGK đạt tiêu chuẩn, yêu cầu”-ông Luận giải trình.
 
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận 
giải trình về đề xuất giao cho Bộ biên soạn 1 bộ sách
Ảnh: Hoàng Long
 
Sách phải có tính kế thừa
 
Theo ông Luận, số tiền Bộ báo cáo Quốc hội là số kinh phí để viết một bộ sách giáo khoa chứ không phải kinh phí cấp cho Bộ GD-ĐT để biên soạn sách. Song điều mà chính các ĐBQH băn khoăn chính là việc nội dung của chương trình, SGK. Bởi sách phải có tính kế thừa, chọn lọc những cái hay. Như vậy không chỉ chắt lọc tiếp thu tinh hoa của dân tộc mà còn tiết kiệm được kinh phí. Thẳng thắn chỉ ra "sau 3 lần hô hào đổi mới nhưng giờ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, thiên về kiến thức mà chưa có tư duy sáng tạo, chưa cân đối giữa dạy chữ-dạy người”, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, chương trình phải liên tục, liên thông từ tiểu học, phổ thông cho đến đại học, đặc biệt phải có tính khả thi với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn. Theo bà Thủy, khi đổi mới không nên đổi mới toàn bộ SGK, bởi vừa tốn kém vừa ảnh hưởng đến chất lượng. Do đó cần chọn lọc kế thừa giữ lại những nội dung tốt đẹp mang truyền thống lịch sử của dân tộc. 
 
Đồng quan điểm, ĐB Chu Lê Chinh (Lai Châu) cho rằng SGK phải đảm bảo dạy chữ gắn với dạy người, chương trình liên thông giữa các cấp học. Nhưng quan trọng phải có tính kế thừa, đây là tư tưởng cốt lõi xuyên suốt của hệ thống giáo dục Việt Nam để từ đó vận dụng sáng tạo trong thực tiễn. Còn ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) thì cho rằng, trong quá trình lựa chọn người viết SGK phải huy động những người có kinh nghiệm. Trước đó khi xây dựng chương trình, Bộ GD-ĐT nên công khai, xin ý kiến và tiếp thu những ý kiến phản biện của các nhà giáo dục ngay từ lúc xây dựng chương trình. "Sau khi chương trình đã "chuẩn” thì từ đó xây dựng SGK mới sát thực tế, mang tính đồng thuận cao để không gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Đồng thời, Hội đồng Thẩm định SGK cần đảm bảo tính độc lập, khách quan, minh bạch”-bà Hạnh cho hay.
 
Việt Thắng

 

    nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ