Ghé lại hóng chuyện thì được biết hôm đó là ngày diễn ra lễ Dâng y Kathyna của bà con phật tử tại đây.
Đang loanh quanh ngắm nghía, tôi thấy một người đàn ông đang ngồi bên bếp than hồng. Quanh bếp than là những ống tre được xếp ngay ngắn. "Đây là gì vậy chú? Có phải là cơm lam không?" - tôi hỏi. "Đúng rồi cô, tôi đang làm cho mấy đứa con về ăn" - ông Sa Vươn (67 tuổi) cười tươi trả lời.
Ông Sa Vươn có 12 người con. Hầu hết đều có gia đình và ra riêng. Vào dịp lễ, Tết, các con ông tề tựu về đây. Từ chiều hôm trước, ông và vợ đã lo chuẩn bị các thứ nguyên liệu để làm món cơm lam, chờ các con về ăn cho vui.
Gọi là cơm nhưng nguyên liệu chế biến cơm lam không phải từ gạo tẻ, mà là gạo nếp và dụng cụ làm món này dĩ nhiên phải là ống tre. Tre đầy sau vườn, mỗi khi làm món này ông Sa Vươn lại chặt một cây, cưa thành từng lóng. Mỗi lóng tre sẽ giữ lại một đầu mắt, đầu còn lại để cho gạo nếp vào.
Phần gạo nếp sau khi vo sạch, ngâm qua đêm, hôm sau sẽ cho thêm đậu đen (đã ngâm), ít dừa rám, xíu muối, trộn đều rồi dồn vào ống tre. "Đừng cho nếp vào quá đầy, phải chừa chừng một ngón tay để cho nước vào như mình nấu cơm, rồi dùng lá chuối khô làm nút, đóng lại" - ông Sa Vươn hướng dẫn.
Do có nước nên khi nướng, ống tre phải để đứng, phần miệng hướng lên trên. Các ống tre tựa bên thân cây chuối được đặt kề bếp than. "Cây chuối có nước, sẽ không bị cháy khi lửa lớn" - ông Sa Vươn giải thích.
Ông Sa Vươn nướng cơm lam chờ con cháu về ăn trong ngày lễ Dâng y Kathyna
Các ống tre liên tục được trở đều bên bếp lửa. Lúc đầu lửa, khoảng 2 tiếng đồng hồ là gạo nếp bên trong đã chín.
Để ăn, trước hết phải bỏ phần vỏ tre bên ngoài như róc mía. Những ống tre lúc đầu đen kịt, ám khói giờ trở nên nõn nà, trắng bóc. Nếu muốn ăn nóng ngay, ta tiếp tục lột bỏ phần ruột tre này.
Từ phần miệng ống tre, ông Sa Vươn dùng tay tước nhẹ phần ruột tre xuống. "Cô phải giữ lại lớp lụa mỏng của ruột tre bám vô cơm như vầy nè. Vậy ăn mới ngon" - ông Sa Vươn vừa tước xong, ngắt một khúc cơm đưa cho tôi. Phần lụa tre mờ đục bám quanh những hạt cơm nếp xen với đậu đen và dừa. Tôi thử đưa lên miệng. Ui chao, mùi thơm lạ lẫm quá. Thì ra đó là hương thơm được hòa quyện của tre, của nếp và ngầy ngậy béo của dừa rám. Cắn thử một miếng, tôi càng bất ngờ. Cơm lam ấm nóng, không quá dẻo như cơm nếp, cũng không rời rạc như cơm trắng, ngon từng hạt. Nhưng thích nhất vẫn là khi cắn lớp lụa bao quanh nếp, cảm giác giòn giòn, sựt sựt rất thú vị.
Sau khi được thết đãi no nê, tôi ra về còn được ông Sa Vươn gửi theo ống cơm "mang về để mọi người ăn cho biết", thương quý làm sao!
Bài và ảnh: Ngọc Diêu
Bài viết gốc: https://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/com-lam-ka-ot-20201029204235556.htm
BÌNH LUẬN