Theo bà Nguyễn Thị Thùy Anh, Trưởng văn phòng đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh (chi nhánh Đắk Lắk), nhà phân phối thiết bị tưới của Hãng Netafim (Israel) tại Việt Nam, cho biết: từ năm 2015 đến nay, công ty mới triển khai khoảng 80 ha cà phê ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại Đắk Lắk, riêng địa bàn TP.Buôn Ma Thuột triển khai được 8 ha/12.246,68 ha cà phê (hầu hết kinh phí từ người dân và một ít hỗ trợ từ doanh nghiệp). Đây là con số quá khiêm tốn về một “mắt xích” trong chuỗi ứng dụng công nghệ cao vào phát triển cây chủ lực tại địa phương, mặc dù hiệu quả của mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cà phê đã được các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và thực tế mô hình đánh giá tích cực. Lợi ích thiết thực của hệ thống tưới nhỏ giọt là nhu cầu về nước thấp (giảm được 40% lượng nước tưới/ha) phù hợp điều kiện thường thiếu nước của mùa khô Tây Nguyên; hệ thống có thể vận hành thường xuyên; giảm sự rửa trôi hóa chất vào môi trường; hạn chế sự xói mòn đất; làm độ ẩm đất đồng đều và luôn đạt ở mức tối ưu cho cây trồng; làm cho vùng rễ tơi xốp, tăng khả năng hô hấp của rễ nên tăng hiệu quả hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây, phát triển mạnh khối lượng rễ tích cực; giảm đến 50% chi phí đầu tư công lao động như: bón phân, tưới nước theo truyền thống, phun thuốc bảo vệ thực vật, làm cỏ… mà lại tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê.
Người sản xuất vẫn chưa tiếp cận với công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cà phê vì nhiều nguyên nhân như: công tác tuyên truyền, phổ biến chưa được quan tâm đúng mức, người sản xuất chưa thấy hết hiệu quả của công nghệ; giá đầu tư một lần hệ thống công nghệ tưới nhỏ giọt còn cao trong khi giá trị sản phẩm cà phê chưa được gia tăng; nông dân còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ trong đầu tư phát triển nông nghiệp; Nhà nước chưa đầu tư xây dựng các mô hình để làm cơ sở nhân rộng trong nhân dân… |
Công nghệ tưới nhỏ giọt Israel ngày càng được cải tiến phù hợp hơn với thực tế sản xuất và nhu cầu sinh trưởng phát triển của cây cà phê. Cụ thể, hiện công nghệ được thiết kế gồm: hệ thống lỗ tưới được bố trí cách nhau 50 cm (mỗi gốc bố trí 12 lỗ tưới, phân bố đều dọc 2 bên gốc), lượng nước nhỏ giọt 1,6 lít/giờ/1 đầu ra, tương đương mỗi giờ một gốc cà phê sẽ được cung cấp 19,2 lít nước, lượng nước và dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ và đồng đều cho tất cả các cây cà phê trong khu vườn (giảm tối đa lượng nước thất thoát khi cây chưa kịp hấp thu). Hệ thống nhỏ giọt này cũng giúp quản lý nước tưới và dinh dưỡng cho cây cà phê một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là điều tiết nước phù hợp sinh lý nở hoa cà phê. Lượng dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu sinh lý cho cây cà phê qua từng thời kỳ đã được các nhà khoa học tính toán khi kết hợp bón phân qua nước cho cây, vì thế hạn chế tối đa sự thất thoát phân bón (so với cách bón phân truyền thống), đặc biệt là cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu của cà phê. Hiện nay, tổng chi phí đầu tư cho 1 ha tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước theo công nghệ Israel chưa đến 50 triệu đồng (một vài thiết bị có thể thay thế bằng hàng Việt Nam chất lượng cao); thời hạn sử dụng tối thiểu là 10 năm.
Thiết nghĩ, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ bước đầu để làm cơ sở cho nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước trên cà phê tại Đắk Lắk. Trong đó, quan tâm hơn về cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân hộ gia đình sản xuất cà phê tiếp cận chính sách tín dụng hỗ trợ trong nông nghiệp; phổ biến, xây dựng chương trình phối hợp với các phương tiện truyền thông tuyên truyền về hiệu quả của mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cà phê mang lại hiệu quả cao.
Cẩm Lai
BÌNH LUẬN