A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xét tuyển chung: Thay đổi chóng mặt!

08:13 | 10/05/2016

Các nhóm trường đang trong quá trình thực hiện xét tuyển riêng theo quy chế tuyển sinh 2016 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo bất ngờ công bố bỏ xét tuyển theo nhóm trường để xét tuyển chung theo phần mềm của bộ

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho hay việc các trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển dựa trên phần mềm xét tuyển chung là giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác tuyển sinh tốt hơn, hoàn toàn không vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.

Bộ không độc quyền khai thác dữ liệu!?

Ông Trinh nói thêm là việc bộ hỗ trợ các trường thực hiện xét tuyển chung sẽ hiệu quả hơn việc các trường hay nhóm trường xét tuyển riêng rẽ. “Đây chỉ là giải pháp kỹ thuật chứ không phải bộ ôm việc làm thay các trường hay độc quyền khai thác dữ liệu” - ông Trinh nhấn mạnh.

Vị này cũng tiết lộ là Bộ GD-ĐT đã chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và đã chạy thử với dữ liệu giả định. “Sau khi có kết quả đăng ký xét tuyển (ĐKXT) năm 2015, tổ kỹ thuật đã chạy thử với số liệu thực tế. Kết quả cho thấy việc xét tuyển chung là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật” - ông Trinh cho biết.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016 tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2016 tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Với phương thức xét tuyển chung, phần mềm sẽ thực hiện xét tuyển trên một hệ cơ sở dữ liệu ĐKXT duy nhất đối với tất cả thí sinh (TS) đã ĐKXT. Cơ sở dữ liệu này được quản trị thống nhất, được bảo mật ở mức độ cao nhất, bảo đảm tính chính xác. Các trường không phải sử dụng phần mềm riêng để xét tuyển riêng từ hệ cơ sở dữ liệu chung này. Ông Trinh nhấn mạnh: Việc tổ chức xét tuyển tập trung đối với các trường ĐH sẽ là giải pháp giải quyết một cách căn bản những vướng mắc của năm 2015 và vấn đề TS “ảo” cho các trường.

Mặt khác, phương thức xét tuyển này bảo đảm công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch, bảo đảm chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của trường. Cũng theo cục trưởng Cục Khảo thí, việc dùng phần mềm xét tuyển chung không ảnh hưởng đến quyền lợi của TS. Ngược lại, xét tuyển chung còn bảo đảm hơn cho TS có thể trúng tuyển vào ngành theo nguyện vọng phù hợp nhất với kết quả của mình.

Về mặt kỹ thuật, bộ đã cùng với nhà cung cấp dịch vụ tính toán các giải pháp, đồng thời yêu cầu các sở GD-ĐT, các trường THPT huy động tối đa các phòng máy tính để giúp TS thuận lợi. Bằng cách này, kết quả ĐKXT của TS sẽ được phân tải và thông qua hệ thống phần mềm để hoàn thiện cơ sở dữ liệu xét tuyển chung. Bộ cũng chủ động tính toán và chuẩn bị kỹ các điều kiện về hạ tầng cần thiết đáp ứng nhu cầu ĐKXT trực tuyến của TS cũng như các hoạt động tuyển sinh của các trường để giảm tối đa tình trạng nghẽn mạng.

Thay đổi gây hoang mang

Theo phương thức mà Bộ GD-ĐT đưa ra, việc xét tuyển theo nhóm trường ĐH (như nhóm GX của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) theo quy chế sẽ không còn tồn tại. Ông Mai Văn Trinh lý giải việc xét tuyển tập trung thực chất là xét tuyển cho một nhóm lớn hơn nhóm GX. Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng còn cho biết phần mềm xét tuyển chung theo nhóm trường và xét tuyển chung cho cả nước đều được xây dựng dựa trên cùng một thuật toán.

Trước quyết định bất ngờ này, lãnh đạo nhiều trường ĐH cùng cho rằng nếu phương thức mà Bộ GD-ĐT đưa ra chống được “ảo” cũng như giải quyết được các tồn tại của mùa tuyển sinh năm trước thì tốt. Tuy nhiên, liệu phương thức này có nhận được sự đồng thuận hoàn toàn? Một chuyên gia tuyển sinh cho hay năm 2015 cũng đã có nhiều ý kiến đề xuất xét tuyển theo phần mềm toàn quốc để giảm “ảo” nhưng không thực hiện được. Quy chế tuyển sinh ĐH mới ban hành khuyến khích các trường xét tuyển theo nhóm, đề án tuyển sinh mới được thông qua chưa lâu thì lại phải bỏ vì xét tuyển chung toàn quốc. “Làm việc gì cũng phải có lộ trình, thời gian chứ không phải thích là thay đổi, như thế gây hoang mang cho thí sinh và có thể là khó khăn cho các trường” - chuyên gia này nói.

Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH lớn băn khoăn Bộ GD-ĐT cho biết sẽ dùng phần mềm chung để khắc phục các hạn chế trong xét tuyển nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào, liệu có phải tất cả các trường đều phải vào nhóm xét tuyển toàn quốc? Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, đặt câu hỏi liệu tất cả các trường có đồng ý tham gia phương thức này không?

Còn đâu quyền tự chủ?

Một cán bộ tuyển sinh phân tích thêm rằng chủ trương xét tuyển chung là việc của bộ nhưng các trường vẫn có quyền không tham gia bởi nếu bắt buộc sẽ vi phạm quyền tự chủ các trường về tuyển sinh, theo Luật Giáo dục ĐH.

Rõ ràng là không thể “cưỡng chế” các trường tham gia vào nhóm này mà phải trên tinh thần tự nguyện, nếu không là phạm luật. Hiện nhiều trường đã có đề án tuyển sinh riêng, bộ phải tôn trọng họ. “Tôi cũng chưa hiểu những trường có phương án xét tuyển riêng thì sẽ xử lý như thế nào? Những trường vừa xét tuyển theo học bạ vừa xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia thì có phải tham gia xét tuyển chung không? Những trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức có phải xét tuyển chung với bộ không?” - chuyên gia này băn khoăn.

Lãnh đạo một số trường khi được hỏi đã cho rằng bộ nên lấy ý kiến các trường trước khi quyết định triển khai phương thức xét tuyển này. Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ với báo chí: “Về nguyên tắc, Luật Giáo dục ĐH trao quyền xét tuyển cho các trường. Bộ cung cấp thông tin, dữ liệu thi cho các trường thì được, còn bắt buộc các trường phải tham gia xét tuyển chung là đã không để các trường được tự do. Thí sinh đăng ký xét tuyển ở trường chứ không phải ở bộ. Bộ làm như vậy là ôm đồm” - ông Xê nhận định.

Cần phương án xử lý cụ thể

Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng - một thành viên trong nhóm xét tuyển GX, cho hay nếu Bộ GD-ĐT đã có giải pháp chống “ảo” bằng phần mềm xét tuyển chung thì các trường không cần phải đi tìm giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng việc xét tuyển chung như vậy có thể sẽ làm cho tính phong phú, đa dạng trong phương thức xét tuyển của các trường (tiêu chí sơ tuyển, tiêu chí phụ khi xét tuyển...) giảm đi. Theo chuyên gia này, đây là những vấn đề thực tế đặt ra và cần có phương án xử lý cụ thể.

YẾN ANH

 

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ