A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tín dụng phát triển nông nghiệp: Chính sách liệu đã phù hợp với thực tiễn?

07:44 | 15/08/2017

Thời gian qua, hàng loạt chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp ra đời, nhưng để tạo đà cho nông nghiệp phát triển dường như vẫn còn rất xa vời.

Nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng

Một trong những chính sách tín dụng được xem là sát và có tác động rất lớn đến nông nghiệp, nông thôn (NNNT) là Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9-6-2015 (thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12-4-2010) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT. Những điểm nổi bật của Nghị định 55 là bổ sung thêm đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển NNNT, bao gồm những cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Nội dung mang tính định hướng của Nghị định 55 là tập trung vào quy định cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp; các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực NNNT thông qua quy định về trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ nguồn vốn và các công cụ điều hành chính sách tiền tệ khác... Cùng với đó, lãi suất cho vay đối với lĩnh NNNT  phổ biến từ 6,5-8%/năm (thấp hơn mức lãi suất cho vay thông thường); riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế dưới 7%/năm. Những đối tượng chính sách, ưu đãi và nhiều chương trình tín dụng đặc thù thì lãi suất chỉ khoảng 5-6%/năm.

Vườn tái canh cà phê ở Công ty TNHH MTV Cà phê 719.

Vườn tái canh cà phê ở Công ty TNHH MTV Cà phê 719.

Cũng liên quan đến tín dụng phát triển nông nghiệp, mới đây nhất, ngày 24-4-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 813 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ. Theo Nghị quyết này, Chính phủ cam kết có một gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với các chương trình cho vay khác.

Khó ở quy định đi kèm

Theo khung cơ chế cho vay lĩnh vực NNNT tại Nghị định 55 của Chính phủ quy định, nếu hộ cá nhân vay đến 100 triệu đồng thì không phải thế chấp tài sản. Tương tự không thế chấp tài sản khi vay 200 triệu đồng để trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm. Và không thế chấp tài sản nếu vay tối đa 300 triệu đồng đối với đơn vị kinh doanh. Ngoài 3 điều kiện trên, nếu các hộ gia đình vay làm trang trại với mức trên 300 triệu đồng thì phải có tài sản thế chấp đảm bảo theo quy định. Quy định “thoáng” là vậy, nhưng thực tế hiện nay ít nhất người nông dân cần phải đầu tư 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng mới có thể mở trang trại sản xuất quy mô hiệu quả. Thế là vòng luẩn quẩn lại xảy ra, bởi người dân muốn vay được số tiền như mong muốn lại phải có tài sản thế chấp, một trong những vấn đề khó khăn nhất của người nông dân. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk, cho vay NNNT của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 35.870 tỷ đồng, chiếm 48,6% tổng dư nợ toàn địa bàn với gần 160 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Thế nhưng tổng dư nợ của 2 đơn vị chủ lực cho vay theo Nghị quyết 55 là Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Đắk Lắk và Bắc Đắk Lắk chỉ trên 12 nghìn tỷ đồng.

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT thẩm định một dự án tại huyện  Cư Kuin.

Cán bộ Ngân hàng NN-PTNT thẩm định một dự án tại huyện Cư Kuin.

Sau cam kết của Chính phủ về gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng, ngành Nông nghiệp đã có những kỳ vọng rất lớn trong việc nâng cao giá trị gia tăng, tái cơ cấu theo hướng tập trung, hiện đại. Thế nhưng, tiến độ giải ngân của gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang rất chậm. Khó khăn lớn khi triển khai chương trình là những quy định đi kèm, nhất là quy định về việc cấp Giấy Chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn hạn chế. Theo đại diện Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk, từ khi triển khai gói tín dụng này đến nay đơn vị vẫn chưa được giới thiệu doanh nghiệp nào đáp ứng đầy đủ các quy định cho vay, nên đơn vị không thể giải ngân được.

Có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ vốn phát triển nông nghiệp nếu được áp dụng trong thực tế sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nên các mô hình sản xuất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không sớm được tháo gỡ những vướng mắc đi kèm thì chính sách sẽ rất khó đi vào cuộc sống.

Giang Nam

 

 

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ