“Cát tặc“ lộng hành ở Đắk Lắk
06:10 | 18/06/2013
Nhiều năm qua, tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông Krông Ana, Krông Nô, đoạn chảy qua địa bàn các huyện Krông Bông, Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, không hề giảm đã làm dọc bờ của hai con sông này càng thêm sạt lở, ăn sâu vào khu vực đất sản xuất.
Đường sá bị cày nát, bụi bặm vào mùa khô, lầy lội vào mùa mưa, và hơn hết là sự lo lắng về an toàn tính mạng của người dân khi mà hàng ngày có hàng trăm hung thần chở cát ngang nhiên chạy qua.
Không được cấp phép nhưng Cát tặc này vẫn ngang nhiên hút cát. |
Cát tặc băm nát vùng quê
Dòng sông Krông Nô, đoạn chảy qua địa phận huyện Krông Ana trở nên quặn đỏ, đục ngầu bởi các tàu đang khai thác cát. Đứng ở trên bờ sông quan sát có hàng chục chiếc tàu đang ngang nhiên thả ống hút cát ngay giữa lòng sông. Bên cạnh là những chiếc xà lan cỡ lớn trực chờ để vận chuyển cát vừa khai thác về bãi tập kết.
Do nạo vét trong một thời gian dài, nguồn cát ở giữa lòng sông đã dần cạn kiệt, vì vậy các tàu dồn vào gần bờ để khai thác. Tiếng máy nổ rền vang cả một khúc sông. Nước và cát cứ thế cuộn vào trong từng ống hút rồi xối xả tuôn vào khoang chứa rộng hàng chục mét vuông giữa thân tàu. Chỉ trong vòng khoảng gần một giờ đồng hồ, chiếc xà lan chứa được gần 30 mét khối đã lưng lửng cát.
Anh Nguyễn Văn Tình, thợ khai thác cát thuê cho Doanh nghiệp tư nhân Đức Tài, cho biết: Mỗi xà lan cát khoảng 25 mét khối được chủ giao cho một triệu đồng bao gồm chi phí xăng dầu, công…Bình quân mỗi ngày nếu hai người hút và vận chuyển được một chuyến về bãi tập kết, tiền công thu được là 300 nghìn đồng.
Khi cát về đến bãi tập kết, chủ cát bán giá từ 90 đến 130 nghìn đồng/khối, tùy loại cát. Như vậy, bình quân một xà lan cát về bãi, chủ thu lãi khoảng một triệu đồng. Lợi nhuận cao nên các ông chủ đã khai thác triệt để. Hết cát giữa dòng, vòi hút lại được di chuyển vào gần bờ, gây sạt lở nghiêm trọng đến bờ sông và đất sản xuất của người dân.
Nhiều người dân sống quanh khu vực này cho biết, cách đây khoảng 5 năm, nhiều địa điểm, chiều rộng của dòng sông chỉ khoảng từ 30-40m, nhưng hiện nay, do khai thác cát bừa bãi, dòng sông đã xâm thực vào đất sản xuất của nhiều hộ dân ở hai bên bờ cả trăm mét, xoáy sâu xuống lòng sông cả chục mét.
Người dân sống ở khu vực các dòng sông bị khai thác cát trái phép bức xúc vì đất sản xuất bị sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống trước mắt cũng như lâu dài, còn người dân ở những địa điểm tập kết cát cũng bức xúc không kém, vì hàng ngày có hàng trăm lượt xe tải lớn, nhỏ chở cát chạy trong đường làng, băm nát con đường như tương . Anh Phạm Đức Hân, ở đội 1, thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana, bức xúc:
“Đêm đến thì xe cát chạy không chịu nổi. Ở cái làng này 10 xe thì mất 8 xe của làng rồi, thế nên là không ai nói được ai cả. Mà bây giờ người ta nói lên thì sợ bị trù dập, vì toàn con em cán bộ cả. Thế nên là nhờ lãnh đạo ở trên xuống xem xét”
Ông Nguyễn Minh Đông, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana cho biết: dù chưa thống kê là có bao nhiêu diện tích đất bị sạt lở, nhưng bình quân mỗi năm có tới vài chục héc ta ruộng canh tác của người dân, cũng như hàng trăm mét đê bị trôi theo dòng sông. Việc khai thác cát trái phép như hiện nay đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và an toàn của người dân
Vì sao chính quyền buông lỏng ?
Sông Krông Na, đoạn chảy qua địa bàn huyện Krông Bông được tỉnh Đắc Lắc cấp phép khai thác cát với tổng chiều dài trên 27km. Theo quy định, các đơn vị khai thác cát được cấp phép chỉ khai thác cát ở lòng sông cách bờ ít nhất 5m, độ sâu cho phép 4m, nhưng các doanh nghiệp và một số cá nhân trên địa bàn lại đua nhau khai thác cát ồ ạt không theo quy định nào.
Nơi nào có sản lượng cát nhiều, thuận tiện, họ tập trung tàu thuyền với công suất lớn đổ xô vào khai thác từ tờ mờ sáng cho đến nhá nhem tối. Anh Nguyễn Văn Duy, đến từ Nam Định, thợ khai thác cát thuê cho Hợp tác xã Đoàn Kết, cho biết: “Ở trên sông Krông Na, chỗ nào nhiều cát, mình cứ lên là mình hút. Nó cũng ảnh hưởngđến dòng sông nhưng mà ảnh hưởng không đáng kể, tại vì mình hút ở giữa sông, nên trong bờ cũng không sạt lở lắm”
Huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc, cũng là một địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khai thác cát trái phép. Theo ông Nguyễn Mạnh Cương, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Krông Ana thì huyện có 38 km chiều dài mà hai con sông Krông Nô và Krông Na chạy qua được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc cấp phép cho 6 đơn vị khai thác cát là : Hợp tác xã Đoàn Kết; Doanh nghiệp tư nhân Trung Thiện; Doanh nghiệp tư nhân Minh Lợi; Hợp tác xã Phúc Lợi; Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Tây Nguyên và Doanh nghiệp tư nhân Sông Núi.
Qua kiểm tra, rà soát, huyện đã phát hiện có tới 13 đơn vị và hàng chục hộ cá nhân vẫn cùng nhau ngày đêm khai thác cát trái phép trên hai con sông này.
Trước tình hình gia tăng nạn khai thác trên địa bàn, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đắc Lắc đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Môi trường, chính quyền xã, huyện và các cơ quan chức năng tiến hành nhiều đợt truy quét, xử lý vi phạm. Thế nhưng việc xử phạt cũng gặp nhiều khó khăn và chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa.
Rất nhiều thuyền và các phương tiện hút cát vẫn hoạt động suốt ngày đêm. |
Ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắc Lắc, phân trần: “Vừa rồi Thanh tra sở và Cảnh sát môi trường cũng đã xử phạt và yêu cầu họ ngừng khai thác. Còn sau đó họ vẫn tiếp tục khai thác thì chưa kiểm soát được. Tức là khâu hậu kiểm nhiều khi cũng chưa được sát lắm. Và thực ra nếu mà xử phạt, thu tang vật, thu tàu thì không biết giữ ở đâu, giao cho ai?”
Cũng theo ông Thiềm, việc quản lý các doanh nghiệp và đơn vị khai thác cát trái phép trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, khi các đơn vị tổ chức đến kiểm tra thì đã có người báo trước, hoặc do thiết bị hút cát chỉ là ống dẫn, máy hút để trong thuyền, khi có đoàn kiểm tra tới họ nhanh chóng rút lên xà lan, lên thuyền rồi chạy sang bên kia bờ, thuộc địa phận tỉnh Đắc Nông. Vì không thuộc địa bàn quản lý nên cơ quan chức năng không thể kiểm tra, xử lý.
Cũng trong buổi làm việc với Pháp Luật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Tình trạng khai thác cát trái phép ở Đắc Lắc đang diễn ra công khai, ngang nhiên. Các cấp chính quyền và ngành chức năng nắm rất rõ. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản chỉ đạo nào để chấn chỉnh, ngăn chặn.
Thực tế này đang cho thấy sự buông lỏng trong việc quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản cũng như coi thường sự an toàn của người dân sống trong khu vực, khi các bờ đê, đất sản xuất của ngày càng bị sạt lở bởi việc khai thác cát trái phép.
Theo phapluatvn.vn
CÁC TIN KHÁC
- Phỏng nặng vì bị bạn tạt axit (05/07/2013)
- Băng cướp tài sản táo tợn sa lưới (05/07/2013)
- Hơn 82% thí sinh đến làm thủ tục đăng ký dự thi đại học đợt I (04/07/2013)
- Thi thể người đàn ông chết trong tư thế treo cổ trên cây (04/07/2013)
- Va quẹt xe máy, một người chết vì đâm vào xe tải (20/06/2013)
- Những chiếc bẫy trên QL14 (15/06/2013)
- Phát hiện xác chết không mặc áo trên mặt hồ (15/06/2013)
- Hệ lụy từ doanh nghiệp “ma”… (13/06/2013)
- Một phạm nhân Trại giam A2 đột tử (13/06/2013)
- Truy tố tiếp tân khách sạn môi giới mại dâm (13/06/2013)
- Gỗ lậu tại khu du lịch Bản Đôn nghi do phá rừng (11/06/2013)
- Trên hành trình trở thành trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên
- CÔNG TY CỔ PHẦN BIA SÀI GÒN - MIỀN TRUNG thông báo tuyển dụng
- Diễn biến vụ mỏ đá sát cao tốc chưa được khai thác, gây lãng phí
- Khí thế phong trào thi đua đặc biệt
- Xăng E5 tiêu thụ ít, Bộ Công Thương cho doanh nghiệp tự quyết giá
- Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc
- Danh sách ĐT Việt Nam: Nuối tiếc nhưng… hợp lý
- Trình Quốc hội phương án tăng thuế với rượu bia, thuốc lá
- Huyện Krông Pắc: 120 thí sinh thi Rung chuông vàng tìm hiểu cải cách hành chính
- Đề xuất 2 phương án điều hành giá xăng dầu
BÌNH LUẬN CỦA BẠN
BÌNH LUẬN