A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hệ lụy từ doanh nghiệp “ma”…

05:59 | 13/06/2013

Tất cả các cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc, tăng cường hợp tác nắm tình hình, nếu phát hiện có dấu hiệu lách luật, thành lập DN nhằm mục đích chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, thì có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Cùng đó, cần có những quy định chặt chẽ hơn và sớm khắc phục những hạn chế còn tồn tại đối với công tác quản lý và cấp phép thành lập DN...

Lợi dụng chính sách…

Thời gian qua, lợi dụng sự thông thoáng về đăng ký thành lập DN, trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là Đắk Lắk đã xuất hiện nhiều DN “ma”. Các DN này có một điểm chung, chỉ thành lập DN rồi hoạt động trong một thời gian rất ngắn để thu mua nông sản với giá cao, sau đó vận chuyển đi nơi khác bán lại giá thấp để được khấu trừ chênh lệch thuế giá trị gia tăng (VAT) và khi phát sinh nợ thuế thu nhập DN lớn, thì bỏ trốn khỏi nơi đăng ký… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT và thuế thu nhập DN…

Image

Các cơ quan chức năng cùng vào cuộc mới giảm thiểu được số lượng DN “ma”

Mới đây, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện 15 DN kinh doanh nông sản trên địa bàn có biểu hiện kinh doanh bất hợp pháp để chiếm đoạt tiền thuế. Trong đó, có đến 11 DN dùng chứng minh nhân dân (CMND) của người khác để “mở” DN, 3 DN thuê những người không hiểu biết pháp luật điều hành và ký những giấy tờ liên quan…

Đơn cử như, trường hợp Công ty TNHH An Tuấn Phước, theo hồ sơ đăng ký, DN này có trụ sở tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), được thành lập 17/9/2012, do ông Đặng Văn Tuấn (Nghệ An) làm giám đốc. Song thực tế, từ năm 2004 đến nay, ông Tuấn hiện đang làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, năm 2009 ông Tuấn đã đánh mất CMND tại tỉnh Bình Dương, bị các đối tượng làm ăn phi pháp nhặt được, đã dùng để đăng ký mở DN.

Tương tự, Công ty TNHH Lê Quang Tập thành lập 5/4/2012, trụ sở đăng ký tại 689 - Hùng Vương, thị xã Buôn Hồ do Lê Quang Tập (Thanh Hóa) làm giám đốc. Nhưng theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, tháng 2/2012, Lê Quang Tập bị mất CMND và đã làm thủ tục trình báo và được cấp lại; từ tháng 1/2012 đến nay, ông Tập lái xe cho một DN tại TP. Hồ Chí Minh; không thành lập DN ở Đắk Lắk...

Chưa hết, có trường hợp đang thụ án trong trại giam vẫn có thể “mở” DN và tổ chức kinh doanh, đó là trường hợp của Công ty TNHH Nguyễn Hữu Hiếu thành lập tháng 4/2012, do Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cấp phép, trụ sở hoạt động tại số 657 - Hùng Vương – thị xã Buôn Hồ do ông Nguyễn Hữu Hiếu (Hải Dương) làm giám đốc. Tuy nhiên, khi phát hiện DN có dấu hiện phạm pháp, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì kết quả thật bất ngờ, ông Hiếu đang chấp hành án tại Hải Dương về tội cướp tài sản từ tháng 8/2012…

Không dừng lại ở việc dùng giấy CMND của người khác đăng ký thành lập DN, có đối tượng “ranh ma” còn đứng ra thuê người khác đứng tên “mở” DN “ma” như trường hợp 3 DN nông sản tư nhân Cường Phát, Mỹ Hòa và Hữu Tam. Cả 3 giám đốc của 3 DN này đều được một người tên Nguyễn Thị Bích Hạnh, sinh năm 1982, thường trú tại Đồng Nai thuê mở và làm giám đốc DN; giám đốc chỉ biết ký chứng từ, hợp đồng theo chỉ đạo của bà Hạnh, mọi thông tin khác hoàn toàn “mù tịt”. Hiện cơ quan chức năng địa phương đang tiếp tục vào cuộc điều tra làm rõ 3 DN này...

Hệ lụy từ DN “ma”…

Thủ tục cấp phép thành lập mới DN quá đơn giản và dễ dãi, cùng với việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng đã tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng làm ăn phi pháp gây ra nhiều hệ lụy khó lường như khó quản lý DN hoạt động như thế nào, thất thu thuế khi DN bỏ trốn, xáo trộn thị trường…

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, ngành thuế Đắk Lắk mới chỉ thu được khoảng 1.215 tỷ đồng (khoảng 33% dự toán), bằng 82% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ khu vực ngoài quốc doanh chỉ 517 tỷ đồng, bằng 63% so với cùng kỳ. Đây là số thu rất thấp so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Nguyên nhân được xác định do gian lận, trốn thuế trong mua bán kinh doanh cà phê xảy ra trên diện rộng. Tập trung chủ yếu ở các huyện Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột…

Vừa qua tại thị xã Buôn Hồ “bỗng dưng” một số DN nổi như “cồn”. Vì mua cà phê giá cao hơn thị trường 1.000-1.500 đồng/kg, nên chỉ trong thời gian ngắn mua được lượng cà phê “khổng lồ”. Sau đó bán cho nhiều DN với “giá lỗ” bằng đúng chừng ấy tiền. Tính riêng 4 DN bỏ trốn là Công ty Lê Quang Tập, Nguyễn Hữu Hiếu, Thủy Phong Phát và Ngô Quý Yên, cơ quan chức năng xác định được các DN này đã bán lại cho 40 DN tại Đồng Nai, Bình Phước, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đăk Nông... một lượng cà phê với giá trị lên đến 2.288 tỷ đồng và được khấu trừ thuế đầu vào hơn 114 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất của ngành thuế trong việc thu hồi các khoản nợ đọng là tình trạng DN bỏ trốn, chiếm đoạt luôn các khoản nợ đọng tiền thuế. Sau đó, tiếp tục đứng tên hoặc thuê người khác thành lập DN mới cũng với “chiêu” tương tự rồi bỏ kinh doanh... gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thuế…

Bởi khi cơ quan thuế vào cuộc, thực hiện các biện pháp như làm việc với các TCTD trên địa bàn để nắm số dư và thông tin có liên quan đến tài khoản DN; cưỡng chế kê biên tài sản bán đấu giá để nộp thuế… Song tài khoản ngân hàng thì không còn số dư; không tiến hành cưỡng chế được, do DN đã “cao chạy xa bay”; thậm chí địa chỉ đăng ký kinh doanh cũng “ma” luôn… nên tất cả các biện pháp nghiệp vụ đều không hiệu quả...

Đành rằng, thành lập DN là quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép. Nhưng để “kiểm soát” thực trạng trên, chỉ còn cách tất cả các cơ quan chức năng phải cùng vào cuộc, tăng cường hợp tác nắm tình hình, nếu phát hiện có dấu hiệu lách luật, thành lập DN nhằm mục đích chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, thì có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Cùng đó, cần có những quy định chặt chẽ hơn và sớm khắc phục những hạn chế còn tồn tại đối với công tác quản lý và cấp phép thành lập DN...

    Theo Thời báo Ngân hàng

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ