A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Truy tố 4 đối tượng trong đường dây MB24

11:59 | 27/07/2013

CQĐT CA tỉnh Đắc Lắc vừa có kết luận điều tra, chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 4 bị can trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mua bán gian hàng ảo tại 2 chi nhánh Cty CP đào tạo mua bán trực tuyến MB24.

 Vụ án từng làm rúng động nhiều làng quê ở Đắc Lắc cách đây 1 năm.

HÀNG ẢO, THU TIỀN THẬT

Cty CP đào tạo mua bán trực tuyến (gọi tắt là MB24) có trụ sở chính tại H. Từ Liêm (Hà Nội), được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp giấy chứng nhận kinh doanh tháng 5-2011, vốn điều lệ 9,9 tỷ đồng, do giám đốc Ngô Văn Huy là người đại diện pháp luật. Cty MB24 có ngành nghề kinh doanh gồm: tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại, xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan... Trong giấy phép, hoàn toàn không có nội dung “sàn giao dịch thương mại điện tử”. Tuy nhiên, qua giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 53/GXH-TTĐT do Bộ TT-TT cấp ngày 29-6-2011, Cty MB24 xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử qua trang web muban24.vn. Hình thức hoạt động theo sơ đồ nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng, nhằm quản lý việc quảng cáo, mua bán sản phẩm cho hội viên và chia tiền hoa hồng. Theo Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), website muaban24.vn chưa được xác nhận là sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tại Đắc Lắc, 2 chi nhánh được thành lập gồm Cty MB24 chi nhánh Đắc Lắc vào tháng 10-2011, trụ sở tại xã Ea Đar, H. Ea Kar, do Ngô Văn Chiến làm giám đốc; Cty MB24 chi nhánh Buôn Ma Thuột vào tháng 12-2011, trụ sở tại P. Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, do Bùi Thị Chiên làm giám đốc. 2 chi nhánh này hoạt động dưới sự chỉ đạo chủ yếu của 4 bị can là Ngô Văn Chiến (1980), Trần Văn Sự (1975, cùng trú xã Cư Yang, H. Ea Kar, Đắc Lắc), Đặng Anh Tuấn (1980, trú P. Thành Công, TP Buôn Ma Thuột) và Bùi Thị Chiên (1977, trú TT Ea Kar, H. Ea Kar).

4 đối tượng bị truy tố. 

Các đối tượng đã triệt để khai thác lòng tham, sự cả tin và mong muốn làm giàu nhanh chóng của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Để tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử MB24, người dân phải đóng số tiền là 5,2 triệu đồng. Đổi lại, theo đúng nghĩa thương mại điện tử khi hội viên ở nhà vẫn có thể mua được hàng hóa; được quảng bá hàng hóa lên website muaban24.vn; được hướng dẫn thêm về mạng máy tính... Nhưng, hấp lực lớn nhất của hệ thống lừa đảo này, đó là nếu giới thiệu thêm người mới, hội viên trực tiếp được hưởng ngay số tiền 1,5 triệu đồng, hội viên gián tiếp được hưởng 320 nghìn đồng, và cứ thế lũy tiến với hội viên cấp dưới càng nhiều thì hoa hồng càng cao. Các bị can vẽ ra viễn cảnh phát triển càng nhiều gian hàng thì thu nhập càng cao, tiền thưởng tăng dần từ thưởng trực tiếp, thưởng gián tiếp, cân cặp, VIP, thưởng 10% doanh thu… Các bị can còn bán ưu đãi dành riêng cho hội viên với giá rẻ hơn thị trường từ 5-40% các mặt hàng sổ sách, bút viết, ví da, thắt lưng, nước mắm… để lôi kéo thành viên. 4 bị can đã không ngừng gặp gỡ, giới thiệu cho nhiều người dân tham gia; liên tục mở các lớp tập huấn giới thiệu về dự án.

ĐÁNH VÀO LÒNG THAM VÀ CẢ TIN

Từ thời điểm đi vào hoạt động tháng 10-2011 đến thời điểm bị bắt là tháng 8-2012, 2 chi nhánh MB24 tại Đắc Lắc lôi kéo 2.590 người dân tham gia, phát triển được 4.354 gian hàng. Tổng số tiền bất hợp pháp thu được hơn 22,64 tỷ đồng chuyển về MB24 Hà Nội. Sau đó, MB24 Hà Nội trích thưởng hoa hồng cho 4 bị can số tiền 4,77 tỷ đồng. Trong đó, Ngô Văn Chiến hưởng hơn 1,54 tỷ đồng; Trần Văn Sự là 1,57 tỷ đồng; Đặng Anh Tuấn là 1,3 tỷ đồng và Bùi Thị Chiên 0,34 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 17,36 tỷ đồng bị các đối tượng chủ chốt của MB24 tại Hà Nội chiếm đoạt và thụ hưởng. Các đối tượng tại Hà Nội cũng đã bị CA TP Hà Nội khởi tố. Ngoài 4 bị can, 2 chi nhánh tại Đắc Lắc phát triển được 11 hội viên VIP, có tổng số tiền hoa hồng được hưởng là 869,5 triệu đồng.

Quá trình điều tra, CQĐT nhận được 88 lá đơn của bị hại, tố cáo 2 chi nhánh MB24 tại Đắc Lắc lừa đảo mua bán, kinh doanh gian hàng ảo trên mạng để chiếm đoạt số tiền là 736,6 triệu đồng.

CQĐT CA tỉnh Đắc Lắc kết luận đây là mô hình hoạt động kinh doanh không sinh lời mà chỉ dùng tiền của người sau trả cho người trước. Hàng hóa giao dịch chỉ là những mặt hàng thông thường, không có giá trị cao, bán cho hội viên với giá rẻ nhằm đánh vào tâm lý hám lợi của người dân, để lôi kéo dụ dỗ là chính. Ngoài ra, các bị can còn lừa đảo, lôi kéo bằng hình thức đưa ra các thông tin không đúng sự thật qua các lớp tập huấn và dự án chia sẻ, không có giấy phép kinh doanh thương mại điện tử nhưng vẫn quảng bá và trưng bảng hiệu sàn giao dịch thương mại điện tử. Hội viên tham gia mua hàng không được đảm bảo quyền lợi.

Đây là vụ án tội phạm công nghệ cao, có tổ chức, với sự tham gia của nhiều đối tượng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố. Kết thúc vụ án, CQĐT CA tỉnh Đắc Lắc đã chuyển hồ sơ, đề nghị VKSND cùng cấp truy tố 4 bị can trên về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điểm a, khoản 4, điều 226b Bộ luật Hình sự.

    Theo CA ĐN

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ