A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhân lên những điển hình tiêu biểu

13:44 | 23/10/2015

Thi đua là làm tốt hơn nữa những công việc thường xuyên hằng ngày của mỗi chúng ta như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, là ích lợi cho mình, cho gia đình mình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc”.

Phát huy tinh thần yêu nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng theo Đảng, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực vươn lên để xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng Đắk Lắk ngày càng ổn định về chính trị - xã hội, phát triển về kinh tế, quốc phòng – an ninh được giữ vững.

5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi, tỉnh ta cũng gặp không ít khó khăn như: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi; suy thoái kinh tế làm các nguồn vốn đầu tư giảm mạnh, xuất khẩu gặp rủi ro về giá cả, hoạt động của các doanh nghiệp bị đình trệ… tạo thêm áp lực trong giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là giải quyết việc làm, giảm nghèo và cải thiện thu nhập cho người lao động. Tất cả các yếu tố đó đan xen tác động đến quá trình phát triển của tỉnh. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, nhiều phong trào thi đua yêu nước được tổ chức phát động và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh vững mạnh. Tùy theo tính chất, đặc điểm tình hình của từng lĩnh vực, phong trào thi đua yêu nước được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng. Có thể kể đến các phong trào như: “Thi đua xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, năng suất, chất lượng và hiệu quả”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Dạy tốt – học tốt”, “Thi đua thực hiện 12 điều y đức”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Thi đua Quyết thắng”, “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh”… Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Đó là những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; những thầy cô giáo vì học sinh thân yêu; những thầy thuốc tận tụy vì sức khỏe nhân dân; các chiến sĩ công an, lực lượng vũ trang quên mình vì sự bình yên cuộc sống… Họ là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa tràn đầy hương sắc, góp phần tô thắm thêm truyền thống yêu nước của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Đồng chí Phạm Ngọc Nghị trao đổi công việc với các đại biểu.  Ảnh: Hoàng Gia

Đồng chí Phạm Ngọc Nghị trao đổi công việc với các đại biểu. Ảnh: Hoàng Gia

Sức lan tỏa sâu rộng của phong trào thi đua yêu nước đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, bình quân 8%/năm, quy mô năm 2015 gấp 1,5 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt khoảng 34,9 triệu đồng, gấp 2,2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch, giảm dần tỷ trọng trong khu vực nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp. Năm 2015 ước tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 47%, giảm 2,4%; công nghiệp – xây dựng chiếm 16,2%, tăng 0,5%; dịch vụ chiếm 36,7%, tăng 2,7%. Những thành tựu đó đã góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố niềm tin của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành của Nhà nước.

Từ thực tiễn sinh động trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua, nhiều bài học kinh nghiệm cũng đã được rút ra. Đó là: phong trào thi đua yêu nước phải có nội dung, mục tiêu và hình thức, phương thức tổ chức thực hiện rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đơn vị. Phong trào thi đua phải hướng đến và giải quyết những nhiệm vụ cụ thể, nhất là những vấn đề khó khăn, cấp bách nhất, càng khó khăn thì càng cần phải thi đua. Phong trào thi đua phải được sơ kết, tổng kết kịp thời, qua đó lựa chọn những cá nhân, tập thể tiên tiến để nêu gương, nhân rộng điển hình. Thi đua phải gắn với khen thưởng, khuyến khích vật chất, tinh thần; gắn với tuyên truyền để cho quần chúng hiểu và tự giác tham gia.

Phát huy những kết quả đã đạt được, phong trào thi đua yêu nước thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 9-10-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của tỉnh.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng: Tập trung về cơ sở, bám nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm và những nhiệm vụ cấp bách để phát động và tổ chức các phong trào thi đua cụ thể, thiết thực, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến để có nhiều tấm gương tập thể, cá nhân cần noi theo trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội…

Ba là, thực hiện đổi mới công tác khen thưởng phải bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Đề cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng. Chú trọng quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp ở cơ sở, buôn, thôn, xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khen thưởng phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính xác, dân chủ, công khai, công bằng và kịp thời nhằm phát huy tác dụng, tính tích cực, nêu gương giáo dục, tôn vinh trong khen thưởng; luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, dư luận của các hội, tránh khen tràn lan, thành tích chưa nổi bật cũng khen thưởng, khen không trúng làm mất tác dụng của khen thưởng.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để phát động, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình tiên tiến đạt hiệu quả…

Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X của tỉnh là dịp chúng ta tổng kết, biểu dương những thành tích nổi bật của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Sau Đại hội này mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập và rèn luyện trên mọi lĩnh vực, từ đó nhân lên những điển hình tiêu biểu, tạo sức mạnh lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, các địa phương, đơn vị. Đây cũng chính là hành động cách mạng thiết thực để đưa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đi vào cuộc sống, sớm xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên.

KẾT QUẢ TIÊU BIỂU TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC 5 NĂM (2010-2015) CỦA TỈNH:

 Khen thưởng thành tích kháng chiến:

- 197 mẹ được truy tặng, phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”

- 144 gia đình có nhiều Liệt sỹ được tặng Huân chương Độc lập.

- 661 trường hợp được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến.

- 242 trường hợp được Trung ương cấp, đổi Bằng khen thưởng thành tích kháng chiến do sai sót, hư hỏng, rách nát.

●•Kết quả khen thưởng:

- 02 cá nhân được tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Thầy thuốc ưu tú”.

- 02 cá nhân được tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nhà giáo ưu tú”.

- 03 cá nhân được tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

- 11 tập thể và 04 cá nhân được tặng Huân chương Độc lập.

- 41 tập thể và 135 cá nhân được tặng Huân chương Lao động.

- 02 cá nhân được tặng Huân chương Đại đoàn kết.

- 86 tập thể và 277 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- 38 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ.

- 133 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh.

- 375 cá nhân được tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

- 2.273 tập thể được tặng Danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

- 11.796 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác năm 2011 – 2015, thành tích năm học 2011 – 2015 và thành tích chuyên đề, đột xuất năm 2011 – 2015.

Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất nhân kỷ niệm 110 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển (22-11-1904 – 22-11-2014), 40 năm giải phóng Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (10-3-1975 - 10-3-2015).

Phạm Ngọc Nghị

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ