A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lo ngại tái phát đại dịch cúm A/H1N1

15:00 | 29/06/2018

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, tại TP HCM đã xuất hiện 2 chùm ca bệnh cúm A/H1N1 (cúm mùa) ngay trong Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và BV Từ Dũ.

Ghi nhận đến nay có hơn trăm bệnh nhân phải nhập viện điều trị, cách ly; trong đó 3 người đã tử vong. Tình trạng này khiến người dân lo ngại một đại dịch cúm từng xảy ra vào năm 2009 có khả năng quay trở lại.

Bệnh cúm A/H1N1 lây truyền qua đường hô hấp.

Nhiều ca tử vong 

Được biết, trường hợp tử vong đầu tiên do cúm A/H1N1 là một phụ nữ 26 tuổi, nội trợ, ngụ ở Q.Thủ Đức. Theo thông tin từ BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, người phụ nữ tử vong vì cúm A/H1N1 có thể trạng béo phì, đã tự điều trị cúm tại nhà.

Khi nhập viện cấp cứu tại bệnh viện quận Thủ Đức, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch vì viêm phổi nặng, suy hô hấp. Vì vậy, khi được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM, sức khỏe bệnh nhân yếu và đã tử vong không lâu sau đó. Kết quả xét nghiệm trường hợp này dương tính cúm A/H1N1.

Tiếp đó, thông tin từ BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân nam là ông H.Đ.H. (SN 1969, ngụ tỉnh Bình Thuận) bị suy thận mãn giai đoạn cuối, sức đề kháng giảm nên khi nhiễm cúm A/H1N1 đã bị viêm phổi nặng và tử vong vào ngày 8/6. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân này hành nghề lái xe đã bị lây cúm từ một hành khách. Sau khi về nhà, bệnh nhân bị sốt cao, đau nhức cơ thể và được đưa vào BVĐK tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên, diễn tiến bệnh ngày càng nặng, khó thở nên bệnh nhân được chuyển vào BV quận Thủ Đức; sau đó chuyển lên Khoa Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị chống độc – BV Chợ Rẫy cấp cứu sau 8 ngày tự điều trị tại nhà. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục có các triệu chứng đi kèm như sốt, ho, khó thở, suy hô hấp, viêm phổi nặng. Tuy nhiên, do tiểu sử mắc bệnh đái tháo đường type 2, bệnh nhân này rơi vào nguy kịch và tử vong ngày 8/6.

Trường hợp mới nhất tử vong do cúm A H1N1 là bệnh nhân N.T.V. (46 tuổi, ngụ ở Q. Bình Tân) đã tử vong tại nhà sau khi gia đình bệnh nhân xin cho bệnh nhân về. Theo thông tin ban đầu, trước khi nhập viện BV Chợ Rẫy, bệnh nhân có những triệu chứng cúm A H1N1 như sốt, ho, viêm họng, sổ mũi… Ông V. đã tự điều trị ở nhà nhưng diễn tiến bệnh ngày càng nặng nên gia đình mới đưa ông đến BV Chợ Rẫy để cấp cứu từ ngày 22/6.

Theo các bác sĩ, do bệnh nhân bị bệnh béo phì cùng với việc nhập viện muộn nên việc điều trị bệnh khó khăn. Sau 2 ngày điều trị tích cực, tình hình bệnh nhân không cải thiện nên bệnh viện đã cho bệnh nhân về nhà theo nguyện vọng của gia đình.

Không chủ quan khi mắc cúm

Trước thông tin liên tiếp ghi nhận 3 trường hợp tử vong do nhiễm cúm mùa A/H1N1 tại TPHCM, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đa phần các ca nhiễm virus cúm mùa (A/H1N1, cúm B và A/H3N1) sẽ khỏi bệnh sau 1 tuần điều trị thông thường. Song một tỉ lệ nhỏ các trường hợp sẽ diễn biến nặng, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Tình trạng này thường gặp ở những người có đề kháng kém, người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường…, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Cùng với đó, trẻ em dưới 5 tuổi do sức đề kháng kém nên cũng dễ bị virus cúm tấn công.

Tuy nhiên, theo PGS Phu, ngay cả những người khoẻ mạnh, nếu chủ quan cũng có thể tử vong do nhiễm cúm mùa. Bệnh cúm có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết... gây suy đa phủ tạng và tử vong rất nhanh.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh cúm được xem là bệnh thông thường, ai cũng có thể mắc phải. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus gây cúm có các triệu chứng như sốt (có thể sốt cao, đột ngột), viêm long đờm đường hô hấp trên, ho, sưng đau họng... Các chủng cúm mùa A/H1N1, cúm B, A/H3N2 đa phần là lành tính nhưng vẫn có một tỉ lệ nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên. 

Hiện nay có các kỹ thuật mới cứu chữa người bệnh nhưng mọi người cũng không được coi thường bệnh cúm. Khi gặp các triệu chứng lâm sàng của cúm như: sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan… đến ngày thứ 2-3 bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm máu, chụp phổi... để xác định bệnh nhân có nhiễm cúm hay không. Nếu bệnh có tiến triển nặng, cần nhập viện để được điều trị.

“Bệnh cúm A/H1N1 lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (điện thoại, tay nắm cửa…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, chậu…)- bác sĩ Cấp lưu ý. 

Để phòng bệnh cúm và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục Y tế dự phòng  khuyến cáo: Lưu ý phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám và chữa bệnh. Người nhà, người bệnh cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng…thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

Đặc biệt, không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Xuân Thủy

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ