A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Hướng tới chất lượng phục vụ

08:26 | 30/06/2018

88 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh ngay trong tháng 7 tới. Thông tin này đã được Bộ Y tế khẳng định trong cuộc họp báo sáng 29/6.

Theo đó, có 70 dịch vụ được điều chỉnh giảm trung bình từ 5% đến 24%; 9 dịch vụ điều chỉnh tăng khoảng 5%; bổ sung giá của 9 loại dịch vụ kỹ thuật mới giúp những bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được thanh toán.

Điều chỉnh giảm giá dịch vụ sẽ tăng quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT. Ảnh: Mạnh Dũng.    

Điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật

Theo Bộ Y tế, Liên bộ Y tế - Tài chính và BHXH Việt Nam đã khảo sát, tính toán chi phí thực tế và thống nhất nguyên tắc điều chỉnh giá của một số dịch vụ, tập trung vào các dịch vụ có số lượng sử dụng lớn. 

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư 37 nêu trên. Cụ thể, điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật gồm: Điều chỉnh giảm 70 dịch vụ, trong đó điều chỉnh 6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã), bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường), bình quân giảm 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%; Điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5%; 2 dịch vụ xét nghiệm; bổ sung giá của 9 dịch vụ kỹ thuật: người bệnh sử dụng các dịch vụ này sẽ được BHXH thanh toán.

Điều chỉnh 12 dịch vụ (chủ yếu là các dịch vụ chụp CT, nội soi) theo nguyên tắc không tính chi phí thuốc, vật tư tiêu hao đặc thù trong giá dịch vụ do thuốc và các loại vật tư này có nhiều loại và mỗi người bệnh sử dụng khác nhau.

BHXH sẽ thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá trúng thầu; bổ sung và điều chỉnh ghi chú cụ thể một số thuốc, vật tư chưa tính trong giá của 160 dịch vụ kỹ thuật làm cơ sở để BHXH thanh toán cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) theo thực tế sử dụng; làm tăng quyền lợi của người tham gia BHYT.

Bộ Y tế cũng cho biết, việc điều chỉnh giá lần này vẫn chỉ kết cấu chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương chưa tính chi phí quản lý theo lộ trình. Trong đó, tiền lương vẫn tính ở mức lương cơ sở cũ là 1.150 nghìn đồng thay bằng mức 1.390.000 đồng theo điều chỉnh của Chính phủ.

Ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, việc điều chỉnh giá lần này sẽ giảm tình trạng chỉ định những kỹ thuật, xét nghiệm không cần thiết góp phần cân đối Quỹ BHYT đến năm 2020. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh có bị ảnh hưởng là giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, các dịch vụ điều chỉnh phần lớn là các dịch vụ về giường bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nên giảm việc chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết.

Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện tăng cường tiết kiệm chi phí để nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời đối với các chi phí để bảo đảm hoạt động thường xuyên của đơn vị nếu nguồn thu không bảo đảm thì đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành. Việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.

Mức điều chỉnh giá là hợp lý

Trước ý kiến cho rằng định mức kinh tế - kỹ thuật (KTKT) để tính giá chưa sát với thực tế, chủ yếu được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát của các bệnh viện tuyến trên, Bộ Y tế khẳng định: các định mức KTKT đã được khảo sát, xây dựng, thẩm định và ban hành để tính giá tại Thông tư 37 và điều chỉnh một số giá tại Thông tư 15 theo đúng quy định, phù hợp với đại đa số bệnh viện, dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại khoảng 30 bệnh viện, tổng hợp bảo cáo của 4 bệnh viện hạng đặc biệt, 56 bệnh viện hạng I, 140 bệnh viện hạng 2, hơn 250 bệnh viện hạng 3 nên ý kiến số liệu chỉ căn cứ vào tuyến trung ương là chưa chính xác.

Giá khám bệnh: đã xây dựng 6 loại định mức KT-KT cho 6 hạng bệnh viện: hạng Đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV và trạm y tế xã. Không lấy định mức của bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I tuyến Trung ương làm định mức cho tuyến huyện, tuyến xã; Giá ngày giường bệnh: đã xây dựng 41 loại định mức theo 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã. Trong mỗi hạng bệnh viện có 9 loại giường: giường điều trị tích cực, giường cấp cứu, giường nội khoa có 3 loại theo mức độ chăm sóc của các khoa; giường ngoại khoa có 4 loại theo mức độ nặng, nhẹ của các phẫu thuật.

Riêng các dịch vụ kỹ thuật: để khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới thực hiện các dịch vụ để người dân có điều kiện tiếp cận, không phải lên tuyến trên mới được thực hiện (theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Hội nghị Trung ương 6): Liên bộ thống nhất mức giá của các bệnh viện là như nhau.

Tuy nhiên, trong mỗi hạng bệnh viện có hàng trăm bệnh viện, Luật BHYT quy định Liên bộ Y tế - Tài chính ban hành giá thống nhất theo hạng bệnh viện nên sẽ có bệnh viện có thực tế sử dụng thấp hơn hoặc cao hơn định mức bình quân chung.

Có hay không mức phí cao gấp 100 lần?

Gần đây báo chí phản ánh “có sự chênh lệch giá, có giá gấp 100 lần...” khi xây dựng giá dịch vụ y tế. Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, Bộ Y tế đã căn cứ vào kết quả trúng thầu của các bệnh viện, cả Trung ương và địa phương, cả kết quả trúng thầu do đấu thầu tập trung của địa phương; không lấy giá trung bình cộng của các kết quả trúng thầu để xác định trên cơ sở 2 vòng: vòng thứ nhất so sánh giá trung bình với giá trúng thầu của các đơn vị, loại các giá trung thầu cao hơn, thấp hơn trên 25%, chỉ giữ lại các giá trúng thầu cao hơn hoặc thấp hơn dưới 25% để tính mức giá trung bình, làm cơ sở tính chi phí và quyết định mức giá.

“Như vậy, ý kiến nêu có sử dụng mức giá cao gấp 100 lần là không đúng. BHXH đã có công văn báo cáo Phó Thủ tướng đính chính thông tin này; các mức giá, mức cao hơn, thấp hơn như thông tin báo nêu đã được loại trừ khi tính mức giá trung bình”- ông Liên nhấn mạnh.

Cùng với đó, một số ý kiến cho rằng hầu hết các bệnh viện đều có cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị cũ… là chưa chính xác, phủ nhận sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, của các địa phương đối với ngành y tế.

Thực tế thời gian vừa qua, Nhà nước đã đầu tư nâng cấp trên 550 bệnh viện tuyến huyện, gần 200 bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện đã huy động vốn, vay vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng khang trang, chỉ còn một số ít bệnh viện huyện chưa được đầu tư; kết quả đánh giá sự hài lòng của người bệnh cho thấy tỷ lệ người bệnh hài lòng về cơ sở vật chất bệnh viện ngày càng tăng.

Còn nhiều băn khoăn

Được biết, đây là lần điều chỉnh viện phí đầu tiên trong 3 năm qua mà số dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh giảm giá chiếm đa số thay vì số dịch vụ được điều chỉnh tăng giá. Trước thông tin về sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế ngay trong tháng 7, người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện Trung ương và bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội rất phấn khởi.

Trong thời gian qua cũng đã có nhiều đợt điều chỉnh về giá các dịch vụ y tế. Song, theo một cuộc khảo sát độc lập về mức độ hài lòng của người bệnh với bệnh viện công được Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam và Bộ Y tế công bố mới đây-  tại 29 bệnh viện cho thấy, các tiêu chí về viện phí, chất lượng giường bệnh… của bệnh viện là chỉ số có mức độ hài lòng thấp, với tỷ lệ hài lòng đạt lần lượt là 3,88 và 3,9/5.

Hiện nay nhiều người vẫn phàn nàn về việc đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế vẫn còn rất vất vả, chưa hết cảnh vạ vật ngồi chờ, xếp hàng, chen lấn khi đi khám bệnh, cảnh nằm ghép, chất lượng chưa đồng đều…

Nhiều câu hỏi đã được nêu ra: Vì sao ngành y tế không nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trước, sau đó mới tính đến việc điều chỉnh, tăng giá dịch vụ? Bởi hiện các bệnh viện đang tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ nên cũng luôn phải xác định chỉ có nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh thì mới có thể tự chủ thành công.

Theo các chuyên gia y tế, về cơ bản chất lượng dịch vụ y tế hiện còn thấp là do vấn đề nhân lực. Viện phí tăng do vật tư tiêu hao, các chi phí cơ sở vật chất chỉ là một phần của chất lượng dịch vụ.

Chất lượng dịch vụ bao gồm 7 yếu tố: hiệu quả (chữa được bệnh), hiệu suất (chi phí phù hợp), công bằng, người dân có khả năng tiếp cận, an toàn, lấy bệnh nhân làm trung tâm và thời gian điều trị ngắn. Nếu bảo đảm 7 yếu tố này mới có thể coi là đạt chất lượng dịch vụ. Như vậy, chỉ khi nào điều chỉnh giá dịch vụ y tế, các cơ sở y tế đi đôi với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phục vụ khi đó mới mang đến sự hài lòng thực sự cho người bệnh.

Đức Trân - Xuân Thủy

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ