A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trường học - môi trường dễ lây lan dịch tay chân miệng

08:53 | 03/10/2018

Hiện nay, dịch tay chân miệng (TCM) đang có xu hướng lây lan nhanh, bùng phát thành dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Bệnh TCM không chỉ khiến sức khỏe của trẻ suy giảm mà còn khiến trẻ đối mặt với nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Ảnh minh họa.

Lo ngại dịch lây lan

Theo Bộ Y tế, bệnh TCM đang có nguy cơ lan rộng. Từ đầu năm đến nay đã khiến 6 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết: So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 15,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội. 

“Dự báo dịch TCM có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong nhà trường, nơi đông học sinh”- ông Tấn cho hay.

Theo cảnh báo từ các chuyên gia y tế, tình hình dịch TCM hiện nay đã và đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, rất nhiều trẻ đã phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, khó kiểm soát. Để phòng bệnh, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý khi cho trẻ đến trường. Bởi trường học là môi trường tập thể, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là TCM.

Nguyên nhân chính khiến trường học trở thành môi trường dễ lây lan các nguồn bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm (sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng,…) là do việc vệ sinh cho trẻ chưa đúng cách (rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng hằng ngày,…), tiêu chuẩn vệ sinh của các trường học hiện vẫn còn chưa đạt chuẩn về chất lượng. Ngoài ra, một số trẻ khi có biểu hiện mắc bệnh lây nhiễm hoặc có dấu hiệu biểu hiện bệnh vẫn được bố mẹ đưa đến trường học.

Được biết, bệnh TCM rất dễ lây lan đối với trẻ em từ độ tuổi tiểu học trở xuống. Hiện, toàn thành phố Hà Nội có hơn 1.000 trường mầm non, gần 20 nghìn số nhóm, lớp mầm non và gần 730 trường tiểu học. Trong đó, tổng số trẻ mầm non ra lớp khoảng 550 nghìn bé và gần 640 nghìn học sinh bậc tiểu học. 

Th.S Đặng Thị Kim Hạnh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết: Biểu hiện của bệnh TCM là có sốt nhẹ cộng với các nốt phỏng ở tay chân và miệng. Vì thế, trong mùa dịch, các trường mẫu giáo hoặc nhà trẻ khi tiếp nhận các con đi học phải kiểm tra bàn tay, sờ đầu xem con có ấm không và xem bàn tay có nốt gì không. Để phòng chống bệnh TCM, các trường tổ chức vệ sinh lau chùi toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa và các đồ chơi phải được ngâm Chloramin B, rửa sạch phơi nắng.

Để chủ động phòng chống bệnh TCM, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, khống chế không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, các trường học phải bảo đảm có đủ phương tiện rửa tay, xà phòng và làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày của trẻ bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Các trường cần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Không đưa trẻ đến lớp khi chưa hết bệnh

Trước sự gia tăng của các ca mắc TCM, Bộ Y tế khuyến cáo: Trẻ mắc bệnh thì không đến lớp cho đến khi hết loét miệng và các nốt phỏng nước để tránh lây bệnh cho trẻ khác. Thường xuyên vệ sinh dụng cụ học tập, đồ chơi, sàn nhà và các dụng cụ sinh hoạt khác của trẻ.

Nhớ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ,

Với trẻ em, các phụ huynh không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Các gia đình cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.  

* Ngày 2/10, theo số liệu giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, trong tuần 38 có 289 ca bệnh TCM nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca), tăng 130% so với tuần cùng kỳ 2017 (124 ca).  Như vậy,  tổng số ca TCM nhập viện tính đến hết tuần 38 là 3.195, giảm 20% so với cùng kỳ 2017. Bên cạnh đó, số ca khám ngoại trú đến hết tuần 38 là 15.499 giảm 28% so với cùng kỳ 2017. Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho hay, năm 2018, bệnh TCM tại TP HCM cũng diễn tiến như các năm trước. Số trường hợp nhập viện nội trú xoay quanh con số 100. Đến tháng 7 và tháng 8, bệnh nhập viện có xu hướng tăng nhẹ theo chu kỳ với trung bình nhập viện hàng tuần là 140 và 190. Tuy nhiên, trong 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh TCM nhập viện TPHCM có hiện tượng gia tăng nhanh. Ghi nhận, gần 60% ca bệnh đến từ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.     T.Giang

 Đức Trân

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ