A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Gia tăng các ca bệnh tay chân miệng

09:17 | 21/06/2023

Thời gian gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng với diễn biến phức tạp, trước tình hình đó, ngành y tế tỉnh đã và đang triển khai các biện pháp để chủ động ngăn ngừa dịch lây lan trong cộng đồng.

Số ca mắc tăng nhanh

Khoảng một tháng trở lại đây, Khoa Nhi tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi mắc bệnh TCM, trong đó có nhiều ca mắc bệnh độ nặng.

Tròn 7 ngày nhập Khoa Nhi tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị TCM cho con, chị Hà Thị Hà (23 tuổi, trú huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) mới tạm yên tâm khi sức khỏe con trai mình dần ổn định. Trước đó, bé Hà Bảo Phúc (19 tháng tuổi, con trai chị Hà) có dấu hiệu mệt mỏi, bỏ ăn, bỏ chơi, sốt cao, ở lòng bàn tay, bàn chân có nổi bọng nước nên gia đình đã cho bé nhập Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Jút để điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh TCM mức độ nhẹ nhưng do bệnh nhi còn nhỏ nên điều trị nội trú để theo dõi. Sau một ngày, thấy con sốt cao không hạ, hay giật mình, chị Hà đã chuyển bé lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Lúc này, tình trạng bệnh của bé Phúc đã nặng hơn. Sau khi được chăm sóc tích cực, hiện sức khỏe bé Phúc đã ổn định và tiếp tục được theo dõi. Đáng chú ý sau khi bé mắc bệnh, 3 trẻ tiếp xúc với bé Phúc cũng mắc bệnh TCM và đều phải nhập viện điều trị.

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nổi nhiều bọng nước tại lòng bàn chân.

Ngay sau khi thấy con có triệu chứng của bệnh TCM, chị Trần Thị Thanh Thúy (trú thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) lập tức đưa con trai 3 tuổi  của mình là bé Võ Thành Khôi khám và lấy thuốc tại một cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, hai ngày sau, bé lên cơn sốt, giật mình nhiều, lòng bàn chân và miệng nổi nốt đỏ bọng nước nên gia đình đã nhanh chóng đưa bé nhập Khoa Nhi tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị và được chẩn đoán mắc TCM mức độ 2a. Hiện bé Khôi vẫn còn sốt cao, bỏ ăn, ngủ không ngon giấc khiến chị Thúy rất lo lắng, trước đó bé có tiếp xúc với một số trẻ bị mắc TCM.

 

“Tay chân miệng là bệnh do vi rút gây ra và chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu điều trị triệu chứng; bệnh thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị sớm”- bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh.

Bác sĩ CKI Huỳnh Thị Bích Như, Khoa Nhi tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh TCM là căn bệnh truyền nhiễm thường xảy ra do sự xâm nhập của vi rút Coxsackie A16 hoặc Enterovirus 71 (EV71), trong đó EV71 ít gặp nhưng lại gây ra những biến chứng nặng nề hơn. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát. Từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận, điều trị cho trên 85 bệnh nhi mắc bệnh TCM, trong đó phần lớn trẻ mắc bệnh độ 2a (đến mức phải nhập viện). Đáng chú ý, trong khoảng một tháng trở lại đây số ca nhập viện tăng cao, chiếm 1/3 tổng số ca bệnh, trong đó có những trường hợp nặng có dấu hiệu sốc rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Không chủ quan, lơ là

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận khoảng 100 trường hợp mắc TCM rải rác ở 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có một trường hợp tử vong. Đáng chú ý, trong khoảng một tháng trở lại đây, số ca mắc TCM có dấu hiệu gia tăng, trung bình một tuần ghi nhận từ 12 - 15 trường hợp.

Thăm khám sức khỏe cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng

Theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mặc dù đơn vị đã tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong công tác phòng, chống dịch, tham mưu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức tuyên truyền trong trường học thực hiện "3 sạch" (ăn sạch, uống sạch, ở sạch); đảm bảo bàn tay sạch, đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay cho trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận người dân lơ là, chủ quan trong vấn đề bảo vệ sức khỏe cho trẻ, trong khi tình hình bệnh TCM còn diễn biến phức tạp cả về tính chất và quy mô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, triệt để.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh TCM, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh TCM, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Cùng với đó, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức truyền thông tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về bệnh TCM và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Đảm bảo các cơ sở giáo dục đào tạo có đủ các phương tiện để thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên, đúng cách, thuận tiện. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại những cơ sở giáo dục đào tạo, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời…

Hồng Chuyên

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/y-te-suc-khoe/202306/gia-tang-cac-ca-benh-tay-chan-mieng-e2a00ee/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ