A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

DỰ THẢO LUẬT BHYT (SỬA ĐỔI): Thêm nhiều quyền lợi cho người bệnh

07:55 | 29/06/2023

Dự án Luật BHYT sửa đổi đề xuất người tham gia BHYT sẽ được chi trả khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc nhiều bệnh lý trước sinh, sơ sinh; khám bệnh tại nhà cho người cao tuổi, phục hồi chức năng

Sáng 28-6, Bộ Y tế và Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về dự án Luật BHYT. Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết dự án Luật BHYT sửa đổi đang được lấy ý kiến sẽ có nhiều điểm thay đổi, đặc biệt là mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. "Dự thảo với mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia, đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ; bảo đảm quyền lợi, tạo công bằng và thuận lợi cho người tham gia BHYT. Trong đó, bổ sung phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT" - ông Dũng nói.

Lập hồ sơ sức khỏe cá nhân

Theo dự thảo, ngoài chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo quy định hiện nay, người tham gia BHYT sẽ được chi trả dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng; khám thai định kỳ và sinh con; sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con đối với phụ nữ mang thai; sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm một số bệnh...

DỰ THẢO LUẬT BHYT (SỬA ĐỔI): Thêm nhiều quyền lợi cho người bệnh - Ảnh 1.

Dự thảo Luật BHYT sửa đổi đề xuất thêm nhiều quyền lợi cho người bệnh

Ngoài ra, dự thảo đề xuất Quỹ BHYT sẽ chi trả phí khám sức khỏe định kỳ; KCB tại nhà cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng; sử dụng vắc-xin, sinh phẩm và dinh dưỡng trong điều trị. Một điểm mới được đề xuất là người tham gia BHYT được lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, được cơ sở KCB BHYT ban đầu quản lý. "Dự thảo này cũng bổ sung cho phép mở rộng phạm vi, mức hưởng, trao quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ y tế và loại dịch vụ y tế sử dụng. Đồng thời, đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHYT, nhất là người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam" - ông Dũng cho biết.

Ủng hộ mở rộng nhiều quyền lợi cho người bệnh BHYT, bà Tống Thị Song Hương, nguyên Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho rằng việc mở rộng khám sàng lọc, định kỳ sức khỏe cho người dân sẽ làm giảm gánh nặng điều trị bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện Quỹ BHYT có hạn như hiện nay, cần cân nhắc kỹ, có thể mỗi năm bổ sung sàng lọc một vài bệnh. Đồng thời, cần làm rõ bệnh gì cần sàng lọc, sàng lọc sớm là làm các dịch vụ gì và có đánh giá tác động và lợi ích của việc sàng lọc sớm bệnh đó. Nếu hiệu quả sẽ mở rộng sang các bệnh khác, không thể cùng lúc sàng lọc nhiều bệnh.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng việc đưa các gói BHYT bổ sung rất hợp lý, dành cho các đối tượng muốn được hưởng quyền lợi nhiều hơn dịch vụ mà BHYT chi trả. Đồng thời, đề xuất cần thêm quy định chặt chẽ trong việc chỉ định điều trị nội trú hưởng BHYT, sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế, chuyển tuyến không cần thiết.

Người dân phải trả gần 40% phí khám chữa bệnh

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 12-2022, cả nước có hơn 91,067 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 91,1% dân số. Bên cạnh đó, KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở ngày một tăng, đến nay đã đạt hơn 70% lượt KCB BHYT tại tuyến huyện và xã, 80% trạm y tế xã tổ chức KCB BHYT, Quỹ BHYT chi trả 100% tại tuyến xã.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng Phòng Chế độ, Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), đánh giá chính sách BHYT hiện ổn định, gói quyền lợi đầy đủ, tỉ lệ bao phủ BHYT cao, người bệnh tiếp cận dịch vụ KCB BHYT dễ dàng, Quỹ BHYT chi cho KCB ngày càng tăng. Tuy vậy, Quỹ BHYT đang đứng trước thách thức khi tỉ lệ bao phủ BHYT trên 90% song chưa bảo đảm cân đối thu chi trong năm, chi đang nhiều hơn thu. 

Việc chi cho BHYT chưa hiệu quả khi tỉ lệ bệnh nhân nội trú trái tuyến gia tăng, bệnh nhân KCB tuyến xã giảm, tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng. Trong khi đó, tiền người dân phải bỏ ra khi đi KCB vẫn còn cao, chiếm hơn 39,6% chi phí KCB. "Mục tiêu của chúng ta là phát triển BHYT toàn dân, tuy hiện đã có hơn 91% người dân tham gia BHYT nhưng phát triển 9% còn lại là vô cùng khó khăn. Chúng ta cũng đang và sắp phải đối phó với già hóa dân số, đồng nghĩa với người già nhiều, chi phí cho KCB sẽ lớn" - bà Hà nhận định.

Cũng theo bà Hà, mức đóng BHYT bình quân ở Việt Nam còn thấp, chính sách đang có xu hướng thu hẹp số người tham gia BHYT được ngân sách nhà nước đóng và đóng một phần nhưng tỉ lệ này còn rất cao. Mặc dù trong Luật BHYT quy định "BHYT là hình thức bắt buộc" nhưng chế tài xử phạt chỉ có tác dụng với đơn vị sử dụng lao động. 

Theo kết quả báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách BHYT năm 2023 của Chính phủ, vấn đề bất cập của chính sách thông tuyến KCB BHYT dẫn đến tình trạng bệnh nhân sử dụng dịch vụ vượt tuyến không cần thiết, làm gia tăng chi phí cho KCB BHYT ảnh hưởng đến cân đối Quỹ BHYT cũng như làm mất vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế dự phòng của trạm y tế xã.

Phải nghiên cứu kỹ lưỡng

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh dự án Luật BHYT sửa đổi rất quan trọng, có tác động trực tiếp đến người dân. Vì thế cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực trạng, tác động đầy đủ đối với các chính sách và tham vấn ý kiến kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với các luật hiện hành, nhất là Luật KCB. Bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Dự kiến, tháng 10-2023 Bộ Y tế báo cáo, trình dự án Luật BHYT sửa đổi để đưa vào Chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2024 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10-2024.

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/cong-doan/du-thao-luat-bhyt-sua-doi-them-nhieu-quyen-loi-cho-nguoi-benh-20230628210736443.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ