A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Hết lo COVID-19, cảnh giác với Nipah

08:45 | 30/09/2023

Trong khi Bộ Y tế đang xúc tiến chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B thì bệnh do virus Nipah lây truyền từ dơi bùng phát ở Ấn Độ gây ít nhiều lo ngại

Bộ Y tế cho biết số ca mắc và tử vong do COVID-19 của Việt Nam đã giảm mạnh trong nhiều tháng qua.

COVID-19 không còn phù hợp là bệnh nhóm A

Từ đầu năm đến đầu tháng 9-2023, cả nước ghi nhận hơn 97.600 ca mắc COVID-19. Số ca mắc trung bình tháng giảm 12 lần so với năm 2021 và giảm 68 lần so với năm 2022. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 giảm từ 1,86% năm 2021 xuống 0,1% năm 2022 và hiện còn 0,02% trong năm 2023, tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B phổ biến như sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà.

Theo Bộ Y tế, hiện cũng đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2. Đây là những yếu tố cho thấy COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Đến nay nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc-xin COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19 cao nhất thế giới. Tỉ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới. Tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới.

Mới đây, Bộ Y tế đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A và bãi bỏ một số văn bản phòng chống dịch COVID-19 do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định số 447, ngày 1-4-2020, về việc công bố dịch COVID-19. Đề nghị bãi bỏ một số văn bản phòng chống dịch COVID-19 do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ ban hành; các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Với việc bãi bỏ các văn bản nói trên, Bộ Y tế sẽ tiến hành các thủ tục để ban hành theo thẩm quyền quyết định điều chỉnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới chứa virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Theo Bộ Y tế, tại nước ta, với các dịch bệnh nhóm A, việc phòng chống chủ yếu là các biện pháp về hành chính xã hội, khi sang nhóm B thì bỏ các hoạt động kiểm soát này. Do đó, các địa phương phải chủ động rà soát tình hình dịch trên địa bàn và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Trong đó, tập trung bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 cùng với việc quản lý các bệnh truyền nhiễm khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và tiêm chủng vắc-xin.

Nên duy trì ý thức phòng bệnh

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng dù chưa công bố hết dịch COVID-19 và chuyển sang nhóm B nhưng thực tế nhiều tháng qua, các hoạt động trong đời sống hằng ngày chúng ta đã thực hiện như nhóm B.

"Thực tế trong hơn 3 năm qua, để chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch, đã có nhiều quy định, biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ nên khi chuyển nhóm bệnh sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ. Hiện các chính sách cụ thể liên quan đến việc khám chữa bệnh COVID-19, giám sát dịch, các hoạt động phòng bệnh… khi chuyển xuống nhóm B đang được Bộ Y tế xây dựng. Việc thực hiện chuyển nhóm và công bố hết dịch phải có hiệu lực trong cùng thời điểm" - PGS Phu nhấn mạnh.

Hết lo COVID-19, cảnh giác với Nipah - Ảnh 1.

Dù dịch COVID-19 không còn gây lo ngại nhưng các chuyên gia khuyến cáo người dân nên duy trì thói quen đeo khẩu trang nơi công cộng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Sự thay đổi đáng kể nhất khi công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A đó là tất cả những người mắc bệnh này sẽ không được nhà nước chi trả toàn bộ viện phí mà sẽ được thanh toán theo quy định của bệnh truyền nhiễm nhóm B (chỉ chi trả cho đối tượng có BHYT). Một số quy định về phòng chống dịch như giám sát dịch bệnh nhóm A, tiêm chủng vắc-xin cũng sẽ thay đổi

Tuy nhiên, với bệnh lây qua đường hô hấp như COVID-19, các chuyên gia dịch tễ tiếp tục khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với đối tượng nguy cơ hoặc có biểu hiện bệnh để không bị lây nhiễm. Những người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang, không để lây bệnh cho người khác. Cũng có thể xét nghiệm khi có triệu chứng hoặc nghi ngờ mắc bệnh để tự cách ly.

Ngoài ra, PGS Phu lưu ý dù đa số người dân đã được tiêm chủng vắc-xin COVID-19 nhưng hiệu lực bảo vệ sẽ giảm theo thời gian. Do đó, một số đối tượng nguy cơ cao phải được quan tâm và thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ.

Nipah khó có khả năng gây dịch tại Việt Nam

Trong bối cảnh dịch COVID-19 lắng sâu, nhiều dịch bệnh khác nổi lên gây lo ngại mà mới nhất là bệnh do virus Nipah.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết hiện virus Nipah đang lây lan tại miền Nam Ấn Độ. Dù dịch chỉ bùng phát đến một khu vực địa lý tương đối nhỏ nhưng tỉ lệ tử vong do virus Nipah cao (40%-75%, tùy thuộc vào chủng). Đặc biệt, sự lây lan ngày càng tăng giữa người với người có thể dẫn đến sự biến đổi của virus.

Bệnh chưa ghi nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngành y tế TP HCM vẫn tiếp tục tổ chức giám sát các trường hợp đi về từ vùng dịch. HCDC tiếp tục giám sát 24/24 người nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế để phát hiện sớm các trường hợp sốt hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Người bệnh sẽ được cách ly, xử trí kịp thời ngay tại cửa khẩu.

HCDC cho biết triệu chứng nhiễm Nipah thường xuất hiện sau 4-14 ngày tiếp xúc với nguồn lây. Do đó, người đi về từ vùng dịch nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, nhức đầu từ 3-14 ngày cùng với các dấu hiệu ho, đau họng và khó thở, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Nhận định về khả năng lây lan dịch tại Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết khác với COVID-19 - con đường truyền nhiễm chủ yếu từ người sang người, bệnh do Nipah virus chủ yếu lây từ động vật (dơi và heo) sang người. Đường truyền từ người sang người cũng xảy ra nhưng thường chỉ xảy ra khi tiếp xúc gần như người chăm sóc trong gia đình hoặc do nhân viên y tế không tuân thủ các quy định phòng chống nhiễm khuẩn tốt.

"Việt Nam không có loài dơi có khả năng mắc bệnh do virus Nipah. Vì vậy, đường lây chỉ có thể là từ người sang người. Tuy nhiên, với khả năng này thấp. Do đó, virus Nipah có khả năng gây dịch rất thấp tại Việt Nam" - PGS Dũng nhận định

COVID-19 thế giới tiếp tục giảm mạnh

Theo báo cáo dịch tễ công bố hôm 29-9 của WHO, số ca COVID-19 mới toàn cầu trong 4 tuần qua giảm mạnh 55% so với chu kỳ 4 tuần trước đó, còn 685.000, số ca tử vong cũng giảm 34% còn 1.900 trường hợp. Trong đó, số ca mắc mới của khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương (khu vực có Việt Nam) giảm sâu 65%, số ca tử vong giảm 15%.

WHO vẫn đang giám sát 3 "biến chủng được quan tâm" (VOI) là XBB.1.5, XBB.1.16 và EG.5, cùng với 7 "biến chủng đang được theo dõi" là BA.2.75, BA.2.86, CH.1.1, XBB, XBB.1.9.1, XBB.1.9.2 và XBB.2.3 (VUM); trong đó các dòng hậu duệ của chủng Omicron nói trên đều từng được đánh giá là không có sự gia tăng về khả năng gây bệnh nặng.

Cả VOI và VUM đều là cấp độ thấp hơn so với "biến chủng gây lo ngại"(VOC) như chủng gốc (bắt nguồn từ Vũ Hán năm 2019), Alpha, Delta hay Omicron ban đầu.

Anh Thư

Khó bùng dịch Nipah nhưng phải theo dõi đặc biệt

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm virus Nipah vẫn được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền từ động vật sang người mới nổi, bởi chủ yếu các ca mắc là do lây từ việc tiếp xúc trực tiếp, không được bảo vệ với động vật nhiễm bệnh hoặc mô của chúng.

Trong đó, các vụ dịch định kỳ hằng năm ở Ấn Độ và Bangladesh chủ yếu do dơi ăn quả, cũng là vật chủ tự nhiên của virus này. Malaysia và Singapore cũng từng ghi nhận các ổ dịch đơn lẻ do người chăn nuôi xử lý thịt bị lây từ heo mang bệnh do lây từ dơi.

Việc Nipah lây từ người sang người cũng từng được báo cáo trong gia đình và người chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh, thông qua việc tiếp xúc với dịch tiết và chất bài tiết của bệnh nhân.

Con đường lây nói trên khiến Nipah khó lòng bùng phát với số lượng lớn như các bệnh dịch thường xuyên lây giữa người với người khác. Tuy nhiên, do đây là một bệnh nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao nên được các chính phủ trên thế giới theo dõi đặc biệt.

Để ngăn chặn nguy cơ lây truyền của virus Nipah, WHO khuyến cáo mọi người nên rửa kỹ và gọt vỏ trái cây trước khi ăn, bỏ qua những quả có dấu hiệu bị dơi cắn.

Thu Anh

NGỌC DUNG - HẢI YẾN

https://nld.com.vn/suc-khoe/het-lo-covid-19-canh-giac-voi-nipah-20230929215239765.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ