A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Kiểm soát chặt thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử

15:34 | 03/06/2024

Thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử là hai trong số nhiều sản phẩm thuốc lá mới. Tuy nhiên, hai loại thuốc lá này có sự khác biệt lớn từ nguyên liệu, cấu tạo sản phẩm cho đến quy định quản lý.

Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá làm nóng có chứa nguyên liệu của thuốc lá.

Đều là một loại thuốc lá

Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều là hai trong số nhiều sản phẩm thuốc lá mới được đánh giá dựa trên nguyên lý không đốt cháy, khác với thuốc lá điếu. Tuy nhiên, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử có sự khác biệt lớn từ nguyên liệu, cấu tạo sản phẩm cho đến quy định quản lý. Thuốc lá làm nóng do được sản xuất từ nguyên liệu của thuốc lá, nên được gọi là sản phẩm thuốc lá.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia cần quản lý thuốc lá làm nóng theo luật hiện hành. Trong khi đó, thuốc lá điện tử không có nguyên liệu thuốc lá mà có dung dịch chứa nicotine. Vì vậy, từ năm 2022, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã phân loại thuốc lá làm nóng là “sản phẩm thuốc lá khác” với số hiệu là HS.2404 và mã HS.2403 dành cho thuốc lá điện tử.

Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, khoản 1 Điều 2 quy định: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.

Khoản 3 Điều 2 bổ sung: “Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”.

Như vậy, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá dùng “nguyên liệu thuốc lá” làm căn cứ để định danh đâu là sản phẩm thuốc lá.

Trước đó, tại một hội thảo vào tháng 10/2023, đại diện Bộ Tư pháp, cơ quan thẩm định phương án sửa đổi Nghị định 67 do Bộ Công Thương soạn thảo để trình Chính phủ về hướng kiểm soát thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho biết: "Theo định nghĩa tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá làm nóng chính là sản phẩm thuốc lá".

Cần kiểm soát chặt chẽ

Tại “Phiên giải trình về Trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng” diễn ra hồi đầu tháng 5, Bộ Y tế nêu ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương có trách nhiệm xác định đâu là sản phẩm thuốc lá. “Vấn đề phân cấp nguyên liệu thuốc lá, mua bán, chế biến, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá, hoặc kinh doanh các loại hàng hóa trên thị trường, đó là trách nhiệm của Bộ Công Thương", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết.

Luật Đầu tư quy định, thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện. Đây là các cơ sở pháp lý có thể tận dụng. Việc thực thi còn lại là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Ngoài ra, khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư có nêu rõ: “Quy định về tên ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong các luật khác phải thống nhất với Điều 6 và các Phụ lục của Luật Đầu tư”.

Do đó, việc cấm bất kỳ sản phẩm nào không thuộc danh mục cấm đồng nghĩa với việc phải sửa đổi cả Luật Đầu tư cho phù hợp với lệnh cấm đó.

Mới đây, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đều đã kiến nghị cần có hành lang pháp lý để quản lý thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử.

Bước đầu, Bộ Công Thương kiến nghị, đưa thuốc lá làm nóng vào kiểm soát dưới Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá theo hình thức thí điểm, đồng thời chưa cho lưu hành thuốc lá điện tử.

Một lo ngại khác của Bộ Y tế đối với thuốc lá làm nóng, trên thị trường có những sản phẩm "lai" giữa thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Đó là các sản phẩm vừa có dung dịch, vừa có nguyên liệu thuốc lá nên sẽ khó cho việc phân biệt để quản lý.

Tuy nhiên, kế hoạch thí điểm thuốc lá làm nóng của Bộ Công Thương đề xuất theo hướng chọn lọc, chỉ áp dụng cho những loại phù hợp với định nghĩa của luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đầu năm 2024, theo Báo cáo toàn diện về nghiên cứu và bằng chứng về các sản phẩm thuốc lá mới và mới nổi, có đến 175 quốc gia không cấm kinh doanh thuốc lá làm nóng mà quản lý bằng nhiều hình thức như: cấm sử dụng tại những nơi cấm hút thuốc, dán nhãn cảnh báo sức khỏe đối với điếu thuốc lá làm nóng, áp dụng các quy định về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ tương tự như thuốc lá điếu.

Ngọc Bích

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/kiem-soat-chat-thuoc-la-lam-nong-va-thuoc-la-dien-tu-10282331.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Địa chỉ trị mụn lưng uy tín, chuyên nghiệp ở Hồ Chí Minh - Bống Spa

      Mụn lưng khiến bạn tự ti khi diện những bộ cánh yêu thích? Bạn muốn trị mụn lưng dứt điểm? Hãy tìm đến địa chỉ trị mụn lưng chất lượng thay vì sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ, nguồn gốc bạn nhé.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ