A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phát triển sản xuất xanh từ việc nuôi kiến vàng làm thiên địch

08:24 | 27/12/2023

Thay vì dùng thuốc trừ sâu, nhiều người dân trồng cà phê ở Đắk Lắk đã áp dụng phương pháp nuôi kiến vàng trong vườn để khống chế, tiêu diệt các loại sâu, rệp gây hại cho cây trồng.

Ông Đặng Văn Huy (thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar) – người tiên phong thí điểm mô hình nuôi kiến vàng trong vườn cà phê chia sẻ, trước đây mỗi năm vườn cà phê của gia đình ông phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ít nhất khoảng 10 lần để phòng trừ các loại sâu, rầy, rệp gây hại.

Mặc dù hiệu quả trước mắt thì nhìn thấy rất rõ, nhưng về lâu dài thì đây không phải là biện pháp tốt. Bởi thuốc BVTV cũng gây không ít tác hại như: diệt các loại côn trùng có lợi cho cây trồng, gây thoái hóa tài nguyên đất, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và môi trường xung quanh...

Chính vì vậy, cách đây khoảng 10 năm, gia đình ông đã quyết định tìm một giải pháp thay thế, đó là chuyển sang dùng chế phẩm sinh học và nuôi kiến vàng để tiêu diệt các loài sinh vật gây hại, hướng đến phát triển sản xuất hữu cơ.

Vườn cà phê sử dụng kiến vàng trong phòng, chống sinh vật gây hại của hộ ông Đặng Văn Huy (thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar).

Đặc biệt, từ năm 2023, khi gia đình ông tham gia thực hiện mô hình “Ứng dụng biện pháp sinh học (sử dụng kiến vàng Oecophylla smaragdina Fabricius - kiến dệt tơ) trong phòng, chống sinh vật gây hại cây cà phê tại một số tỉnh Tây Nguyên” do Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật) triển khai thì việc sử dụng kiến vàng như một thiên địch của các sâu bệnh hại trong vườn cà phê được thực hiện bài bản, khoa học hơn và đã mang lại hiệu quả rất tốt. Số lượng sâu đục cành và rệp sáp giảm hẳn (giảm 40 – 50%), nhờ vậy cũng đã giảm được 70% lượng thuốc BVTV để phòng trừ mà vườn cây vẫn khỏe mạnh, sạch bệnh; sản phẩm cà phê cũng không còn nguy cơ tồn dư thuốc BVTV như trước đây. Điều này đã góp phần tạo nên một hệ sinh thái cho vườn cà phê phát triển bền vững.

 

Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đã xây dựng được 5 điểm ứng dụng kiến vàng trong phòng, chống sinh vật gây hại trên cây cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, với khoảng 100 hộ dân tham gia. Qua thực tế cho thấy, việc sử dụng kiến vàng để kiểm soát sinh vật gây hại trên các vườn cà phê có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với thuốc trừ sâu hóa học.

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, kiến vàng là loại kiến rất đặc biệt vì chúng có tập quán kết lá cây lại với nhau để làm tổ.

Trên thế giới, đã có những nghiên cứu về sử dụng kiến vàng làm tác nhân kiểm soát sinh học chống lại một số loài gây hại trên cây lâu năm nhiệt đới.

Trong nhiều trường hợp, chúng có hiệu quả trong việc kiểm soát côn trùng gây hại như thuốc trừ sâu hóa học thông thường và thậm chí còn hiệu quả hơn, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng nông sản, giúp nông dân giảm sử dụng thuốc trừ sâu, giảm ô nhiễm môi trường, cung cấp cho con người những sản phẩm sạch.

Kiến vàng có khả năng kiểm soát hơn 50 loài côn trùng gây hại như bọ xít hút nhựa cây, bọ cánh cứng, sâu bướm, bọ trĩ và ruồi đục quả trên cây trồng nhiệt đới và cây lâm nghiệp…

Bên cạnh đó, kiến vàng còn được biết đến là loài có khả năng thích nghi cao và có thể nhanh chóng phản ứng với những thay đổi của môi trường.

Do đó, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đã xây dựng các mô hình nghiên cứu sử dụng kiến vàng làm tác nhân kiểm soát sinh học hiệu quả trong phòng trừ sâu hại nhằm hướng đến sản xuất cà phê hiệu quả, an toàn và bền vững hơn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên.

Đây cũng là phương pháp kiểm soát thay thế thân thiện với môi trường và là giải pháp cho nền nông nghiệp sinh thái, đa giá trị.

Mô hình sử dụng kiến vàng trong phòng, chống sinh vật gây hại cây cà phê được nhiều người đến tham quan học hỏi.

Hiện nay, cà phê là một trong 13 sản phẩm chủ lực của Việt Nam và là một trong 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD trong những năm gần đây. Trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu cà phê đang siết chặt các tiêu chuẩn về chất lượng, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) đang siết chặt quy định dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, trong đó có cà phê là 0,1 mg/kg cũng là một khó khăn, đòi hỏi nông dân của "thủ phủ cà phê" phải điều chỉnh phương thức sản xuất để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới này. Đây cũng là động lực để ngành cà phê Việt Nam - Đắk Lắk có những thay đổi, cải tiến nhằm theo kịp xu thế chung của các thị trường nhập khẩu lớn, tạo tiền đề để duy trì vị thế của cà phê Việt Nam, không chỉ về sản lượng, xuất khẩu, mà còn về chất lượng và quy mô sản xuất.

Theo ông Huỳnh Văn Tấn, Phó Phòng Kỹ thuật - Chuyển giao (Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung), các vườn cây ở Tây Nguyên có điều liện thuận lợi giúp kiến vàng sinh trưởng, phát triển tốt. Do đó, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu và phổ biến, nhân rộng đến bà con nông dân không chỉ trên cây cà phê mà còn ở các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao trong thời gian tới. "Sang năm, chúng tôi sẽ thực hiện trên cây sầu riêng. Mục đích là giúp nông dân chúng ta hiểu hơn về lợi ích của kiến vàng trong phòng trừ sâu hại không chỉ trên cà phê mà còn trên sầu riêng nữa", ông Tấn chia sẻ.

Minh Thuận

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202312/phat-trien-san-xuat-xanh-tu-viec-nuoi-kien-vang-lam-thien-dich-0a30133/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ