A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cây dâu tằm “bén rễ” trên vùng đất khó

13:59 | 14/06/2024

Du nhập vào địa bàn huyện Lắk khoảng 10 năm về trước, mô hình trồng dâu, nuôi tằm đã và đang góp phần tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân tại địa phương.

10 năm cây dâu “bén rễ”

Với vị trí địa lý giáp với tỉnh Lâm Đồng – vùng trọng điểm về nghề trồng dâu, nuôi tằm của cả nước, cây dâu tằm cũng dễ dàng bén duyên với vùng đất bên hồ Lắk.

Chia sẻ về "cơ duyên" với mô hình trồng dâu, nuôi tằm, Chi hội trưởng Hội Nông dân tổ dân phố 4 (thị trấn Liên Sơn) Dương Văn Thiện cho hay, trong thời gian làm thuê tại huyện Lâm Đồng, nhận thấy nghề trồng dâu, nuôi tằm mang lại nguồn thu nhập khá cao nên lúc rảnh rỗi, anh đều lân la tiếp xúc với các hộ dân làm nghề này để học hỏi kinh nghiệm.

Nhận thấy điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương cũng tương tự với các vùng trồng dâu, nuôi tằm ở tỉnh Lâm Đồng, năm 2014 anh cùng một số hộ dân tại tổ dân phố 4 mua giống dâu về trồng thử nghiệm trên đất trồng lúa 1 vụ. Gia đình anh đã trồng 2 sào dâu, sau một thời gian cây sinh trưởng, phát triển tốt, anh sang Lâm Đồng để mua giống tằm về nuôi.

“Làm thử, ăn thật”, dù làm nhỏ lẻ, nhưng mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh và các hộ dân khác. 10 năm gắn bó với cây dâu, kén tằm, từ 2 sào ban đầu, đến nay gia đình anh đã mở rộng diện tích trồng dâu lên gần 1 ha, trung bình mỗi năm gia đình anh bán ra thị trường khoảng 65 – 70 hộp kén tằm (mỗi hộp khoảng 50 kg, hiện tại giá bán 220.000 đồng/kg).

Vườn dâu xanh mướt của gia đình chị Dương Thị Hòa (tổ dân phố 4, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk)

Cũng là một trong những hộ dân mạnh dạn mua giống dâu, tằm về địa phương, với mục đích thử nghiệm, gia đình chị Dương Thị Hòa ở tổ dân phố 4 (thị trấn Liên Sơn) đã gắn bó với mô hình này gần 10 năm nay.

Chị Hòa cho biết, đất sản xuất của gia đình chủ yếu đất pha cát, hầu như chỉ trồng lúa được một vụ, năng suất, sản lượng không cao nên khi được anh Thiện “mách nước”, vợ chồng chị quyết định thử nghiệm mô hình trồng dâu trên 2 sào đất trồng lúa một vụ.

Hiện nay, gần 1 ha đất canh tác của gia đình chị đã phủ xanh cây dâu, ngoài ra để đáp ứng cho việc nuôi tằm, chị còn thuê đất của một số hộ dân khác để mở rộng diện tích. Chị rất phấn khởi vì mô hình này mang lại lợi nhuận cao, chi phí đầu tư thấp, xoay vòng vốn nhanh và thị trường tương đối ổn định; từ một nghề phụ, nay đã trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình. Mỗi tháng gia đình chị có thể nuôi được 1 - 2 lứa tằm, với giá kén hiện tại dao động từ 200.000 – 210.000 đồng/kg, mỗi tháng gia đình chị thu về khoảng 15 – 20 triệu đồng.

Hết cảnh “Nuôi tằm ăn cơm đứng”

Người xưa có câu “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” để nói về sự vất vả, cực nhọc của những người làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, bởi trước đây nghề này làm theo cách truyền thống.

Hiện nay, khi khoa học công nghệ phát triển, nông dân đã tích cực học hỏi và áp dụng những tiến bộ của công nghệ vào sản xuất, nhờ vậy tiết kiệm được công sức, thời gian, năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.

Lứa tằm của gia đình chị Hà Thị Sâm (buôn Thái, xã Bông Krang, huyện Lắk) trong giai đoạn làm kén

Theo chia sẻ của chị Dương Thị Hòa, thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, các hộ dân đều tận dụng một không gian trống trong nhà và sử dụng nong, nia để nuôi tằm. Với cách làm truyền thống này, con tằm dễ nhiễm bệnh, dẫn tới sinh trưởng không đều, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng; còn bây giờ bà con đầu tư xây hẳn một khu nhà riêng, mua khay về cho tằm ở. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nghề này, tằm dễ bị ruồi xâm nhập tấn công, do đó gia đình chị mua màn về mắc để bảo vệ tằm. Với phương pháp này, tằm được cách ly tối đa với các loài côn trùng dễ truyền bệnh, giúp người dân giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong quá trình nuôi.

Tương tự, với kinh nghiệm 6 năm theo nghề trồng dâu, nuôi tằm, chị Hà Thị Sâm, trú buôn Thái (xã Bông Krang) cho rằng, hiện nay công việc nuôi tằm không còn vất vả như trước đây, nhờ sử dụng khay nên mỗi lần cho tằm ăn và thay phân đều dễ dàng, quá trình thu hoạch kén cũng nhanh chóng vì có máy chuyên dụng hỗ trợ.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk Nguyễn Viết Quang cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 36 ha được bà con sử dụng để trồng dâu, nuôi tằm, tập trung chủ yếu ở các xã Krông Nô, Đắk Nuê, Bông Krang và thị trấn Liên Sơn, trong đó thị trấn Liên Sơn chiếm khoảng 50% tổng diện tích toàn huyện.

Cuối năm 2019, từ nguồn vốn thuộc Chương trình 30a, Trạm Khuyến nông huyện đã thực hiện chương trình đẩy mạnh phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm tại hai xã Krông Nô và Đắk Nuê. Theo đó, chương trình đã hỗ trợ cho 10 hộ thuộc diện hộ nghèo đang trồng dâu, nuôi tằm ở hai xã này, mỗi hộ từ 15 - 20 triệu đồng để mở rộng mô hình và được tiếp cận với kỹ thuật nuôi tằm hiệu quả hơn.

Thời gian tới, địa phương sẽ xem xét, ưu tiên nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình 1719) và Chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ người dân duy trì, mở rộng quy mô sản xuất nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Hoàng Tuyết

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202406/cay-dau-tam-ben-re-tren-vung-dat-kho-9a8191d/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ