A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đắk Lắk: Lập lại trật tự khai thác khoáng sản

14:22 | 02/01/2014

Tuy cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã nhiều lần và liên tục thông báo: vùng đất thuộc Tiểu khu 300 (xã Cư Klông, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lắk) không có đá quý (đá màu- saphia), nhưng nhiều người từ các nơi vẫn đổ về khai thác trái phép

Hiện tượng đào dãi trái phép tìm đá quý 
tại Tiểu khu 30 đã dần được giải tỏa
 
Rất dễ dàng nhận thấy tình trạng khai thác này bởi không ít dụng cụ đào bới, đào đãi được người dân vứt lại ngay tại bìa rừng của Tiểu khu 300. Trong khu vực này, rất nhiều hố đất được khoét, sâu 2-3 mét, chạy dài theo hai bên bờ suối. Còn sâu trong Tiểu khu, gần như một "công trường khai thác” hoạt động rất mạnh, với trung bình 50 người làm việc liên tục. Rất nhiều người dùng sàng đãi  cát sỏi mong kiếm được những viên đá quý.
 
Điều đáng nói là cả khu rừng rộng vài héc-ta cũng bị những người đào đãi đá quý trái phép chặt hạ, còn nền đất thì bị cày xới. Trong lòng suối, người ta đãi cát rất nhiều khiến nước đục ngầu. Những người đào đãi đã dựng những túp lều tạm bợ để sinh hoạt. Những người đào đãi này chủ yếu là người địa phương khác đến, vào Tây Nguyên làm thuê, nghe nói nơi đây có đá quý thì rủ nhau đi đào đãi. Tại bãi khai thác ở vùng lõi tiểu khu 300 có nhiều nhóm cùng khai thác, chủ yếu đều dưới 20 tuổi. Tuy nhiên, cũng có người lên tới trên 60 tuổi cũng bị cuốn vào cơn lốc "săn đá”.
 
Trước tình hình đó, Công an huyện Krông Năng đã triển khai một tổ công tác gồm 10 cán bộ chiến sĩ cắt cử nhau vào địa điểm khai thác để kịp thời nắm tình hình, ngăn chặn việc khai thác khoáng sản trái phép. Tổ công tác đã lập danh sách và triển khai 120 lượt truy quét, đưa gần 600 đối tượng ra khỏi địa bàn khai thác và thu giữ nhiều phương tiện đào đãi. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, sâu trong rừng, đi lại khó khăn nên việc kiểm tra, giải tán cũng không làm hết. Tới nay, dù tình hình đã yên nhưng vẫn còn một số đối tượng lén lút đào đãi, trung bình mỗi ngày chừng 20 người.. Việc làm đó không chỉ tàn phá môi trường mà còn ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh trật tự. Vì thế, tổ công tác vẫn phải chốt chặn,  túc trực 24/24 giờ để tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, vận động các đối tượng ra về.
 
Về việc này, rất cần lưu ý đến những quy định trong Nghị định số 142/2013/NĐ-CP, được Chính phủ ban hành ngày 24-10-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 15-12-2013. Theo đó, cá nhân có hành vi khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khai thác vượt quá 100% trở lên so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản đối với vàng, đá quý, bạc, platin, khoáng sản độc hại cũng sẽ bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng, mức phạt sẽ là 2 tỷ đồng đối với vi phạm của tổ chức.
 
Cùng đó, Nghị định bổ sung nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác khoáng sản về trạng thái an toàn; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hư hỏng hạ tầng kỹ thuật; thực hiện việc nâng cấp, duy tu, xây dựng đường giao thông; buộc giao nộp mẫu vật, thông tin về khoáng sản cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản; buộc nộp lại toàn bộ khối lượng khoáng sản hoặc giá trị bằng tiền có được do việc khai thác ngoài diện tích khu vực khai thác; do khai thác vượt quá công suất được phép khai thác gây ra; buộc cải chính thông tin, dữ liệu sai lệch do thực hiện hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
 
V.HÙNG

 

    Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ