A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn: Quá nghiêm khắc?

08:04 | 11/11/2023

Cơ quan thẩm tra cho rằng nên cân nhắc quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp để không "chỏi" với văn hóa, tập quán và tránh ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 10-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu là cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Không nên tuyệt đối hóa

Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho hay một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung trên vì quá nghiêm khắc; chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người Việt Nam. Bên cạnh đó, việc này có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi xây dựng dự luật theo hướng quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm thống nhất với quy định tại Bộ Luật Hình sự.

Trong khi đó, một số thành viên khác của cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì nội dung này được quy định tại Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn đã chứng minh tính hiệu quả.

Thảo luận tại tổ, đại biểu (ĐB) Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu dẫn chứng ở Phần Lan, tài xế được khuyến cáo nếu uống 1 chai bia thì phải nghỉ trong 1 tiếng, uống 2 chai phải nghỉ 3 tiếng... trước khi tham gia giao thông. Thực tế, hàm lượng chất kích thích này chưa đủ tác động đến thần kinh, tài xế vẫn đủ tỉnh táo để điều khiển phương tiện giao thông. "Tối hôm trước liên quan, sáng hôm sau đo nồng độ cồn vẫn còn. Nếu cấm tuyệt đối thì không phù hợp bởi người tham gia giao thông vẫn tỉnh táo, có thể đi làm bình thường" - ĐB Huân nêu quan điểm và đề nghị quy định tỉ lệ giới hạn về nồng độ cồn.

Chung quan điểm, ĐB Phạm Đức Ấn (đoàn TP Hà Nội) cho rằng các nước trên thế giới đều quy định tỉ lệ nồng độ cồn nhất định, không nhất thiết có nồng độ cồn trong máu và khí thở là bị xử phạt. ĐB Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đề nghị căn cứ vào sức khỏe của người Việt và tiêu chuẩn của ngành y tế để khống chế tỉ lệ phù hợp.

Theo ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), quy định cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện được luật hóa từ Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. ĐB Xuân đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá lại tác động của việc thực hiện nghị định này làm cơ sở cho QH bấm nút thông qua.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) đề nghị quy định rõ "có nồng độ cồn" hay "có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép". "Cần thiết kế lại quy định theo hướng xác định mức nồng độ cồn không được vượt quá. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể để người dân dần hạn chế, tiến tới không sử dụng rượu bia trước khi lái xe" - ĐB Lan góp ý.

Cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn: Quá nghiêm khắc? - Ảnh 1.

Phòng CSGT, Công an TP HCM kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe khách Ảnh: Ý LINH

Sao phải đổi giấy phép lái xe đang sử dụng?

Dự thảo luật quy định giấy phép lái xe (GPLX) không thời hạn được cấp trước ngày 1-7-2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Một số ĐB Quốc hội băn khoăn quy định trên có thể gây lãng phí và phiền hà cho người dân. Theo ĐB Vi Đức Thọ (đoàn Sơn La), số lượng GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh theo dự thảo luật là rất lớn, chủ yếu là GPLX mô tô. ĐB Tống Văn Băng cho rằng việc đổi GPLX nếu chỉ nhằm mục đích thực hiện theo mẫu mới thì không nên bắt buộc bởi dù miễn phí hay không thì cũng là tiền ngân sách, từ tiền thuế của người dân.

Trao đổi với báo chí trước đó, đại diện Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay đề xuất cấp đổi GPLX như trên nhằm thực hiện tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có tích hợp GPLX.

Hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý trên 8,8 triệu GPLX ô tô và trên 46,7 triệu GPLX mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gặp khó bởi còn hơn 20 triệu GPLX mô tô bằng giấy được cấp từ năm 1995 đến tháng 7-2012, chỉ hiển thị tên và năm sinh của người dân, không có ngày - tháng sinh nên không đồng bộ được. Bên cạnh đó, người được cấp GPLX trước đây chủ yếu sử dụng CMND 9 số, không đồng bộ dữ liệu với CCCD 12 số hiện nay nên cũng không cập nhật được.

Vì vậy, trước mắt Cục Đường bộ Việt Nam khuyến khích người dân đổi GPLX từ bản giấy sang PET (nhựa) để cập nhật theo CCCD 12 số, phù hợp với dữ liệu hệ thống. Về lâu dài, Chính phủ cần có lộ trình, chính sách phù hợp về đổi GPLX để đồng bộ đầy đủ dữ liệu và hiển thị trên hệ thống VNeID. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho người dân và phục vụ công tác quản lý của cơ quan chức năng

Đề xuất quy định trừ điểm giấy phép lái xe

ĐB Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đề nghị đưa quy định tính điểm GPLX đối với tài xế vào dự luật này. Cụ thể, có thể đưa ra mức 16 hoặc 20 điểm; khi tài xế vi phạm thì bị trừ điểm. Đến mức điểm trừ tối đa, tài xế sẽ bị hủy GPLX, phải thi lại để được cấp.

"Trước đây đã có quy định bấm lỗ GPLX nhưng sau đó bỏ, bây giờ nên trừ điểm. Tất nhiên, không phải lỗi nào cũng trừ điểm mà chỉ áp dụng với những lỗi như vi phạm tốc độ nghiêm trọng, gây hậu quả" - ĐB An nói thêm.

VĂN DUẨN - HUY THANH

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/cam-tuyet-doi-tai-xe-co-nong-do-con-qua-nghiem-khac-20231110211222015.htm

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ