A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Hiện thực hóa khát vọng xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc

16:43 | 08/02/2024

Trải qua 120 năm xây dựng và phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, vị trí chiến lược quan trọng, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh...

... đã và đang tiếp tục hiện thực hóa khát vọng “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”.

Nhân dịp đầu Xuân mới, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk trả lời phỏng vấn Báo Đắk Lắk về những quyết tâm mạnh mẽ và khát vọng lớn lao trong hành trình thế kỷ ấy.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung. Ảnh: Hoàng Gia

* Đắk Lắk đã trải qua 120 năm xây dựng và phát triển; trên hành trình thế kỷ ấy, nói về thế và lực của tỉnh Đắk Lắk hôm nay, đồng chí nhấn mạnh về những điều gì?

Đắk Lắk là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung. Ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách Đắk Lắk trở thành một trong 20 tỉnh, thành phố thuộc Trung kỳ thời Pháp thuộc. Đây là một dấu mốc lịch sử quan trọng, một bước ngoặt lớn ghi nhận vị thế và tầm vóc của tỉnh. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, địa danh Đắk Lắk đã gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với nhân dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách và những thành quả lớn lao trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trải qua 120 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên, dân số thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng của Tây Nguyên, nằm trong Tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia; có điều kiện rất thuận lợi để hợp tác, kết nối không gian phát triển, tạo động lực thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương trong vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và một số trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Đặc biệt, Đắk Lắk còn là nơi hội tụ nhiều nét đặc sắc về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 49 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” được tổ chức UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã góp phần làm nên một Đắk Lắk giàu truyền thống văn hóa, độc đáo, đậm đà bản sắc.

Vị thế quan trọng, chiến lược của tỉnh đối với vùng và quốc gia được xác định trong nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương qua các thời kỳ, rõ nét nhất là Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, đã khẳng định sứ mệnh lớn được đặt lên vai tỉnh Đắk Lắk là phát triển kinh tế phải hài hòa với văn hóa (mang đặc thù riêng của vùng Tây Nguyên), xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; cùng với đó, phải là trung tâm, cực tăng trưởng của khu vực.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung (thứ hai từ phải sang) cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại huyện Cư Kuin.

Khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, qua 120 năm xây dựng và phát triển, gần 50 năm thống nhất đất nước, giải phóng Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng cao (giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,75%/năm; giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,07%/năm); giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Tỉnh đã thu hút được một số dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn của đất nước. Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ; môi trường chính trị và xã hội được duy trì ổn định; các chính sách xã hội được quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững.

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Đắk Lắk cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong tỉnh cần tiếp tục khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế; tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; quán triệt sâu sắc, toàn diện, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc quan điểm: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

* Trên hành trình đi tới, xin đồng chí cho biết tỉnh sẽ có những giải pháp, đột phá mới nào để tiếp tục hiện thực hóa khát vọng “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh đặt ra yêu cầu, quyết tâm đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị trực thuộc, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đến năm 2045: “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”, thật sự xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, bảo đảm đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân đạt mức khá của cả nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung (đứng giữa) kiểm tra tiến độ xây dựng các hạng mục thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng (huyện Ea Kar).

Tỉnh tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá đã nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; trong đó chú trọng tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tổ chức triển khai kịp thời Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột theo Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội và các nhiệm vụ tại Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và chăn nuôi đại gia súc theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến các loại sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của Đắk Lắk như cây công nghiệp, cây ăn quả; chú trọng phát triển năng lượng tái tạo như điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối tại các địa bàn có tiềm năng. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, giảm nghèo, an sinh xã hội; thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách về giải quyết việc làm, không ngừng cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và xây dựng chính quyền số theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; huy động lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tập trung lãnh đạo xây dựng Đảng bộ tỉnh và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển.

* Nhân dịp đón chào Xuân Giáp Thìn - 2024, đồng chí có thông điệp gì muốn gửi gắm đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh nhà?

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), cũng là năm tạo đà bứt phá, tăng tốc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ Đại hội đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, cùng với những tiềm năng, thế mạnh cần tiếp tục phát huy, đặc biệt với một số thành tựu tăng trưởng tốt ở lĩnh vực kinh tế - xã hội trong thời gian qua, Đảng bộ tỉnh đặt ra yêu cầu đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung và tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị. Cùng với đó, thiết thực chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 38-CT/TU, ngày 23/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân, nhất là người đứng đầu chủ động, tích cực với quyết tâm chính trị cao, có sáng kiến đổi mới, đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ được giao; lựa chọn một số dự án, công trình trọng điểm để đẩy mạnh triển khai thực hiện chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh.

Trên chặng đường sắp tới tuy còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với bề dày về truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng vẻ vang, kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả từ thực tiễn, tin rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên, quyết tâm hoàn thành cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phấn đấu “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”.

Nhân dịp đón chào Xuân Giáp Thìn - 2024, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, xin chúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào xa quê hương đón Tết vui tươi, mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công, năm mới thắng lợi mới.

* Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Xuân (thực hiện)

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/chinh-tri/202402/hien-thuc-hoa-khat-vong-xay-dung-dak-lak-giau-dep-van-minh-ban-sac-fb3188e/

 

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ