A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thầm lặng gieo chữ nơi bản Mông

11:45 | 22/11/2013

Trong hơn 15 năm qua, từ khi hàng nghìn hộ dân người Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào khai hoang, lập nghiệp tại vùng đất Cư Pui (huyện Krông Bông),

nhiều thầy cô giáo ở 5 điểm trường thuộc Trường Tiểu học Cư Pui 2 đã âm thầm bám trụ, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để hằng ngày mang những con chữ đến với học sinh nơi những bản Mông này.

Điểm trường Ea Lang có 19 lớp với 583 học sinh (hầu hết là người Mông) được thành lập năm 1997. Kể từ đó, có 10 thầy cô giáo luôn bám trụ tại điểm trường nơi rừng sâu heo hút này. Thầy Lê Đức Hoàng, giáo viên dạy lớp 4 nhớ lại: “Khi mới thành lập, phòng học tại điểm trường Ea Lang  chỉ là những gian nhà tranh, bàn ghế là những thanh lồ ô ghép lại. Thầy cô ở nhờ nhà dân chứ không có nhà nội trú, đi dạy phải đi bộ vì không có đường. Điều kiện học tập của học sinh vô cùng khó khăn nên chất lượng học tập rất thấp. Vì vậy, thấy các em đến lớp là thầy cô mừng lắm rồi”. Điều kiện khó khăn như thế nên các thầy cô giáo bám trụ ở đây phải nỗ lực rất nhiều để nâng cao chất lượng giáo dục tại điểm trường, như cô giáo Nguyễn Thị Nhiễm, giáo viên dạy lớp 5 tự nguyện dạy phụ đạo miễn phí cho những học sinh yếu để giúp các em củng cố kiến thức.
Thầy Đỗ Văn Trung và các em học sinh lớp 4 điểm trường Ea Rớt  trong ngày tổng kết năm học 2012-2013.
Thầy Đỗ Văn Trung và các em học sinh lớp 4 điểm trường Ea Rớt trong ngày tổng kết năm học 2012-2013.

Khó khăn không kém chính là điểm trường Ea Bar, tại đây có 13 lớp, cũng chủ yếu là học sinh người Mông. Các thầy cô dạy tại điểm trường đều ở rất xa như TP.Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pak, Ea Kar…; hoặc đến từ các xã trong huyện nhưng cách trường 40-50 km. Các thầy cô giáo ở đây đều phải đối mặt với hoàn cảnh “3 không”: Không đường, không điện, không nước sạch. Thầy Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Công đoàn nhà trường nhớ lại: “Năm 2002, khi mới thành lập điểm trường, phòng học là những gian nhà lợp lồ ô, khu nội trú tạm bợ, chật chội, các thầy cô phải dùng nước suối để sinh hoạt hằng ngày. Học sinh đa số không biết tiếng Việt. Song với tình yêu nghề, cảm thông với hoàn cảnh của học sinh nên  các thầy cô đã khắc phục những khó khăn, gian khổ để bám trụ dạy dỗ các em”. Bám trụ lâu nhất tại điểm trường này là thầy giáo Hồ Quốc Khánh với “thâm niên” hơn 10 năm. Hoàn cảnh gia đình của thầy Khánh cũng rất khó khăn, nhà ở tận thị trấn Krông Kmar, các con còn nhỏ. Dạy ở điểm trường này, thầy Khánh coi như đi công tác xa nhà, cả tuần mới về một lần. Thầy tâm sự: “Chính tình cảm của học sinh và phụ huynh nơi đây đã giữ chân tôi; các em học sinh tuy học lực còn yếu nhưng lại rất ngoan và chăm đến trường”. Với cô giáo Trịnh Thị Phương, dù đã hoàn thành thời gian phân công dạy ở điểm trường này nhưng  cô đã làm đơn xin ở lại, cũng bởi “thương các em học sinh người Mông phải chịu rất nhiều thiệt thòi, khó khăn, điều kiện học tập thiếu thốn”.

Điểm trường Ea Rớt cách điểm trường chính đến 20 km, đường đi rất khó khăn với nhiều đèo, dốc cao. Đây là điểm trường khó khăn nhất của Trường Tiểu học Cư Pui 2. Điểm trường có 8 lớp với gần 200 học sinh nhưng cơ sở vật chất của điểm trường chỉ có 4 phòng học tạm và 2 gian nhà ở giáo viên. Thầy Đỗ Văn Trung, quê ở tỉnh Quảng Ngãi vào công tác tại điểm trường này đã được 4 năm. Sau khi hết thời gian giảng dạy ở điểm trường Ea Rớt theo quy định, thầy Trung vẫn tiếp tục xin ở lại điểm trường. Thầy Lê Ngọc Hùng, nhà ở xã Cư Kty cách trường gần 50 km cũng tình nguyện xin vào giảng dạy ở điểm trường Ea Rớt. Ngoài giờ dạy, thầy Hùng hay đến các gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh và động viên học sinh. Thầy Hùng cho biết: “Nhiều học sinh thường xuyên nghỉ học vì đường xa, thiếu quần áo, gia đình khó khăn không có tiền nộp để mua học bạ, quỹ đội, tiền giấy thi... Biết được nguyên nhân, các thầy cô ở điểm trường thường xuyên đến tận nhà để động viên các em ra lớp, vận động quyên góp quần áo cũ để tặng các em; trích tiền lương để nộp tiền cho các em và mua kẹo thưởng cho những em ngoan, học giỏi để các em phấn khởi đến lớp”.

Ở các điểm trường khác như Cư Tê, Ea Uôl cũng có hàng chục thầy, cô gắn bó với các em học sinh người Mông từ khi mới thành lập. Từ các điểm trường này, nhiều thầy cô đã nên duyên vợ chồng và tình nguyện ở lại giảng dạy lâu dài, gắn bó với các bản Mông như vợ chồng thầy Thế - cô Tâm, thầy Ngọc - cô Bình, thầy Anh - cô Thiên, thầy Dũng - cô Lan… Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, điều kiện giảng dạy chưa được cải thiện nhưng với sự tâm huyết, lòng yêu nghề, những giáo viên nơi đây vẫn âm thầm cống hiến, thầm lặng mang những con chữ và gieo niềm hy vọng cho những học sinh nơi bản Mông xa xôi.

Tùng Lâm

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ