A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phập phù chính sách, giáo viên… ra đường

09:53 | 15/05/2014

Việc hơn 300 giáo viên (GV) có thâm niên tại các trường tiểu học và THCS tại huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) mới đây bị cắt hợp đồng giảng dạy để thay thế người mới "có phần hơi bất công” theo ông Nguyễn Tiến Đức - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Phong.

 
 
Trường THCS Dũng Liệt, Yên Phong, Bắc Ninh có 22 GV hợp đồng/37 GV, đợt tuyển dụng viên chức vừa qua chỉ có 4 GV đỗ
 
Nhưng theo vị Trưởng Phòng này, những đề nghị về việc cần ưu tiên cho những người có nhiều kinh nghiệm đứng lớp và nhiều người từng được công nhận GV dạy giỏi các cấp không được cấp trên chấp thuận. Vậy thực hư câu chuyện cấp trên không chấp thuận là gì? Cấp dưới có vô tình tiếp tay khiến GV có thâm niên phải ra đường phút chốc?
 
Khó gỡ?
 
Mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trong buổi họp tại UBND tỉnh Bắc Ninh hôm 9-5 khẳng định đặc cách theo Nghị định (NĐ) 29 của Chính phủ về tuyển dụng viên chức, công chức là một trong những hình thức tuyển dụng đặc biệt, thu hút những người có trình độ, năng lực tham gia vào đội ngũ viên chức. "Tuy nhiên ở trong trường hợp của Yên Phong khi có văn bản gửi sang thì xem xét đây là trường hợp khó gỡ. Đó là do 6-7 năm không tổ chức kì thi tuyển viên chức mà chỉ thực hiện ký hợp đồng lao động cho nên số lượng người ký hợp đồng lao động quá nhiều, trên 500 người” - ông Tuấn nói. 
 
Trước đó, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Lê Kim Trường cho biết: "Ngày 25-11-2013, UBND huyện Yên Phong đã có Công văn 687 xin ý kiến Sở Nội vụ tỉnh về việc xét tuyển đặc cách viên chức” có thời gian công tác liên tục từ 36 tháng trở lên, nhưng GĐ Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh khi đó là ông Đỗ Văn Thiêm ký công văn trả lời cho biết "Sở Nội vụ không dám phê duyệt việc xét tuyển đặc cách đối với các trường hợp đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Vì nếu tuyển đặc cách còn ưu tiên hơn cả chính sách cộng điểm ưu tiên trong thi, xét tuyển”.
 
Nói vậy nhưng Sở Nội vụ ngày 26-4-2013 đã gửi công văn xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ cho phép tuyển dụng đặc cách những GV này, song đến giờ Sở vẫn chưa nhận được bất kỳ trả lời chính thức nào của Bộ. Một lãnh đạo của Bộ từng nói nếu cho Bắc Ninh làm có lẽ cả nước sẽ xin làm.
 
Về nguyên tắc, khi Sở Nội vụ hỏi bằng công văn dứt khoát phải trả lời bằng văn bản, thiếu sót của Vụ Công chức - Viên chức là không trả lời bằng văn bản nên theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, "Chúng tôi nhận thiếu sót về vấn đề này và đang yêu cầu các cá nhân liên quan kiểm điểm để có hình thức xử lý phù hợp”. 
 
Quan trọng không kém, tuyển dụng viên chức phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật và còn phải tính đến yếu tố lịch sử để đảm bảo khi giải quyết vấn đề có tình có lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhất là đối với đội ngũ các thầy cô giáo đang dạy trong các trường. Việc Bắc Ninh loại bỏ đối tượng đặc cách đối với những đối tượng hợp đồng lâu năm cần phải rút kinh nghiệm. 
 
Với ngành đặc thù là GV, dù làm đúng quy định nhưng chưa đảm bảo đầy đủ có tình có lý, chưa có giải pháp giải quyết tồn tại lịch sử để lại, chưa thể coi là làm đúng. Song đó là hậu quả của việc huyện này 7 năm không xét tuyển viên chức, thực hiện chưa đúng quy định tổ chức xét tuyển hằng năm. Theo Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng: "Cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân dù vô tình hay cố ý làm sai”.
 
Trường hợp của Yên Phong chắc chắn sẽ còn xảy ra ở những địa phương khác có vướng mắc tương tự. Được biết Bộ Nội vụ sẽ sớm xây dựng văn bản trong thời gian gần nhất, có thể trong tháng này để gửi các bộ, ngành địa phương hướng dẫn, đôn đốc và có sự phối hợp. 
 
Sao lại thi phỏng vấn thay vì thực hành?
 
Cần nhấn mạnh rằng theo NĐ 29 của Chính phủ về tuyển dụng viên chức, công chức, có thể xét tuyển theo hình thức thi phỏng vấn và thi thực hành. "Giữa thực hành và phỏng vấn thì tôi nghiêng về thực hành hơn vì nó phản ánh ngay được trình độ, năng lực của người sẵn sàng đảm nhận khi đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh” - Thứ trưởng Tuấn cho biết, trong khi Yên Phong lại chọn cách xét tuyển qua thi phỏng vấn, lý do là hơn 600 người thì làm cách đó nhanh hơn!
 
Thực tế quá trình thi phỏng vấn ở đây đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo NĐ 29 này thì thí sinh không có quyền đề nghị xét phúc khảo kết quả, quá trình phỏng vấn lại không có ghi âm, ghi hình, nên một khi bộ máy vận hành thi tuyển "trục trặc, tiêu cực”, không biết lấy bằng cứ đâu để giám sát, phản biện. Chưa kể sau khi thi phỏng vấn xong, thí sinh cũng không được biết điểm ngay mà phải một thời gian sau đó. Đây là những kẽ hở nhạy cảm, nghịch lý có thể diễn ra phía sau việc vận dụng đúng quy trình ở kỳ thi này, và thi cử kiểu đó nói chung. 
 
Bài học mất công bằng không kịp thời kiểm soát tạo ra bất công trong thi cử, tuyển dụng GV và giáo dục nói chung. Ngành giáo dục cần lên tiếng khuyến cáo các địa phương đang "xốc lại đội ngũ GV” phải điều hành hiệu quả hơn dòng chảy chất lượng nhân lực.
 
An Bình

 

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ