A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Vẫn mê ngành “thừa người”

09:55 | 15/05/2014

Lãnh đạo không ít Sở GD&ĐT tự hào cho rằng lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) năm nay giảm mạnh là do hướng nghiệp năm nay làm tốt hơn. Tốt hơn hay thất bại khi kết quả xa vời với mục tiêu?

 
Sau 13-5 vừa qua, khi các tỉnh phía Nam bàn giao hồ sơ ĐKDT và nhiều trường ĐH công bố tỷ lệ "chọi”, có thể khẳng định lượng hồ sơ giảm mạnh ở hầu hết các tỉnh. Song hướng nghiệp lại xem như thất bại khi nhân lực các ngành kinh tế dù cảnh báo "thừa người” nhưng lượng hồ sơ nhóm ngành này vẫn áp đảo và tỉ lệ "chọi” vượt trội năm ngoái. 
 
Trường hân hoan
 
Tại Hà Nội, tỷ lệ "chọi” trường ĐH Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân vẫn cao. Tổng chỉ tiêu của trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 4.800, với số lượng hồ sơ ĐKDT 18.000, tỷ lệ "chọi” khoảng 3,7/1, nhiều ngành có tỷ "lệ chọi” cao ngất như tiếng Anh quản trị kinh doanh 13/1, kế toán 6/1; quản trị kinh doanh tiếng Việt 1/5… Còn trường ĐH Ngoại thương tỷ lệ "chọi” là 3,4/1.
 
Không ít trường lạc quan cho rằng thí sinh đã nắm được tình hình kinh tế có dấu hiệu phục hồi sau 3 - 4 năm nữa nên đã "đón đầu” kịp thời”. Nhưng chắc nhiều người cố tình quên mới năm ngoái, Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính công bố trong 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không xin được việc sẽ khoảng 13.000 người. Kinh tế ảm đạm, nhiều doanh nghiệp (DN) buộc phải thu hẹp quy mô, thậm chí đóng cửa. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2013 cả nước có khoảng 60.737 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm 2012. 
 
Có lẽ chẳng ai nghĩ các ngành như tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh cảnh báo đã bão hòa nhưng năm nay tiếp tục nhận được nhiều hồ sơ ĐKDT hơn hẳn các nhóm ngành khác như thế. Tại TP.HCM, trường ĐH Tài chính – Marketing có tỉ lệ "chọi” 6/1, nhận được 23.298 hồ sơ/3.900 chỉ tiêu, tăng hơn năm ngoái 2.500 hồ sơ. Trường ĐH Kinh tế có lượng hồ sơ tăng gần 30%, tỷ lệ "chọi” 3,5/1, tuyển 4.000 chỉ tiêu nhưng tổng số hồ sơ nhận được là 14.201, tăng hơn 2.500 hồ sơ so với 2013. Trường ĐH Ngân hàng có hồ sơ tăng vọt tới 13.739 /2.950 chỉ tiêu, trong khi 2013 chỉ nhận được 2.000 hồ sơ. 
 
Trò "cố đấm”?
 
Vẫn biết năm nào các trường cũng "làm hướng nghiệp”, nhưng thông tin về nhu cầu nhân lực các ngành nghề cấp quốc gia và địa phương năm nay đều chưa về đến trường. Liên kết hướng nghiệp giữa khối các DN với các trường cũng chưa. 
 
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội thẳng thắn thừa nhận dù có sự tư vấn, hướng nghiệp và phân luồng, thí sinh Hà Nội vẫn chuộng các ngành kinh tế bởi cho rằng dễ kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng ghi nhận năm ngoái Học viện Tài chính chỉ đứng thứ 26 trong lựa chọn của thí sinh thì năm nay lên vị trí thứ 5 với gần 1.600 hồ sơ.
 
Các trường THPT chưa có đội ngũ làm hướng nghiệp chuyên nghiệp, khi các cơ sở đào tạo trường "tiếp thị” thì hướng nghiệp vẫn phổ biến lối tô hồng, chủ quan và vụ lợi. Nghĩa là chuyên gia tuyển sinh ĐH chỉ nhấn mạnh mặt tích cực, cái hay của ngành nghề mà lờ đi những yêu cầu khắt khe của từng ngành, nghề khi tìm việc… HS vì thế bất chấp cảnh báo, vẫn ảo tưởng theo ngành học có "tương lai dễ chịu” như tài chính, kế toán, ngân hàng, y dược, ngoại giao…
 
Thật ra nhìn vào những "dự báo đón đầu” nguồn nhân lực đầy mâu thuẫn, giáo viên và cả phụ huynh đều rối loạn với hướng nghiệp, có quá nhiều thông tin lẫn lộn thật - giả, thí sinh phải rất thận trọng. Trong khi Bộ GD&ĐT cho biết: Nhân lực khối ngành kinh tế đang bão hòa, học ngành kinh tế sẽ không có việc làm thì chuyên gia hướng nghiệp khẳng định nhân lực khối ngành kinh tế không dư thừa mà chỉ dư thừa nguồn nhân lực không đáp ứng nhu cầu. Riêng nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu vẫn thiếu (!).
 
Xã hội ngậm ngùi
 
Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã chính thức giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành kinh tế, quản trị..., quyết định dừng mở trường, mở ngành mới liên quan tới nhóm ngành này góp phần quy hoạch nguồn nhân lực. Nhìn lượng thí sinh nộp hồ sơ vào những ngành này năm nay vẫn rất đông, chí ít Bộ GD&ĐT cũng phải thấy phân luồng bậc học, ngành nghề thêm một năm thất bại. 
 
Đây là hệ quả tất yếu của một thời gian dài thiếu quan tâm quy hoạch trường và ngành nghề dù mùa tuyển sinh này, Bộ GD&ĐT tiếp tục cảnh báo cho thí sinh về sự bão hòa nhân lực của khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng. 
 
Chỉ có điều, từ vụ hồ sơ giảm nhưng ngành kinh tế vẫn tăng này không ít người đã ngậm ngùi khi liên tưởng đến cử nhân đi tiếp thị hàng chợ, đi học trung cấp cả dàn, lãng phí cả tỷ đô la tiền Nhà nước và tiền túi các gia đình. 
 
Thanh Như

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ