A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thí sinh có được dùng VNeID trong các kỳ thi hay không?

14:05 | 07/06/2024

Theo quy định, VNeID định danh cấp độ 2 có thể thay thế một số loại giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, trong các kỳ thi, thí sinh không được dùng VNeID.

VNeID (viết tắt của từ Viet Nam Electronic Identification) là một ứng dụng trên thiết bị di dộng, do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an phát triển nhằm mục đích thay thế cho giấy tờ truyền thống và cung cấp các tiện ích phục vụ cho công dân số, chính phủ số và xã hội số.

Ngoài ra, VNeID còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước; giúp giảm thiểu sự lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và nhà nước.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Công an, hiện VNeID đã cung cấp 8 tiện ích để phục vụ người dân, doanh nghiệp, xã hội. 23 tiện ích khác sẽ tiếp tục được cung cấp trong thời gian tới.

Tại phiên họp chuyên đề về giải pháp chuyển đổi sang sử dụng một loại tài khoản duy nhất VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện mục tiêu thống nhất sử dụng một tài khoản là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính từ ngày 1/7/2024.

Theo quy định, VNeID định danh cấp độ 2 có thể thay thế một số loại giấy tờ tùy thân khi thực hiện một số thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trong các kỳ thi, thí sinh không được dùng VNeID.

Trong các kỳ thi, thí sinh không được dùng VNeID. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Ghi nhận tại các kỳ thi cho thấy, năm nào cũng có những thí sinh quên hay làm mất giấy tờ tùy thân. Vì vậy, việc VNeID (mức độ 2) không được chấp nhận trong kỳ thi quan trọng sắp diễn ra khiến nhiều phụ huynh và thí sinh băn khoăn.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, ứng dụng VNeID nằm trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, theo quy chế thi, thí sinh không được mang theo điện thoại vào phòng thi. Trường hợp thí sinh mang theo điện thoại vào phòng thi thì dù đã sử dụng hay chưa sử dụng đều sẽ bị đình chỉ, hủy kết quả thi.

Trước đó, trong đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, một số thí sinh quên hoặc bị mất CCCD muốn dùng định danh VNeID mức độ 2 thay thế nhưng không được Hội đồng thi chấp nhận.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, trong quy định liên quan đến giấy tờ tùy thân của nhà trường không có nội dung liên quan đến VNeID. Các loại giấy tờ theo quy định không những được trường thông báo trong quy định tổ chức thi đánh giá năng lực mà còn được ghi trong giấy báo dự thi của thí sinh. Ngoài ra, phần mềm VNeID trên điện thoại cá nhân và trong quy chế thi, thí sinh không được phép mang điện thoại vào khu vực thi.

Trong trường hợp quên hoặc bị mất giấy tờ cần thiết khi thi, các điểm thi sẽ hỗ trợ thí sinh ở mức cao nhất, bảo đảm linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh được tham dự kỳ thi đúng quy định.

Thông thường, thí sinh sẽ làm cam kết, có xác nhận của các thành phần liên quan để lãnh đạo điểm thi đối chiếu, xác minh thông tin.

Thí sinh cần có mặt tại điểm thi đúng thời gian quy định, đồng thời báo cáo ngay cho cán bộ coi thi hoặc lãnh đạo điểm thi, không nên trở về nhà lấy giấy tờ rồi đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

Không chỉ các kỳ thi, tài khoản định danh điện tử trên VNeID hiện chưa thể thực hiện các giao dịch liên quan đến ngân hàng, thanh toán điện tử.

Dự kiến trong thời gian tới, ứng dụng VNeID sẽ được ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng như mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử... theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia ban hành kèm theo Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06).

Văn Thanh

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/thi-sinh-co-duoc-dung-vneid-trong-cac-ky-thi-hay-khong-10282814.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ